Hàng loạt cây cầu dân sinh được xây dựng nhờ Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMD) đã biến những mơ ước của người dân nghèo Hà Tĩnh thành hiện thực.
Là địa bàn có nhiều ao hồ, sông, suối… Hà Tĩnh có hàng trăm cây cầu dân sinh, phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, trong số đó còn rất nhiều cây cầu tạm bợ, nhỏ hẹp, không an toàn, đặc biệt là tại các khu vực nông thôn, miền núi. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của người dân, nhất là vào mùa mưa lũ người dân ở đó dường như bị cô lập hoàn toàn.
Thấu hiểu điều đó, từ cuối năm 2017, những cây cầu kiên cố bằng bê tông cốt thép thuộc Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) do Tổng cục đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư (từ nguồn vốn ODA do WB tài trợ) được triển khai trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, sinh hoạt, bảo đảm ATGT cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Là một trong những địa phương được quan tâm xây dựng cầu, người dân ở xóm 6, xã Hà Linh; người dân ở xã Hương Thủy (huyện Hương Khê) không giấu nổi niềm vui mừng.
Trước đây, họ bị chia cắt bởi khe Lợi, để đến được khu hành chính của xã cũng như thông thương hàng hóa, những người dân bên kia khe Lợi đều phải đi qua con đường độc đạo, mặc dù xe máy, xe đạp đã có thể qua lại, nhưng mặt đường lầy lội, trơn trượt, nước khe lại khá sâu nhiều người khi phải lái xe qua đây không chắc tay lái, không ít trường hợp đã bị ngã xuống khe nhất là học sinh đi học… Về mùa mưa lũ thì toàn bộ người dân sống ở bên kia dòng khe bị cô lập hoàn toàn.
Vào tháng 8 năm nay, ước mơ của những người dân nơi đây đã trở thành hiện thực khi cầu Lợi là một trong hai cây cầu được dự án LRAMP được triển khai trên địa bàn xã Hà Linh. Cầu có chiều dài 30m với 3 nhịp cầu, rộng 3,5m (tính cả lan can), trị giá 2,3 tỷ đồng. Sau gần 1 tháng thi công, đến nay, cầu Lợi đã thực hiện xong phần cọc khoan nhồi, đợn vị thi công cũng đang tiến hành thi công kịp tiến độ để cuối năm nay người dân có cầu mới đi lại.
Cùng chung niềm vui với nhân dân xã Hà Linh, người dân thôn Hưng Yên, xã Lộc Yên cũng chuẩn bị được đón nhận niềm vui tương tự, khi một cây cầu mới của dự án LRAMD chuẩn bị được đầu tư xây dựng thay thế cây cầu cũ đã xuống cấp nghiêm trọng, chỉ sợ nước cuốn trôi đi lúc nào không biết.
Ông Nguyễn Văn Nghiệm, xóm Hưng Lộc, xã Lộc Yên chia sẻ: “Tôi sống đây từ nhỏ, cây cầu này đã làm được hơn 15 năm rồi, đây là nơi đã xảy ra nhiều tai nạn đau lòng, gần đây nhất là ba mẹ con qua cầu nước chảy xiết bị rơi xuống hai mẹ con thoát được còn đứa anh bị chết đuối. Nhìn cây cầu thế thôi chứ mỗi lần mưa ngập cầu là cả xóm bị cô lập hoàn toàn, các cháu học sinh đều phải nghỉ học. Người dân chúng tôi đã trông mong có cây cầu từ rất lâu rồi, có cầu mới, mọi sinh hoạt, sản xuất của người dân sẽ có chuyển biến. Xe ô tô con và các xe tải nhỏ cũng qua lại dễ dàng. Chúng tôi không còn phải lo lắng khi các cháu học sinh đi qua cầu nữa”.
Chia sẻ niềm vui với người dân trong xã, ông Nguyễn Văn Hưng- Chủ tịch UBND xã Lộc Yên vui mừng: “Cầu Hưng Yên chuẩn bị được đầu tư xây dựng khiến chúng tôi rất phấn khởi, vì cây cầu không những đáp ứng nhu cầu đi lại của hơn 400 hộ dận mà nó còn phục vụ giao thương hàng hóa. Vì ngoài dân cư thì phần lớn thôn Hưng Yên có một diện tích lớn đất nông nghiệp và lâm nghiệp chưa phát huy được hết hiệu quả, giờ thì xã không còn phải lo nữa rồi”.
Thỏa niềm mong ước
Ngày 22/8, chia sẻ niềm vui với phóng viên ngay trên cầu Đồng Trường (chiều dài 24m, bắc qua xóm 4, xã Hương Xuân, huyện Hương Khê) vừa mới đưa vào sử dụng, một cán bộ xã Hương Xuân không giấu được sự xúc động: “Tôi thường xuyên đi qua cầu này, ngày xưa cầu ván dân tự làm vào mùa mưa lũ thì khổ lắm. Bên kia cây cầu không những hàng chục hộ dân sinh sống mà có cả nghĩa địa nên khổ nhất là những lúc đưa tang, cầu nhỏ, khó đi, từ khi có cầu mới mọi thứ đều thuận lợi người dân chúng tôi vui lắm”.
Giải thích về những mục tiêu và ý nghĩa của dự án mang lại, ông Hồ Tân Bình - Phó Giám đốc Ban QLXDGT tỉnh Hà Tĩnh cho biết, mục tiêu của dự án LRAMD nhằm đảm bảo tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân vùng sâu vùng xa, những nơi đi lại khó khăn nhất vào mùa mưa lũ.
Bên cạnh đó những cây cầu của dự án sẽ giúp gắn kết lại sự liên kết của cộng đồng, xóa đói giảm nghèo ở vùng khó khăn. Nhằm nâng cao nhận thức của địa phương về công tác quản lý, thay đổi thói quen và tạo sự lan tỏa trong nhân dân về bảo vệ các công trình giao thông, từ đó nâng cao tuổi thọ của cầu, giảm sự đầu tư cải tạo, nâng cấp, nhưng hiệu quả cao và lâu dài.
Ông Bình cho hay, theo quyết định, Hà Tĩnh được đầu tư 81 cầu được chia thành 6 hợp phần (HT01- HT06), hiện tại đã hoàn thành được 4 hợp phần với 40 cây cầu được xây dựng, còn HT05 bắt đầu triển khai với 17 cây cầu đang được thực hiện công tác dự kiến đầu tư.
Với tổng mức đầu tư 136,2 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và vốn đối ứng của địa phương sau khi hoàn thành sẽ giúp thay đổi bộ mặt của Hà Tĩnh.
“Tuy các công trình có quy mô nhỏ, giá trị từ 2 đến 3 tỷ đồng nhưng có ý nghĩa lớn, giúp người dân đi lại an toàn, thuận tiện, xóa bỏ chia cắt cộng đồng, kết nối giữa các vùng nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng còn khó khăn”, ông Bình cho biết.
Diễm Phước
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng