"Chủ - tớ" là mối quan hệ lợi ích dẫn đến đại án OceanBank là vụ án có liên quan đến nhiều người nhất trong các vụ án hình sự. Và cũng vì nó mà hàng chục cán bộ nhân viên ngân hàng - những người làm theo chỉ đạo của cấp trên bị đề xuất xử lý hình sự.
Có lẽ trong các mối quan hệ lợi ích được nhắc đến trong vụ án OceanBank không thể không kể đến mối quan hệ chủ - tớ hay mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động. Bởi chính vì mối quan hệ này mà đã có hàng chục cán bộ nhân viên OceanBank phải vướng vào vòng lao lý vì hoạt động chi lãi ngoài.
Quy mô hoạt động của một ngân hàng là rất lớn, dù là ngân hàng nhỏ như OceanBank đi nữa thì cũng đã có khoảng 3.000 nhân viên. Việc tuân thủ mệnh lệnh từ trên xuống dưới tạo nên mối quan hệ khăng khít giúp cho công việc được thông suốt.
Băn khoăn khi đưa ra quyết định "chi lãi ngoài"
Trong trường hợp OceanBank, việc chi lãi ngoài được cựu Chủ tịch Hà Văn Thắm nhận định là tình thế bắt buộc nhằm đảm bảo thanh khoản, duy trì hoạt động của ngân hàng. Lúc đó ông Thắm với trình độ hiểu biết sâu sắc trong lĩnh vực ngân hàng hoàn toàn biết việc chi lãi ngoài là trái với quy định của Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Thông tư 02 ban hành ra với mục đích làm giảm áp lực lên lạm phát thời điểm đó, là một phần trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Tuy nhiên, sự điều chỉnh này đã tạo một áp lực lớn đối với các ngân hàng nhỏ và "vô tình" tạo lợi thế cho các ngân hàng lớn.
Biết sai nhưng vẫn phải làm
Chính sự tự tin hiểu biết của mình, ông Thắm cho rằng thời điểm đó việc chi lãi suất vượt trần là tình cảnh chung nhiều ngân hàng và chỉ nghĩ hậu quả là bị xử lý hành chính. Nội dung của Chỉ thị 02 ban hành sau đó đã thể hiện rõ điều này với chế tài vi phạm xác định là xử phạt hành chính, cách chức/miễn nhiệm cán bộ lãnh đạo ngân hàng.
Mất thanh khoản, ngân hàng sẽ đứng trước tình cảnh phá sản. Quyết định của ông Hà Văn Thắm lúc đó có lẽ được nhiều người đánh giá là sáng suốt khi nắm trong tay công ăn việc làm của khoảng 3.000 người lao động.
Với suy nghĩ đó, ông Thắm mạnh dạn chỉ đạo các nhân viên cấp dưới thực hiện mà không lường hết được dẫn đến kết cục trong phiên toà ngày hôm nay khi hàng chục nhân viên dưới quyền có nguy cơ bị xử phạt hình sự.
Trong phiên toà, với cương vị là người đứng đầu, "chủ mưu" Hà Văn Thắm đã thẳng thắn nhận toàn bộ trách nhiệm trong việc chi lãi ngoài về mình thậm chí có thể là hình phạt cao nhất đối với tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
"Xin HĐXX tha cho những đồng nghiệp của bị cáo", Hà Văn Thắm nói.
Đây có lẽ là những cố gắng nỗ lực cuối cùng mà vị cựu lãnh đạo này có thể làm được cho những nhân viên của mình trong thời điểm hiện tại.
Những người lao động được lợi gì?
Khi chủ trương chi lãi ngoài được các cấp lãnh đạo thông qua và chỉ đạo thực hiện, các nhân viên cấp dưới với phận làm công hưởng lương thì việc làm theo nhiệm vụ cấp trên giao phó là điều khó tránh khỏi. Đứng dưới góc độ của một nhân viên, trên thực tế khi "chi lãi ngoài" họ hoàn toàn không được lợi ích gì. Cái lợi ích nếu có ở đây là họ có thể giữ được công việc của mình, đó là "miếng cơm manh áo" nuôi sống bản thân và gia đình của họ.
Những cá nhân đứng trước vành móng ngựa trong phiên toà hầu hết lại là những Giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch, Giám đốc khối,… Đó là những người được đánh giá có trình độ học vấn cao, khi chưa bị khởi tố họ là những người được nể phục, coi trọng trong xã hội. Nhiều người từng đặt ra câu hỏi:"Tại sao với trình độ như vậy lại có thể làm trái để gánh hậu quả như hôm nay?" hay "nếu biết sai sao không sang nơi khác làm việc?"
Có hai vấn đề được những bị cáo này nhắc đến trong phiên toà xét xử.
Thứ nhất, chuyển sang nơi khác có chắc không phải chi lãi ngoài?
Thời điểm mà nhiều ngân hàng cùng chi lãi ngoài, chuyển sang một ngân hàng khác, liệu có tránh được việc này. Một người khi đã gắn duyên phận với một ngành nghề sẽ khó dứt ra được khỏi chữ "nghiệp" nên việc chuyển sang một nghề khác lại là một điều hết sức khó khăn. Mặt khác, để có được chức vụ và thành quả như vị trí của họ, chắc chắn rằng những cán bộ nhân viên ấy đã phải có rất nhiều cố gắng và nỗ lực. Chỉ trong một quyết định ngắn ngủi, họ có dễ dàng từ bỏ những gì mình đã gây dựng?
Thứ hai, họ không lường trước hết được hậu quả.
Những cá nhân này, họ hoàn toàn nhận thức rõ hành vi của mình thực sự không làm hại cho ai: không thiệt hại cho ngân hàng, cho khách hàng hay ảnh hưởng mạnh đến chính sách tiền tệ chung. Hơn nữa, như đã nói ở trên, chế tài xử phạt thông tư 02 chưa bao giờ nói họ sẽ có khả năng truy cứu trách nhiệm hình sự và trước đó cũng chưa từng có trường hợp nào bị xử lý hình sự.
Họ có sợ không? chắc chắn có. Họ có lường trước hậu quả không? Chắc chắn có. Nhưng cái hậu quả họ hình dung ra không xấu như thế. Để rồi xuất hiện những câu nói muộn màng: "Giá như trong thời điểm 2011, anh cứ để ngân hàng phá sản thì sẽ không có ai bị truy tố và chịu trách nhiệm hình sự như ngày hôm nay" (trích lời bà Đỗ Đại Khôi Trang - nguyên GĐ Khối Khách hàng cá nhân OceanBank)
Có lẽ vì thế mà chính những nhân viên này ngay cả đứng trước tình thế có thể cho là "xấu nhất của cuộc đời" lại vẫn có thể nói không oán trách gì với ông Hà Văn Thắm. Thậm chí còn cầu chúc cho vị cựu lãnh đạo của mình được mạnh khoẻ, bình an.
Theo cáo trạng của VKS, 227 Giám đốc Phòng giao dịch chi lãi ngoài gây thiệt hại dưới 1 tỷ đồng và các Phó giám đốc, nhân viên chi lãi ngoài trái quy định gây thiệt hại cho OceanBank. Nếu khởi tố toàn bộ 227 người sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của OceanBank trong giai đoạn tái cơ cấu.
Do đó, VKS đã giữ nguyên việc truy tố tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với 34 cán bộ nguyên là Giám đốc các chi nhánh, Phòng giao dịch của OceanBank, họ phải chịu trách nhiệm hình sự và liên đới thu hồi phần tài sản tổn thất.
Diệp Bình
Theo KTTD, Vietnambiz