Do thiếu sự phối hợp, hỗ trợ từ cơ quan quản lý, những công trình chợ bạc tỷ từ chương trình xã hội hóa đầu tư phát triển chưa đem lại lợi ích cho nhà đầu tư và gây lãng phí về mặt xã hội.
Do thiếu sự phối hợp, hỗ trợ từ cơ quan quản lý, những công trình chợ bạc tỷ từ chương trình xã hội hóa đầu tư phát triển chưa đem lại lợi ích cho nhà đầu tư và gây lãng phí về mặt xã hội.
Trái đắng
Năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị định 02/2003/NĐ-CP nhằm quy hoạch phát triển và quản lý chợ trên phạm vi cả nước, qua đó, khuyến khích tư nhân đầu tư, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng chợ để đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng cao của người dân. Hưởng ứng chủ trương trên, nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM đã tích cực đầu tư những ngôi chợ hoành tráng, đạt tiêu chuẩn hoạt động.
Tính đến nay, toàn TP có khoảng 200 siêu thị lớn nhỏ, 200 chợ truyền thống và các điểm bán hàng tiện ích. Con số này sẽ còn tăng lên trong thời gian tới, chủ yếu là do sự xuất hiện các khu dân cư mới, các quận/huyện vùng ven.
Công trình chợ bạc tỷ nhếch nhác, không một bóng người
Nhờ tạo ra một số cơ chế khuyến khích đầu tư chợ mà gần một thập kỷ qua, thay vì trông chờ vào vốn ngân sách, hàng chục ngôi chợ quy mô lớn đã hình thành từ nguồn vốn của các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh ngày càng nhiều. Song nhìn lại, có không ít doanh nghiệp đã nhận phải trái đắng. Cách đây 10 năm, chợ Vĩnh Lộc cũ (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) là một cái chợ lụp xụp, xuống cấp nghiêm trọng, số lượng sạp hàng không đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân.
Lúc đó, UBND huyện Bình Chánh đã kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia xây dựng chợ mới để tạo nơi buôn bán, mua sắm khang trang, văn minh, sạch sẽ hơn. Với nguồn vốn tự có khoảng 40 tỷ đồng, ông Trần Văn Dũng – chủ doanh nghiệp tư nhân sản xuất Tân Ngọc Vân đã gõ cửa ngân hàng vay thêm 15 tỷ đồng sau đó làm thủ tục xin chủ trương đầu tư chợ Vĩnh Lộc mới cách chợ cũ chừng 200m.
Năm 2005, chợ đi vào hoạt động với quy mô hơn 200 sạp, tổng vốn đầu tư hơn 57 tỷ đồng. Dù đã khảo sát kỹ nhu cầu mua sắm, số lượng tiểu thương cũng như xu hướng phát triển trước khi đầu tư, nhưng trong những năm đầu chợ luôn trong tình trạng thiếu người mua, người bán và đến nay tỷ lệ lấp đầy không quá 100 sạp.
Ông Dũng tâm sự: “Làm ăn thua lỗ mà không thể đóng cửa bởi nó còn liên quan đến hàng trăm tiểu thương đang mưu sinh gắn bó với mình. Tình trạng khai thác kém hiệu quả của ngôi chợ bạc tỷ này đã khiến doanh nghiệp đứng trước nhiều áp lực lớn, nhất là lãi vay ngân hàng. Nguồn thu trung bình của chợ mỗi tháng chỉ đạt khoảng 250 triệu, trong khi lãi vay ngân hàng ngốn hơn 400 triệu/tháng”.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Bạch Huệ (ở số 14/16 Phan Đăng Giảng, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) cũng là một trong những cá nhân hăng hái dốc tiền xây chợ khi quận có chủ trương phát triển chợ để dọn dẹp các điểm buôn bán tự phát trong khu dân cư hiện hữu.
Năm 2007, bà Huệ tận dụng mặt bằng có sẵn của mình và đầu tư thêm 7 tỷ đồng xây chợ Phan Đăng Giảng (quận Bình Tân). Nhiều lần chính quyền địa phương vận động những cá nhân buôn bán lấn chiếm lòng lề đường cách đó vài trăm mét vào chợ thuê sạp, song chỉ có lèo tèo vài tiểu thương vào họp chợ. Sau 5 năm hoạt động cầm chừng, có lúc đóng cửa, mới đây bà Huệ đã cải thiện khu chợ này để kinh doanh dịch vụ phòng trọ.
Ngôi chợ tiền tỷ thành nơi kinh doanh phòng trọ
Cách đây không lâu, quận 7 lên kế hoạch giải tỏa chợ Phước Long cũ (phường Phú Mỹ, quận 7). Tận dụng quỹ đất có sẵn do thị trường bất động sản ế ẩm, Công ty cổ phần đầu tư thương mại dịch vụ Phước Long đã xây chợ Phước Long mới (cách chợ cũ khoảng 300m) với hơn 650 sạp, nếu tính cả chi phí tiền đất (7.000m2), tổng mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng.
Một số tiểu thương tại đây cho biết, hiện chỉ có khoảng 200 sạp hoạt động trong tình trạng cầm chừng, số còn lại đóng cửa hoàn toàn. Trong khi đó, chủ đầu tư đang có dự định sẽ xây thêm một trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống tại đây để phục vụ cho người dân trong khu vực.
Muốn tồn tại phải dẹp chợ tự phát
Chợ Phước Long ra đời có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết tình trạng kẹt xe thường xuyên xảy ra tại khu vực cầu Phước Long và cầu Phú Xuân do người dân thiếu chỗ buôn bán phải dùng đến vỉa hè, lòng đường.
Biết chợ tự phát là đối thủ đáng gờm nên ngay từ đầu, chợ Phước Long cạnh tranh bằng chiêu giảm trên 30% giá thuê sạp (1,5 triệu đồng/sạp/tháng), miễn phí điện, nước, thuế… Tuy vậy, chợ tự phát gần đó vẫn không được dẹp triệt để nên các chính sách ưu đãi của chợ Phước Long chưa phát huy hiệu quả.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để thu hút tiểu thương họp chợ, ban quản lý chợ Vĩnh Lộc cũng đã giảm giá thuê sạp, miễn, giảm thuế nhiều năm qua. Nhờ đó có thời điểm số lượng sạp trong chợ được lấp đầy 90%. Nhưng rồi nói như người dân ở đây thì “cuộc chiến” giữa chợ Vĩnh Lộc và chợ tự phát chưa bao giờ cân sức. Dọn vào chợ vài hôm, tiểu thương lại sang sạp, đưa hàng ra “phố” gia nhập với chợ tự phát.
Chợ Vĩnh Lộc tuy có tiểu thương buôn bán nhưng rất vất vả khi cạnh tranh với chợ tự phát
Một vị lãnh đạo UBND xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) giải thích, do chợ tự phát hoạt động giáp ranh giữa xã Vĩnh Lộc B và Vĩnh Lộc A nên khó giải quyết dứt điểm. "Xã đã ra quân dẹp chợ tự phát nhiều lần nhưng sau đó người bán vẫn lén lút hoạt động trở lại. Thời gian tới, chúng tôi sẽ làm quyết liệt hơn trong việc đưa tiểu thương vào chợ hoạt động, đồng thời chấn chỉnh, lập lại trật tự lòng lề đường".
Theo giải thích của đại diện Sở Công thương TP, sở dĩ chợ tự phát lấn át các chợ được đầu tư bài bản là do buông lỏng quản lý, thiếu cương quyết trong việc thực hiện giải tỏa những điểm mua bán tự phát lấn chiếm lòng lề đường ngay từ khi mới nhen nhóm hình thành, để tình trạng kéo dài. Lực lượng mỏng không đủ khả năng chốt chặn lâu dài, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, đặc biệt là UBND quận/huyện, phường xã nơi trực tiếp quản lý trong việc kiên quyết giải tỏa điểm - khu vực mua bán tự phát cũng là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải tỏa nơi này thì các hộ tiểu thương chạy về nơi khác để tiếp tục kinh doanh.
Thất bại của những công trình chợ bạc tỷ từ xã hội hóa phát triển
Đặc điểm kinh doanh tự phát là không phải đóng bất kỳ một khoản nghĩa vụ nào đối với nhà nước, cũng như trả bất kỳ khoản phí nào về thuê mặt bằng, thuê sạp chợ nên lợi nhuận của hoạt động này hấp dẫn hơn. Ý thức, tập quán và thói quen của người đi chợ; thu nhập của người dân lao động còn thấp.
Sở Công Thương cho rằng, giải pháp hiện nay là UBND quận, huyện cần xây dựng kế hoạch, có lộ trình cụ thể để giải toả dứt điểm đối với các điểm kinh doanh tự phát. Đối với khu vực dân cư đã có chợ, hệ thống phân phối phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương thì tiến hành giải toả trắng các điểm kinh doanh tự phát ăn theo chợ.
Đối với khu vực dân cư chưa có hệ thống phân phối, phải tiến hành sắp xếp các điểm mua bán gọn gàng, có sự quản lý của địa phương để đảm bảo trật tự an ninh, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm. Tích cực đầu tư, phát triển nhiều loại hình phân phối, ưu tiên cho các khu vực quận ven, huyện ngoại thành, các khu chế xuất, khu công nghiệp… để từng bước đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong khu vực.
Có thể nói, việc các doanh nghiệp mạnh dạn bỏ một nguồn vốn lớn vào việc đầu tư xây dựng chợ thể hiện sự hưởng ứng tích cực đối với chủ trương xã hội hóa đầu tư của Nhà nước.
Nếu các cơ quan quản lý làm tốt nhiệm vụ dẹp bỏ chợ cóc, chợ lề đường, chợ tạm hoạt động bát nháo thì những ngôi chợ hợp pháp trên không rơi vào cảnh đìu hiu, kém hiệu quả như hiện nay.
Giang Uyên
Theo Infonet