Trong năm vừa qua, huyện Chiêm Hóa đã xác định đầu tư công là động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nhờ nghiêm túc thực hiện các quy định cũng như tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý, triển khai các dự án, công trình đầu tư công mà diện mạo nơi đây ngày càng đổi mới. Trên mỗi gương mặt người dân đều ánh lên niềm vui về những đổi thay trong cuộc sống.
Niềm tin và nỗ lực
Chiêm Hoá là huyện miền núi phía Bắc của tỉnh Tuyên Quang. Huyện lỵ đặt tại thị trấn Vĩnh Lộc, cách trung tâm tỉnh Tuyên Quang 67 km. Diện tích cả huyện là 127.882,3ha, trong đó có 14.965,19 ha đất sản xuất nông nghiệp và 105.126,2 ha đất lâm nghiệp. Toàn huyện có 317 thôn, tổ nhân dân, dân số trên 128.290 người với 18 dân tộc cùng chung sống, mật độ dân số trung bình là 100 người/km2. Đời sống của đa số người dân ở đây còn nhiều khó khăn nhất là một bộ phận đồng bào các dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, Đảng và Chính phủ hướng mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở vùng cao nói chung, trong đó có các xã trong diện khó khăn, là nhằm cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, thông qua các chương trình, dự án, nguồn vốn hỗ trợ để phát triển sản xuất, thực hiện chính sách an sinh xã hội, giúp đồng bào vươn lên vượt khó.
Có thể nói, năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, là năm “về đích” thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Chiêm Hoá lần thứ XXI và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (giai đoạn 2016-2020).
Việc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 trong điều kiện có những thuận lợi từ kết quả đạt được trong năm 2019. Song đối với huyện Chiêm Hóa nói riêng cũng như toàn tỉnh Tuyên Quang nói chung cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đó là: Thời tiết diễn biến bất thường tác động đến sản xuất nông lâm nghiệp; thiên tai, dịch bệnh trên vật nuôi diễn biến phức tạp, nhất là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; đại dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng kinh tế và đời sống nhân dân.
Mặc dù vậy, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Huyện uỷ, HĐND, sự điều hành tập trung, quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả của UBND huyện, sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đã tạo nên sức mạnh to lớn và đạt những kết quả quan trọng trong việc thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa quyết liệt phòng chống dịch hiệu quả; vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; 100% các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch.
Trong năm 2020, UBND huyện Chiêm Hóa đã tập trung chỉ đạo, điều hành toàn diện, quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực, nhất là 02 khâu đột phá và các nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản hoàn thành và vượt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.
Chú trọng sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư
Xác định để thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là cải thiện đời sống nhân dân, trong năm vừa qua cấp ủy, chính quyền huyện Chiêm Hóa đã và đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư. Trong đó, huyện tập trung phát triển hạ tầng - kỹ thuật, giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, huyện Chiêm Hóa đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19; Văn bản số 622/TTg-KTTH ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư công và thực hiện các chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh về giải ngân vốn đầu tư công. Tích cực huy động nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh về các nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở địa phương.
Năm 2020, tổng vốn đầu tư phát triển của huyện Chiêm Hóa là hơn 272 tỷ đồng đầu tư cho 129 dự án và công trình (gồm cả công trình trả nợ, chuyển tiếp và khởi công mới). Trong đó, vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 26,8 tỷ đồng; vốn phân cấp cho huyện 11,6 tỷ đồng; vốn Chương trình 135 hơn 20,1 tỷ đồng; vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới 82,2 tỷ đồng; vốn di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang 52,3 tỷ đồng và vốn ngân sách huyện 76,6 tỷ đồng.
Nỗ lực để người dân được hưởng những điều kiện tốt nhất
Để kịp thời giải ngân các nguồn vốn theo đúng tiến độ, huyện Chiêm Hóa đã sớm hoàn thành phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công cho các dự án cụ thể. Đồng thời, huyện tổ chức đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà thầu, yêu cầu đơn vị thi công thực hiện khối lượng công việc theo đúng cam kết trong kế hoạch.
Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) cho biết: Mặc dù là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, để thực hiện hiệu quả các công trình, dưới sự chỉ đạo sát sao của UBND huyện, Ban QLDA ĐTXD huyện Chiêm Hóa luôn thực hiện đúng quy định về công tác lập, thẩm định, phê duyệt các công trình xây dựng theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn có liên quan, khẩn trương thực hiện các thủ tục đầu tư và giải ngân các nguồn vốn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Từ đó, các công trình trọng điểm và đột phá được xúc tiến thực hiện theo kế hoạch.
Các dự án từ khi được UBND huyện phê duyệt đến thời điểm thông báo mời thầu đều được đăng tải công khai trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia nhằm tạo điều kiện cho các nhà thầu tìm hiểu thông tin và lập hồ sơ dự thầu, giúp lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật và chào giá hiệu quả nhất. Mặt khác, để tăng cường tính minh bạch trong đấu thầu, tạo điều kiện cho nhà thầu tiếp cận hồ sơ mời thầu dễ dàng, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại cho nhà thầu, Ban QLDA ĐTXD huyện Chiêm Hóa đã triển khai đấu thầu qua mạng các gói thầu một cách minh bạch và khách quan. Ngoài ra, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Chiêm Hóa còn siết chặt công tác đấu thầu góp phần loại bỏ những nhà thầu yếu kém, chây ỳ, không thực hiện đúng cam kết về tiến độ, chất lượng, góp phần đẩy nhanh và đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình.
Bên cạnh đó, để giảm chi phí và tiết kiệm tiền đầu tư, Ban QLDA ĐTXD huyện Chiêm Hóa cùng đơn vị tư vấn đã tiến hành khảo sát thiết kế, lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng các công trình đảm bảo về quy mô, kỹ thuật, mỹ thuật và công năng sử dụng. Công tác QLDA, lập, thẩm định, phê duyệt dự án được nhiều cơ quan, nhiều cấp kiểm tra, kiểm soát và thẩm định chặt chẽ.
Do huyện Chiêm Hóa là một huyện vùng núi, địa hình phức tạp, khó khăn, các dự án được tập trung triển khai ở các vùng sâu, vùng xa, do đó việc vận chuyển nguyên vật liệu, hay nhân công đều khó khăn. Vì lẽ đó, huyện luôn xác định phải nỗ lực, đồng tâm để bà con các vùng khó khăn được hưởng những điều kiện tốt nhất về hệ thống điện, đường, trường, trạm. Lựa chọn được những doanh nghiệp uy tín, có năng lực và thông thạo địa hình của miền núi để đảm bảo thi công nhanh, an toàn, đảm bảo tiến độ và chất lượng đề ra.
Thay màu áo mới…
Theo thống kê, trong năm 2020 huyện Chiêm Hóa đã đầu tư xây dựng 81,78km đường giao thông với tổng kinh phí 80.919,202 triệu đồng; 20 công trình cầu với tổng kinh phí 16.369 triệu đồng; đầu tư xây dựng 8 nhà văn hóa (5 nhà văn hóa trung tâm các xã: Bình Phú, Minh Quang, Yên Lập, Trung Hòa, Nhân Lý; nhà văn hóa thôn Khun Mạ, xã Kiên Đài; nhà văn hóa tổ dân phố Vĩnh Sơn và tổ dân phố Vĩnh Bảo, thị trấn Vĩnh Lộc) với tổng kinh phí 13.072,875 triệu đồng; đầu tư xây dựng 49 phòng học, 11 phòng bán trú, 11 phòng chức năng, 02 nhà bếp cho các đơn vị trường học với tổng kinh phí 41.894,462 triệu đồng. Ngành điện đã đầu tư xây dựng 7,77km đường dây 35kV và 21,78km đường dây 0,4kV với tổng kinh phí 21,15 tỷ đồng.
Đến nay, việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công của huyện đều đạt tiến độ. Theo báo cáo của UBND huyện Chiêm Hóa, kết quả giải ngân đến ngày 30/11/2020: 195.692,861/272.505,832 triệu đồng (Đạt 72% vốn kế hoạch).
Có thể nói, kết cấu hạ tầng kỹ thuật - kinh tế xã hội, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm, cơ sở vật chất văn hóa, công trình thủy lợi… được đầu tư cơ bản, ngày càng đồng bộ và hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện Chiêm Hóa nói riêng và tỉnh Tuyên Quang nói chung. Với những cách làm sáng tạo và vận dụng linh hoạt các cơ chế chính sách, không khó để nhận thấy, những năm qua hệ thống kết cấu hạ tầng, diện mạo của huyện vùng cao Chiêm Hóa đã có bước phát triển đáng kể. 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Kim Bình, Yên Nguyên, Vinh Quang, Hoà Phú, Phúc Thịnh, Tân Thịnh, Xuân Quang) được duy trì, giữ vững chất lượng các tiêu chí và hoàn thành xây dựng xã Trung Hòa, xã Nhân Lý đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 nâng tổng số xã đạt nông thôn mới trên địa bàn huyện đạt 09/25 xã, đạt tỷ lệ 36%. Bình quân toàn huyện đạt 15 tiêu chí/xã.
Chặng đường phía trước đang mở ra nhiều thời cơ, thuận lợi và cũng không ít khó khăn, thách thức. Năm 2021, huyện Chiêm Hóa tiếp tục tập trung thực hiện quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế- xã hội. Trong đó tập trung vào thực tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXII, tập trung vào 02 khâu đột phá và 03 nhiệm vụ trọng tâm; chỉ đạo thực hiện tốt công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026; đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, chương trình “mỗi xã một sản phẩm” gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025; tập trung thực hiện Đề án phát triển đô thị giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; tập trung thu ngân sách; thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu đầu tư công; tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết 49 của BTV Huyện ủy; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn...
Vẫn còn đó những khó khăn đối với một huyện vùng cao, vẫn tồn tại không ít rào cản trong việc thay đổi nếp sống, nếp nghĩ của đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhưng tin rằng, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và người dân, bộ mặt nông thôn của huyện vùng cao Chiêm Hóa sẽ ngày càng khởi sắc, những bản làng sẽ thêm trù phú, yên vui.
Bài: Tạ Thành
Ảnh: Minh Phụng
Theo KTDU