Sự kiện hot
7 năm trước

Những đền chùa cầu tài lộc nổi tiếng từ Bắc chí Nam

Hành trình du lịch tâm linh vào đầu xuân - năm mới không thể bỏ qua Đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh hay Phủ Tây Hồ ở Hà Nội...những ngôi đền - chùa nổi tiếng linh thiêng về cầu tài lộc và may mắn.

Đền Bà Chúa Kho - Bắc Ninh

Đền Bà Chúa Kho nằm trên lưng chừng ngọn núi Kho, tại khu Cô Mễ, xã Vũ Ninh, Thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Đây không chỉ là khu di tích lịch sử mà còn là nơi hàng năm nhân dân khắp cả nước hành hương về đây xin lộc rơi lộc vãi.

Hàng năm có tới hàng ngàn lượt khách từ khắp nơi đổ về đây cầu xin phúc lộc tại Đền Bà Chúa...

Lễ hội Bà Chúa Kho hằng năm được tổ chức vào ngày 14/1 âm lịch.

Từ Hà Nội đến Đền Bà Chúa Kho khoảng 33km, du khách có thể lựa chọn phương tiện như:

Xe máy, ôtô tự lái: Bạn đi theo tuyến đường qua cầu Long Biên - cầu Đuống - thị xã Từ Sơn - là tới trung tâm thành phố Bắc Ninh (tuyến này chỉ khoảng 29km). Nếu bạn đi theo tuyến quốc lộ 1A thì khoảng 35km.

Xe bus: Có thể lựa chọn tuyến 54 (Long Biên - Bắc Ninh) hoặc tuyến 203 (Giáp Bát - Bắc Ninh - Bắc Giang).

(Ảnh: Samiux)

Phủ Tây Hồ - Hà Nội

Phủ Tây Hồ được coi là một trong những chốn linh thiêng nhất của Hà Nội. Mỗi năm, dịp Tết đến xuân về, không chỉ những người dân Hà Nội, mà đa số du khách khắp nơi khi đến thăm Hà Nội đều đến đây thắp hương cầu phúc với hi vọng một năm may mắn và an lành.

Phủ Tây Hồ nằm trên một bán đảo nhô ra giữa Hồ Tây, trước là một làng cổ của kinh thành Thăng Long nằm ở phía đông của Hồ Tây. Phủ thờ Liễu Hạnh Công chúa, một nhân vật truyền thuyết, là một trong bốn vị thánh bất tử theo tín ngưỡng của người Việt.

Chính hội của Phủ Tây Hồ diễn ra từ ngày 3 - 7/3 âm lịch.

(Ảnh: Lenlichdichoi)

Chùa Hương - Hà Nội

Chùa Hương nằm ở Mỹ Đức - Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 65 km. Hàng năm mỗi độ xuân về, nơi đây đón hàng triệu lượt khách thập phương đến để hành hương và lễ bái.

Đền Trình, chùa Thiên Trù và động Hương tích được coi là 3 điểm đến đẹp nhất cũng như linh thiêng nhất mà bạn nên ghé qua.

Khi đễ chùa Hương lễ bái bạn nên kết hợp các điểm với nhau tại thành một tuyến như sau: Đền trình - Chùa Thiên Trù - Động Tiên Sơn - Chùa Giải Oan - Đền Trần Song- Động Hương Tích - Chùa Hinh Bồng

Lễ hội chùa Hương diễn ra vào ngày mùng 6 tháng giêng và kéo dài đến tháng 3 âm lịch.

Từ trung tâm Hà Nội di chuyển đến chùa Hương như sau:

Xe máy: Đi tới đường Nguyễn Trãi, đi thẳng tới Hà Đông đến ngã ba Ba La rẽ trái đi sang Vân Đình. Đi tiếp 40 km đến Tế Tiêu rẽ Trái và hỏi người dân đường đi chùa Hương.

Xe bus: Bạn lựa chọn tuyến 211, 75, 78 để đến chùa Hương.

Khi tới bến Đục, bạn phải ngồi đò khoảng 1 tiếng, đò chạy dọc suối Yến Vĩ, giá đi đò khoảng 60.000 đồng/người với vé thông thường, 90.000 đồng/người với vé thăm quan thắng cảnh.

(Ảnh: Dhuytu)

Đền ông Hoàng Mười - Nghệ An

Đền ông Hoàng Mười hay còn gọi là Mỏ Hạc Linh Từ tọa lạc ở làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, trên vùng đắc địa "sơn thủy hữu tình.

Đền ông Hoàng Mười là ngôi đền nổi tiếng ở Nghệ An thờ đạo Mẫu Tứ phủ, vị thần được thờ chính là ông Hoàng Mười, được biết đến như một nhân vật quan trọng trong hệ thống thần điện tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ của người Việt đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2016.

Lễ hội khai điểm vào ngày rằm tháng 3 âm lịch.

Ngày chính hội là ngày 10/10 âm lịch.

Hướng dẫn đường đi đến đền ông Hoàng Mười:

Ô tô tự lái/ xe máy: Chạy xe thẳng theo QL1 đến chợ Vinh hỏi tiếp đường đi cầu Cửa Tiền hoặc đến Quán Hành, chạy thẳng tới cuối đường sẽ có biển chỉ dẫn vào đền ông Hoàng Mười.

Từ Hà Nội đến đền sẽ vào khoảng hơn 300km, với thời gian di chuyển chừng gần 6 tiếng đồng hồ tùy tốc độ di chuyển.

(Ảnh: Erinphan)

Chùa Bát Bửu Phật Đài - Sài Gòn Chùa Bát Bửu Phật Đài, tọa lạc tại ấp 1, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, cách trung tâm thành phố gần 30km về phía Tây Nam. Người người lui tới ngôi Chùa Bát Bửu Phật Đài cầu an, cầu lộc và cầu tình duyên.

Chùa nằm trên một khu đất rộng trên 10 hecta, trước mặt là cánh đồng thơm mênh mông, hai bên có rừng bạch đàn bao bọc. Điểm đặc biệt nhất của ngôi chùa chính là một kiến trúc hình bát giác cao 3m được gọi là Bát Bửu Phật Đài. Tọa vị trên Phật Đài là một pho tượng đức Phật Thích Ca lộ thiên, với trọng lượng khoảng 4 tấn và chiều cao 7m.

Hướng dẫn đường đi đến chùa Bát Bửu Phật Đài:

Xe máy/ ô tô: Từ TP.HCM, bạn đi theo đường Hồng Bàng hoặc đại lộ Võ Văn Kiệt để đến tỉnh lộ 10, tiếp tục đi thẳng trên tỉnh lộ 10, đến ngã 3 Lê Đình Chi - Trần Văn Giàu thì rẽ trái. Đến đây thì còn khoảng 2,5km nữa là đến chùa.

(Ảnh: Linh Sơn Phật Giáo)

Nhã Nam
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: