Trong tuần đầu xét xử Hà Văn Thắm liên quan đến những sai phạm diễn ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), có nhiều chi tiết bi hài,oái oăn nhưng cũng không ít chi tiết lại được xem là điểm mấu chốt của vụ án.
Những điểm mới đáng lưu ý trong tuần đầu xét xử vụ án Hà Văn Thắm
Bà Hứa Thị Phấn khai đã từng bị Hà Văn Thắm đe doạ để sáp nhập Đại Tín vào OceanBank
Trong phiên toà ngày 28/8, bà Hứa Thị Phấn vì lý do sức khoẻ bị giảm sút tới 93%, nửa mê nửa tỉnh đã không thể có mặt tại toà và xin được vắng mặt. HĐXX đã đồng ý, tuy nhiên khi cần thiết vẫn sẽ triệu tập đến toà.
Theo lời khai của bà Phấn, ông Hà Văn Thắm đã từng dọa bà rằng, nếu không gộp Ngân hàng Đại Tín vào OceanBank sẽ cho thanh tra, kiểm toán và đóng cửa ngân hàng. Lo sợ bà Phấn đã đồng ý giao Đại Tín cho ông Thắm và đề nghị trả nợ cho Đại Tín hơn 4.400 tỷ đồng. Ngược lại, ông Thắm đề nghị bà làm hợp đồng kinh tế ghi rõ số tiền cần trả. Sau đó, bà Phấn gọi các cổ đông đến ký tên theo hợp đồng mà ông Thắm mang tới.
Ngay sau khi công bố lời khai của bà Phấn, ông Thắm cho biết có nhiều lời khai không đúng sự thật. Về việc bà Phấn nói bị ông đe dọa, ông Thắm cho rằng mình chỉ phân tích về tình hình ngân hàng rất xấu, và lúc đó ông cũng không biết rằng ngân hàng lại xấu đến mức như vậy.
Nguyên TGĐ Công ty Trung Dung "không nhớ" mình là người của Công ty
Ông Trần Văn Bình - Nguyên TGĐ Cty Trung Dung cho biết mình là nhân viên lái xe cho Tập đoàn Thiên Thanh và bản thân không biết mình là TGĐ Công ty Trung Dung cho đến khi cơ quan điều tra vào cuộc, thậm chí ông Dũng cũng không nhớ mình có ký vào các biên bản đại diện Công ty Trung Dung hay không.
Tại phiên tòa, khi nhắc đến hợp đồng tín dụng của Công ty Trung Dung ký với OceanBank, hoạt động kinh doanh của Công ty Trung Dung và khoản vay 500 tỷ đồng với OceanBank, ông Bình đều trả lời không nhớ và không biết gì về những sự việc này.
Chủ tịch HĐQT BSC Hoàng Thi Hồng Tứ không biết trụ sở công ty ở đâu?
Cũng trong phiên tòa, bà Hoàng Thị Hồng Tứ - từng là thư ký của ông Hà Văn Thắm, khai không thực hiện góp vốn, không có bất kỳ hoạt động nào tại Công ty BSC. Mặc dù đứng tên Chủ tịch HĐQT công ty này nhưng công việc chính của bà Tứ là công việc hành chính tại OceanBank.
Về hoạt động của BSC, bà Tứ cho hay vào năm 2008, ông Hà Văn Thắm nhờ đứng tên Chủ tịch BSC trong thời gian chờ người điều hành. Bao nhiêu nhân sự, trụ sở của BSC ở đâu, bà đều không nắm được.
Nguyên GĐ OceanBank PGD Đông Đô Nguyễn Phan Trung Kiên không đồng tình với cáo trạng quy kết tội Cố ý làm trái
Ông Kiên không đồng ý với bản cáo trạng quy kết tội Cố ý làm trái. Ông cho rằng mình không thu, chi cho cá nhân, doanh nghiệp nào.
Thời điểm đó nếu không chi lãi ngoài thì sẽ không hoạt động được nên các cán bộ cấp dưới đã tự làm việc với phía Hội sở của Ngân hàng. Ông cũng không thực hiện việc làm nào liên quan đến việc chi lãi ngoài.
'Ngoài OceanBank, còn có 29/34 ngân hàng huy động vượt trần'
Theo lời khai của Hà Văn Thắm, Thông tư 02 ra đời đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình thanh khoản của các ngân hàng nhỏ. Không chỉ riêng OceanBank mà còn có 29 ngân hàng khác cũng đã từng chi lãi ngoài để giữ tiền gửi khách hàng.
Tại thời điểm xảy ra sự việc, Thống đốc NHNN có thành lập một hội gọi là G14 (gồm 14 ngân hàng lớn nhất Việt Nam, nắm 80% tổng thị trường huy động của toàn nền kinh tế). OceanBank không được tham gia vào đó, tức là không có tác động đến thị trường huy động. Thống đốc chỉ chỉ đạo việc không được huy động lãi suất vượt trần đối với nhóm G14.
“Sau khi có Thông tư 02, các phương tiện thông tin đại chúng công bố có một số Ngân hàng chi lãi suất vượt trần, hình thức xử phạt là cách chức 2 - 3 năm đối với giám đốc chi nhánh. Bị cáo nghĩ với một ngân hàng nhỏ như OceanBank sẽ không làm ảnh hưởng đến chính sách của NHNN. Chỉ thị của Thống đốc là một giải pháp bắt buộc để chống lạm phát nhưng đi ngược lại các tuyên bố VN là nền kinh tế thị trường vì đó là một chỉ thị “phi thị trường”, Hà Văn Thắm trần tình tại tòa.
Nhiều cán bộ tại OceanBank Chi nhánh Hải Phòng bị ép nhận chi tiền lãi ngoài cho khách hàng
Xét xử Hà Văn Thắm sáng 1/9: 12 nhân viên OceanBank CN Hải Phòng bị Giám đốc ép nhận chi lãi ngoài
Bà Lan - nguyên phó phòng kế toán tại CN OceanBank Hải Phòng cho biết đến phiên toà ngày 1/9 có 12 người tại OceanBank chi nhánh Hải Phòng. Trong đó, có người tham gia và không tham gia việc chi lãi ngoài cho các cá nhân nhưng đều bị ép nhận là tham gia hoặc ép nhận thêm số tiền chi.
Áp lực ép nhận tiền đến từ bà Trần Thị Kim Chi – Quyền GĐ chi nhánh Hải Phòng. í dụ như bà Lan chỉ thực hiện chi khoảng 192 triệu đã bị ép nhận 764 triệu, có cá nhân không thực hiện chi thì bị ép nhận chi trên 100 triệu. Đồng thời bà cho biết sẵn sàng cung cấp bằng chứng chứng tỏ bà Chi đã ép nhân viên nhận trách nhiệm liên quan đến vụ việc này.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước từ chối trả lời về câu hỏi về trách nhiệm giám sát và kiểm tra đối với OceanBank
Trước những câu hỏi của HĐXX về trách nhiệm của NHNN khi thanh tra hoạt động của OceanBank mà không phát hiện ra hành vi chi lãi ngoài, đồng thời tỷ lệ góp vốn của PVN vượt quá mức quy định, đại diện NHNN đã từ chối trả lời câu hỏi và xin trình bày sau.
315 tỷ đồng vào tay Nguyễn Xuân Sơn để chăm sóc khách hàng
Trong lần xét xử này, ông Sơn nhận 69 tỷ đồng từ Công ty BSC từ ông Thắm để chăm sóc khách hàng. Tuy nhiên Sơn lại một mực cho rằng mình không biết khoản tiền này đến từ đâu.
Ngoài ra, ông Nguyễn Xuân Thắng nhận hơn 226 tỷ đồng và ông Võ Việt Trung – Phó TGĐ OceanBank nhận hơn 20 tỷ đồng để chuyển cho Nguyễn Xuân Sơn theo yêu cầu chi chăm sóc khách hàng cho tiền gửi của PVN, các tổng công ty, công ty con.
Về việc chi tiêu số tiền đã nhận, Sơn khai đã chi chăm sóc khách hàng 200 tỷ đồng, gồm các khoản như: các đoàn ngoại giao, chi ông Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng PVN) khoảng 30-40 tỷ đồng. Ngoài ra còn chi cho các lãnh đạo khác của PVN và từ chối nêu tên tuổi các lãnh đạo nhận tiền.
Ngoài ra, ông Sơn còn chi cho các doanh nghiệp như Vietsopetro, Lọc hóa dầu Bình Sơn, PV Oil, chi các các đồng chí lãnh đạo vào dịp Tết.
Trong khi ông Thắm cho rằng những khoản tiền trên là chi lãi ngoài nhưng ông Sơn một mực khẳng định đây chỉ là chăm sóc khách hàng.
Hà Văn Thắm đã từng chuyển tiền mua nhà hộ cho ông Đỗ Văn Hậu - nguyên Tổng giám đốc PVN
Theo lời khai của ông Nguyễn Xuân Sơn đã có lần chỉ đạo ông Nguyễn Xuân Thắng nhận tiền 10 tỷ đồng từ Hà Văn Thắm đi mua nhà hộ cho ông Đỗ Văn Hậu, khi đó là Tổng Giám đốc PVN. Giá trị mua đất tại dự án của Gleximco hết hơn 7 tỷ đồng, số tiền thừa đưa lại cho ông Ninh Văn Quỳnh - Kế toán trưởng PVN.
Sau một thời gian, em của ông Hậu có nộp trả số tiền trên nhưng do có nhiều khoản nên không kiểm tra lại ngay. Vài tháng sau bà Phương lại mang gửi tiết kiệm. Hơn một năm sau, số tiền này lại được đưa lại cho ông Quỳnh.
Mở rộng điều tra vụ Hà Văn Thắm, khởi tố nguyên Phó TGĐ Ninh Văn Quỳnh và 4 lãnh đạo cấp cao khác của PVN
Ngày 31/8/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự; khởi tố bị can 5 đối tượng về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, được quy định tại Điều 165 - Bộ luật hình sự đối với: Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm và Vũ Khánh Trường.
Hành vi vi phạm của các cá nhân trên đã gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc PVN góp vốn điều lệ vào OceanBank.
Diệp Bình
Theo KTTD, Vietnambiz