Một số quy định về quyền thu giữ tài sản được thay đổi so với dự thảo ban đầu nhằm bảo đảm chặt chẽ cho quá trình thu giữ. Đồng thời, tránh nguy cơ xảy ra mất an ninh, trật tự xã hội tránh việc thu giữ tài sản xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Những điểm mới trong Nghị quyết xử lý nợ xấu về thu giữ tài sản bảo đảm (Ảnh minh hoạ)
Tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu quốc hội trong kỳ họp vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã điều chỉnh, bổ sung một số điều khoản trong Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) để đảm bảo tính chặt chẽ và thiết thực hơn.
Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết vào sáng nay (21/6) với hơn 86% ý kiến đồng ý, thời gian hiệu lực từ ngày 15/8/2017.
Những thay đổi về quy định thu giữ tài sản của các TCTD
So với dự thảo Nghị quyết đã trình Quốc hội, các nội dung tại Điều 7 về quyền thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ) đã bổ sung các quy định bao gồm:
(1) Quy định rõ một trong các điều kiện của thu giữ TSBĐ là TSBĐ không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý chưa giải quyết hoặc đang giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền; không đang bị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định pháp luật (điểm d khoản 2);
(2) Công khai thông tin trước khi thu giữ TSBĐ (khoản 3 và khoản 4);
(3) Sửa đổi thời gian đăng tải thông tin, thông báo để bên bảo đảm, các cơ quan liên quan là chậm nhất 15 ngày trước ngày tiến hành thu giữ TSBĐ là bất động sản (khoản 3);
(4) Quy định chỉ cho phép TCTD, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản thu giữ mà không ủy quyền cho các tổ chức khác như công ty dịch vụ đòi nợ, quy định không được áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật trong quá trình thu giữ TSBĐ (khoản 6);
(5) Quy định trách nhiệm của Bộ Công an, chính quyền địa phương các cấp, cơ quan Công an (khoản 5 và khoản 7).
Những thay đổi trên được bổ sung nhằm bảo đảm chặt chẽ cho quá trình thu giữ, Đồng thời, tránh nguy cơ xảy ra mất an ninh, trật tự xã hội tránh việc thu giữ tài sản xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Không hạn chế việc các bên đề nghị Toà án tuyên bố hợp đồng vô hiệu
Về ý kiến xem xét việc thu giữ TSBĐ trong trường hợp hợp đồng bảo đảm bị vô hiệu. UBTVQH cho biết việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu thuộc thẩm quyền của Toà án. Quy định của Nghị quyết không hạn chế việc các bên đề nghị Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu.
Việc đề nghị Tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu là do yêu cầu chủ động của các bên (thường do lý do bị nhầm lẫn, cưỡng ép, giả tạo giao dịch…), việc xác định hiệu lực của tất cả các hợp đồng trước khi thực hiện là khó khả thi. Pháp luật hiện hành cũng không quy định yêu cầu mọi hợp đồng phải xác định hiệu lực trước khi thực hiện giao dịch.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị làm rõ việc thu giữ tài sản chỉ tương ứng với các khoản vay cả gốc và lãi vì thông thường mức cho vay nhỏ hơn mức định giá TSBĐ.
UBTVQH cho biết về nguyên tắc, việc thu giữ TSBĐ chỉ nhằm chuyển quyền nắm giữ TSBĐ cho TCTD. Đây là quy trình cần thực hiện trước và không bao gồm nội dung về việc xử lý mua, bán chuyển nhượng tài sản này. Theo quy định pháp luật hiện hành, sau khi xử lý TSBĐ, TCTD chỉ được thu hồi số tiền trong phạm vi nghĩa vụ nợ của người đi vay.
Trường hợp số tiền có được từ việc xử lý tài sản thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản thế chấp lớn hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì số tiền chênh lệch phải được trả cho bên bảo đảm theo quy định tại khoản 2 Điều 307 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Không cần bổ sung người chứng kiến hoặc quay video lại quá trình thu giữ
Cũng có ý kiến đề nghị bổ sung thêm một người chứng kiến trường hợp bên bảo đảm không có mặt để đảm bảo tính khách quan. Hay ý kiến đề nghị xem xét quy định trong mọi trường hợp thu giữ tài sản TCTD đều được quay camera đảm bảo tính khách quan, minh bạch.
Trả lời ý kiến trên, UBTVQH cho biết trong trường hợp bên bảo đảm không hợp tác hoặc không có mặt theo thông báo thì đại diện UBND cấp xã nơi tiến hành thu giữ tham gia chứng kiến và ký biên bản thu giữ TSBĐ. Quy định này đã đảm bảo tính khách quan cho quá trình thu giữ, việc quy định thêm một người chứng kiến sẽ phát sinh thêm nhiều thủ tục như tiêu chuẩn, điều kiện, nhân thân... của người tham gia chứng kiến.
Việc có sử dụng camera trong quá trình thực hiện nên để cho chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu chủ động thực hiện nếu thấy cần thiết để bảo đảm quyền lợi của mình. Nếu quy định cụ thể vấn đề này trong dự thảo Nghị quyết cũng sẽ phát sinh các vấn đề liên quan khác như chất lượng, tính xác thực của hình ảnh, chế độ lưu giữ, thời gian lưu giữ...
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu phải thông báo cho chi nhánh NHNN trước khi thực hiện thu giữ TSBĐ và báo cáo việc thu giữ sau khi kết thúc. Theo UBTVQH, quá trình thu giữ TSBĐ sẽ được thực hiện theo yêu cầu của NHNN trong quá trình thực hiện Nghị quyết và xin phép không quy định nội dung này trong Nghị quyết.
Diệp Bình
Theo vietnambiz