Dantin - Thắng “chập” sinh năm 1957, sống ở phường Vị Xuyên, thành phố Nam Định. Thắng có vẻ ngoài khá thư sinh, bảnh bao, mồm miệng nhanh nhảu, nhưng lại là đại ca có số có má ở thành Nam. Không chỉ thế, Thắng “chập” còn nổi tiếng với tính khí thất thường, liều lĩnh, thích lên là sẵn sàng gây sự, chém giết khiến những giang hồ Nam Định ngày đó rất ngại động vào hắn.
Thắng chập (thứ 2 từ phải sang).
“Hung thần” của thành phố dệt
Thành phố dệt một thời được ví như yết hầu của “con đường tơ lụa”, cửa ngõ của thông thương nối tuyến đường sắt Bắc – Nam với các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Vì vậy, bọn tội phạm hình sự khắp nơi mò về đây làm ăn. Ngay người dân ở đây cũng phải hoảng sợ trước tình trạng này. Công nhân dệt ra đường luôn phải đi theo nhóm 7-8 người để khỏi bị trấn lột. Còn đám côn đồ du thủ du thực thì thi nhau sắm kiếm Nhật, loại mỏng sắc như lá lúa, để giữ đất làm ăn.
Thắng “chập” nhập vào đám côn đồ, và khởi nghiệp từ chân cửu vạn, bảo kê khu ga Nam Định. Hắn câu kết với Mão “mèo” thành cặp bài trùng. Đời giang hồ của mình, Thắng gây không biết bao nhiêu vụ đâm chém người ở khắp các ga Nam Định, Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới… tới Sài Gòn. Và Mão “mèo” bám vào uy danh của ông bạn vàng, hành nghề bảo kê hàng trên các chuyến tàu Bắc - Nam.
Về sau, việc làm ăn trên các chuyến tàu Bắc - Nam khó khăn, Thắng “chập” cùng Mão “mèo” hạ trại đất Sài Gòn kiếm ăn. Những ngày mới nơi đất khách quê người, hai tên chuyên bẻ khóa ăn trộm xe đạp, xe máy. Sau thì tổ chức bảo kê cho đường dây buôn lậu ở ga Sài Gòn. Đây là lúc hai tên đối đầu với các “ma cũ” là Tí Ti, Hải “già”, Long “lồi”…, đều là đàn em của Năm Cam. Không địch được tên giang hồ lỳ lợm đất Bắc, Tí Ti “chỉ điểm” cho Công an quận 3, TP. HCM bắt Thắng “chập” về tội trộm cắp xe đạp. Nhưng không đủ chứng cứ nên Thắng chỉ bị tạm giữ một thời gian rồi tự do.
Về sau này, đủ lông đủ cánh, Mão “mèo” tách đàn làm ăn riêng. Còn Thắng thu nạp, chứa chấp hết số “đầu gấu” Nam Định chạy vào TP. HCM, mở rộng hoạt động bảo kê, cho vay nặng lãi khắp khu vực quận Tân Bình, Gò Vấp. “Quân khu Nam Định” ở Tân Bình được hình thành có công của Thắng.
Bằng việc bảo kê, đâm thuê chém mướn và làm ăn phi pháp, cuối năm 1990, Thắng đã có trong tay nhiều tài sản lớn có giá trị, mua nhà trong Nam ngoài Bắc. Song ở đời có vay có trả, một “đồng đảng” của Thắng ở Nam Định, có con bị Thắng chém trọng thương mang tật suốt đời, đã mò vào Tân Bình, tổ chức đàn em chém Thắng mấy chục nhát dao. Vụ này, Thắng thoát chết trong gang tấc, chẳng dám hé răng báo công an. Hoạt động bảo kê của Thắng “chập” vươn ra cả một số sòng bài lớn ở Đồng Nai, khiến nữ quái Dung Hà tưởng hắn là đàn em yêu của Năm Cam, nên đã sai Hải “bánh” dẫn quân lên đâm Thắng trọng thương, hòng trêu ngươi ông trùm. Nhưng thị đã nhầm, bởi Năm Cam nhiều lần ra “chiếu cầu tài” nhưng trùm giang hồ Nam Định vẫn không chịu đầu lụy. Biết không thể lấy mạnh đè yếu với Thắng, Năm Cam đành ngậm ngùi chia một phần lãnh địa của mình cho địch thủ gốc Bắc này.
Đấu lại Năm Cam
Thắng “chập” và các đàn em trước vành móng ngựa.
Tuy nhiên lại có một câu chuyện khác về chuyện ân oán của Thắng “chập” và Năm Cam. Đó là có một lần Thắng qua quận 8, tìm đến sòng đại bang của Năm Cam do Ba Mạnh, Sáu Nhà, Thảo ma, Quốc lủi…quản lý, để vờ chơi bạc và sau đó là kiếm chuyện gây gỗ, quậy quạng. “Mẹ kiếp, bọn nào sợ Năm Cam chứ Thắng chập này chẳng xem là cái gì! Thích gì, bố mày chiều hết”, gã tuyên bố.
Nghe báo cáo lại tình hình, Năm Cam cười lạt. Y chưa muốn đụng đến Thắng “chập” vì vùng Tân Bình, đối với y không hấp dẫn lắm-nhưng đó là tự Thắng “chập” muốn gây sự…Được thôi, Năm Cam vừa suy nghĩ, vừa gọi điện cho Cu Nhứt-sát thủ số một của băng Kim Anh.
Nhận lệnh Năm Cam, Cu Nhứt gọi thằng em thân tín tuy không cùng phe nhóm là Dũng Chùa để giao nhiệm vụ cầm đầu bọn sát thủ Cần Thơ lính của tên Cấu gởi cho Lệ Hoa và Cu Nhứt sử dụng.
Vừa về đến ngã tư Trần Hưng Đạo - Nguyễn Biểu, Thắng “chập” bị cả chục tên ép xe vào lề đường và chém tới tấp. Chỉ trong nháy mắt, thân hình trùm giang hồ Nam Định đã đẫm máu. Bọn sát thủ bỏ đi trước khi công an đến nơi và cũng chẳng ai hay gì, nghe gì, biết gì!
Sau vụ ăn mấy chục nhát dao này, Thắng “chập” tuy không chết nhưng cũng được một phen hú hồn.
Hoạt động ở Sài Gòn, Thắng “chập” vô tình đụng phải Ánh thiệp, một giang hồ Nam Định khác cũng di cư vào miền Nam. Ánh “thiệp” kém Thắng 6 tuổi, trú ở phường Năng Tĩnh, thành phố Nam Định. Ở thành Nam, Ánh “thiệp” cũng nổi tiếng với bản chất giang hồ của mình. Hắn thường xuyên bị bắt vì trộm cắp tài sản. Sau này, trong xu hướng chạy vào miền Nam của các giang hồ đất Bắc, Ánh “thiệp” cũng theo vô để tìm đường sống ở đây. Từ khi còn ở Nam Định, Thắng “chập” và Ánh “thiệp” đã từng nhiều lần mâu thuẫn với nhau. Mang theo mối thù hằn đó vào Sài Gòn, giữa hai tên này đã từng có những cuộc đụng độ nảy nửa.
Khi vào Sài Gòn, Ánh “thiệp” thường vừa trộm cắp, bài bạc vừa bảo kê cho các bến xe tải trên tuyến Bắc – Nam, trong đó có bến xe ở đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp. Dưới trướng Ánh “thiệp” luôn có hơn 20 đàn em với đầy đủ những sát thủ máu lạnh, nổi bật nhất phải kể đến Tuấn “thiệp” (em trai Ánh), Trung Thịnh, Sơn “lẫm”. Công việc làm ăn của Ánh “thiệp” ở Sài Gòn càng ngày càng phát đạt khiến Thắng “chập” vô cùng thèm muốn. Trong khi đó, Ánh “thiệp” cũng ao ước có được vị trí đàn anh trong giới giang hồ như Thắng “chập”. Mâu thuẫn vốn có của chúng trước đây vì thế mà càng ngày càng tăng. Để rồi đi đến trận huyết chiến khiến Thắng “chập” hút chết ở bến xe trên đường Phan Văn Trị.
Chuyện dẫn đến trận “huyết chiến” đó được giới giang hồ Sài Gòn lưu truyền như sau: Thời mới vào miền Nam, Ánh “thiệp” hùn vốn mua xe tải với Trương Sửu người Nam Định. Sau một thời gian, lời lãi từ hoạt động chạy xe ngày càng cao khiến Trương Sửu và Ánh “thiệp” ngày càng mâu thuẫn. Lợi dụng lúc đó, Đức “xuyên” một đàn em của Thắng “chập” đã định “đục nước béo cò” và đòi đứng tên chủ quyền xe. Không bao giờ chấp nhận một chuyện vô lý như thế, Ánh “thiệp” đã nuôi ý định trả thù. Nhất là sau lần đụng độ ở bến xe A10, đường Phan Văn Trị, Ánh “thiệp” bị Đức “xuyên” ném cả ấm trà bằng sứ vào đầu, dẫn đến thương tích, thì sự căm giận đã lên đến đỉnh điểm. Uất ức vì bị băng Thắng “chập” áp bức, Ánh “thiệp” đã cùng với các tay chân Nam Định khác lập kế trả thù.
Sau đó ít lâu, Ánh “thiệp” đã cho tập hợp đàn em rồi tổ chức một cuộc thanh trừng đẫm máu tại bến xe A10, với ý định cho nhóm của Đức “xuyên” và Thắng “chập” một bài học để đời. Vụ thanh toán này khiến cả hai bên đều bị thương nặng. Thắng “chập” và Đức “xuyên” bị chém hàng chục nhát nhưng may mắn thoát chết, được người xung quanh đưa vào bệnh viện cấp cứu. Bọn chúng giữ đúng “luật im lặng” của thế giới ngầm, nên không bên nào hé răng nửa lời với Công an. Vì thế, khi lực lượng Công an đến, thì “chiến trường” nơi vừa diễn ra trận quyết chiến chỉ còn lại một bãi đất tan hoang. Cả hai băng giang hồ lúc đó đã kịp rút lui.
Anh Kiệt