Khôn như... "Tây" tìm việc
Tôi gặp John Wilson tại một quán bún đậu trên phố Đinh Lễ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Anh cho biết, sang Việt Nam được 3 năm rồi, ban đầu chỉ sang du lịch cùng một người bạn, nhưng càng ở, càng thấy Việt Nam thật thú vị. Anh muốn ở chơi lâu mà số tiền mang theo đã gần hết, nên người bạn đã giới thiệu anh tới Trung tâm ngoại ngữ trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội làm giáo viên dạy tiếng Anh. John đã tốt nghiệp Đại học ở Mỹ, khi mới sang Việt Nam, anh chỉ nói được câu "xin chào" vậy mà sau 3 năm, anh đã khá rành tiếng Việt.
John cho biết, ngoài giờ ăn, ngủ, phần lớn thời gian trong ngày, anh dùng để chạy sô dạy tiếng Anh. Một tháng, John kiếm được gần 2.000 USD từ dạy tiếng Anh. Có 4 cơ sở giáo dục lớn ở Hà Nội thuê anh dạy, trong đó có một trường mầm non Quốc tế. Bây giờ, anh đã biết ăn bún đậu, đi chợ biết mặc cả và anh còn nháy mắt với tôi là đang hẹn hò một cô gái Việt Nam nữa.
Một "ông Tây" đang bán hàng tại chợ Tây, phố Tô Ngọc Vân, Hà Nội.
Kenny, bạn của John lại khác, lớp của Kenny chỉ có 8 học viên, toàn thế hệ 9X. Mang tiếng là lớp học đẳng cấp quốc tế nhưng những giáo cụ để phục vụ cho một buổi dạy tiếng của Kenny lại sơ sài quá mức. Không tai nghe, không máy chiếu, cũng chẳng có băng hình như trong quảng cáo, chỉ có chiếc máy cassete cối từ những năm 90 thế kỷ trước dùng để nghe băng. Vậy mà cơ sở này thu học phí đắt kinh khủng: Gần 10 USD/buổi/học viên.
Giáo trình Kenny dạy là New Cutting Egde, bán rất nhiều ở ngoài phố. Một tiếng đồng hồ trôi qua nhưng vì Kenny nói nhanh như gió, mấy cô cậu học trò tóc high light mặt cứ nghệt ra chẳng hiểu gì. Trong bài đọc, hiểu có rất nhiều kiến thức ngữ pháp quan trọng, nhưng tuyệt nhiên không thấy Kenny giảng, câu cú ở thời đó thì vận dụng trong ngữ cảnh nào? Thầy dạy hệt như cưỡi... máy bay xem hoa, thỉnh thoảng lại gật gù: "Good! Good!".
Chị Hồng Mai, làm việc tại Trung tâm Ngoại ngữ Song Việt cho biết: Do có nhiều mối quan hệ làm ăn với người nước ngoài nên Trung tâm của chị rất nhiều Tây tìm đến xin việc. Đa phần là các thanh niên trẻ, có nhiệt huyết và yêu đất nước Việt Nam, họ tìm việc cũng khôn lắm, toàn tìm những trung tâm thu hút nhiều học viên, trả lương cao".
"Ông Tây" có bằng thạc sỹ đi... bán thịt chó
Một người bạn cũ kể cho tôi nghe về một "ông Tây" bán thịt chó trong con ngõ nhỏ của phố Huế, Hà Nội. Nhìn "ông Tây" bán quán và giải thích về các món ăn Việt Nam, nhất là món thịt chó, thông thạo như người Việt, nhiều khách mới đến quán rất ngạc nhiên, hỏi: "ông là Tây thật hay Tây rởm mà rành Việt Nam quá vậy?". Ông Tây có tên Việt là San cười: "Tây xịn, nhá!". Nhiều người còn ngạc nhiên hơn, khi biết ông Tây thịt chó này đã có bằng thạc sĩ kinh tế và dân tộc học tại Pháp.
San tên thật là Stanilas Boissau, sinh năm 1975 tại Paris, Pháp, sang Việt Nam từ đầu năm 1999 làm việc cho dự án Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp (S.A.M) của Chính phủ Pháp tại tỉnh Bắc Kạn. San kể: "Hồi tôi mới sang Việt Nam lần đầu tiên, thấy các phong tục, tập quán của người Việt Nam cái gì cũng lạ nên muốn nghiên cứu thử xem thế nào. Tôi làm dự án ở vùng Na Rì (Bắc Kạn), tìm hiểu cách sống và nếp sinh hoạt của người Tày, Nùng, Dao nên sống chung với họ, ai ngờ thích luôn mấy món thuốc lào, rượu sắn và rượu táo Mèo. Sẵn tính tò mò, tôi tìm học luôn cách thức chế biến các thứ rượu là lạ mà hấp dẫn đó, vì biết đâu chả có lúc cần đến nó. Rồi những dự án cũng kết thúc, để có tiền sinh sống, San chắt bóp những đồng tiền đã dành dụm được, mở một quán nước nhỏ ở vỉa hè phố Huế sống qua ngày. San kể tiếp: "Nhiều hôm đói bụng mà trong túi không còn đủ tiền ăn một suất cơm bụi vỉa hè Hà Nội là chuyện thường".
Một lần, được bố vợ cho thưởng thức món thịt chó, thấy ngon, San nảy ra ý nghĩ: "Người Việt thích món này, người nước ngoài cũng thế, tại sao mình không mở quán bán món đó tại Hà Nội? Nếu thành công là sống và học tiếp được rồi!". Mấy hôm sau, vợ chồng San gom góp số tiền ít ỏi, thuê một địa điểm ở ngõ phố Huế để mở quán. Vợ San lo quản lý, còn San chạy vạy học cách chế biến món thịt chó, cả tháng trời đi tham khảo các quán khác và về cả các vùng quê để học cách bài trí quán.
Lúc đầu quán chưa đông khách, nhưng San vẫn kiên trì để giữ lượng khách quen, và San đã có ý nghĩ: "Nếu chỉ bán thịt chó không thôi thì những thực khách không ưa món này sẽ không biết ăn gì, mà ăn hôm qua rồi hôm nay đến ăn nữa cũng chán. Nếu là mình thì mình cũng không đến liên tục". San liền mở rộng thêm các món ăn truyền thống khác, tuyển thêm nhân viên biết chế biến theo cách dân dã: Cơm cá kho, dưa cà, thịt ba chỉ rang khô... Nhưng thịt chó vẫn là món chủ yếu. San cười: "Toàn món ăn với giá bình dân cả nên khách thích đến luôn. Vui nhất là quán của San cũng đã thu hút nhiều khách, đặc biệt là khách nước ngoài cũng khoái khẩu với thú ăn "cầy tơ bảy món".
Tất cả là nhờ...thịt chó Cũng nhờ số tiền kiếm được từ quán mà vợ San đã đủ vốn thành lập một công ty chuyên tổ chức các tours du lịch cho khách nước ngoài. San khoe: "Hai vợ chồng đã mua được một căn nhà nhỏ ở Gia Lâm Hà Nội, không còn phải sống cảnh ở thuê như trước nữa. Tất cả là nhờ quán thịt chó đấy! ở Việt Nam tuy không có nhiều tiền nhưng sống được lắm nhá!"
Theo Nguoiduatin