Mới đây, dư luận xôn xao việc một thí sinh Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam "hồn nhiên" vứt dải băng danh hiệu người đẹp hình thể lên xe rác sau khi được trao vào đêm chung kết.
Có thể nói, đây là hành động “quá đáng” lần đầu tiên xuất hiện sau hàng loạt cuộc thi về nhan sắc “nở rộ như nấm” tại Việt Nam. Hành động này là sự nổi loạn của các người đẹp, hay liệu chăng còn có sự ẩn tình u uất gì đằng sau đó?
Nhân cách đứng kế bên xe rác?
Như đã định trước, cứ mỗi sau cuộc thi về nhan sắc, thì nhiều người phát hiện ra những sự thật đáng ngờ, những lùm xùm cũng từ ấy phát sinh. Điều đó có lẽ chính xác với trường hợp của cuộc thi Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam. Mới đây, thí sinh Trần Ngọc Bích vừa cho đăng tải một hình ảnh khá nhạy cảm trên trang mạng xã hội của mình. Theo đó, là bức hình cô vứt chiếc dải băng với danh hiệu "Người đẹp hình thể" được trao tặng vào đêm chung kết lên một chiếc xe rác.
Trần Ngọc Bích tố ban tổ chức gian dối
Đồng thời với việc vứt bỏ danh hiệu này, Trần Ngọc Bích còn thể hiện sự bức xúc của mình đối với cuộc thi. Cho rằng, những người đẹp đoạt giải không xứng với danh hiệu, Trần Ngọc Bích chia sẻ: "Tôi lên tiếng không phải vì mình không được danh hiệu cao nhất mà vì cảm thấy người đứng đầu cuộc thi vẫn chưa xứng đáng. Nếu xét về hình thể, cô ấy sẽ bị coi là hơi béo. Còn nếu xét về phần thi ứng xử, cô ấy trả lời quanh co, thậm chí đôi chỗ còn khiến cả hội trường ồ lên".
Bên cạnh việc phản bác cách chấm vô lý của ban giám khảo cuộc thi, Trần Ngọc Bích còn tiết lộ những sự thật ê chề trong cuộc thi. Theo cô ban tổ chức làm ăn không uy tín và thể hiện rõ sự thiếu chuyên nghiệp, thế nên hành động cô vứt bỏ dải băng vào thùng rác là điều dễ hiểu. Cô gái này chia sẻ: "Chương trình này có quá nhiều thứ tạp nham và gian dối, chính vì vậy dù danh hiệu nó có như thế nào đi chăng nữa thì đối với em nó cũng chỉ là một đống rác không hơn không kém ở trên người mình. Vì vậy, việc vứt nó vào đúng chỗ của nó là điều hoàn toàn mình nên làm". Không chỉ vậy, cô gái này còn cho biết mình đã là người đẹp hình thể, vì ba mẹ sinh ra đã được như thế rồi, không cần phải có ban tổ chức cuộc thi công nhận.
Trước những lời nói của Trần Ngọc Bích, ông Phạm Tuân, Trưởng ban tổ chức cuộc thi Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam cho biết: "Khi tham dự cuộc thi, Ngọc Bích có nhiều fan và tự tin mình sẽ đăng quang. Nhưng đến lúc trao giải, thấy không lọt vào top ba, cô ấy tỏ ra cay cú rồi hành xử thiếu văn hóa. Thí sinh chấp nhận tham dự bất kỳ cuộc thi nào đồng nghĩa với việc phải tuân theo những quy định ban tổ chức đặt ra. Nếu biết mình không thể làm theo những nguyên tắc ấy, cô ấy từ đầu không nên tham dự thay vì có những hành động phản cảm đến vậy".
Thi “chui” nên chỉ là “ao làng”?
Ngỡ ngàng trước những lời tố cáo của Trần Ngọc Bích, nhiều người đã tìm hiểu về cuộc thi mà cô vứt bỏ. Theo đó, cuộc thi Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2014, thay vì như trước đây, nó chỉ là một cuộc thi sắc đẹp qua ảnh. Ông Tô Văn Động, Giám đốc sở VH-TT&DL Hà Nội cho biết: "Sở VH-TT&DL Hà Nội không hề cấp phép cho cuộc thi này, với những thông tin sai trái thì họ cũng đã bị xử phạt rồi. Sau khi nghe những thông tin phản ánh về sai trái của cuộc thi, sở đã chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng kiểm tra xác minh".
Sau những lùm xùm từ cuộc thi này, nhiều người còn bất ngờ hơn khi thấy tin nhắn của trưởng ban tổ chức cuộc thi này gạ gẫm thí sinh, đồng thời hứa chắc chắn sẽ cho thí sinh đoạt giải. Theo đó, trong tin nhắn có đoạn: "Anh chỉ chắc chắn là cô sẽ lọt top phỏng vấn, còn sau đó là trí tuệ của cô đấy nhé" hay "cho cô đội vương miện"... Sau những tin nhắn gạ gẫm, mới đây, khi các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra thì mới tá hỏa ra những người liên quan đã bỏ trốn. Ông Nguyễn Quốc Chiêm- Phó Giám đốc sở VH-TT&DL Hà Nội cho biết: "Thời điểm hiện tại đã tìm được địa chỉ của ban tổ chức, nhưng họ đã bỏ trốn, sở sẽ đưa người đi điều tra và xử lý". Được biết, theo quy định, mức phạt cho một cuộc thi sắc đẹp không xin phép lên đến 50 triệu đồng.
Rõ ràng, đây là một cuộc thi không có giấy phép nên bộc lộ khá nhiều hạn chế, cũng như những sai phạm đằng sau. Vì vậy, khó tránh khỏi việc sau cuộc thi một số thí sinh tố thiếu công bằng và mua giải. Thực tế cho thấy, tại Việt Nam, cứ sau các cuộc thi về nhan sắc, lại xuất hiện hàng loạt lời tố cáo đằng sau đó. Từ chuyện đã từng sống chung như vợ chồng, hay chuyện học dở, học kém... cũng được phơi bày tất tần tật trước công chúng.
Tuy nhiên, nó chỉ ở mức độ tố cáo người đoạt giải. Còn riêng với các cuộc thi thì vẫn còn hiếm. Thế nên, với lời tố cáo của Trần Ngọc Bích khiến nhiều người không khỏi giật mình về các cuộc thi người đẹp ở Việt Nam đang được tổ chức một cách xô bồ và lộn xộn. Chính với cách làm này đã khiến cho nhiều ngành nghề được xuất hiện. Một trong những ngành nghề đó là kinh doanh trên nhan sắc phụ nữ.
Chỉ bằng việc mở ra vài cuộc thi với cái tên thật kêu có gắn mác nữ hoàng, người đẹp, hoa khôi... nhiều người tổ chức có thể ung dung đếm tiền bằng cách kêu gọi mọi người đi thi rồi xét giải thưởng bằng cách ai có tiền nhiều, dám chung chi nhiều cho ban tổ chức sẽ thắng giải. Còn với những người tiền ít sẽ được những giải thưởng phụ. Riêng với những ai không chung chi tiền, vào cuộc thi cũng chỉ làm nền cho các nhân vật chính. Với cách làm này, đã khiến không ít đơn vị tổ chức thu về một mớ tiền đáng kể chỉ bằng cách ngồi suy nghĩ ra những cuộc thi nhan sắc.
Chính vì cách làm giàu kiểu này đã khiến cho không ít cuộc thi nhan sắc kém chất lượng, những việc lùm xùm, tố cáo nhau rêu rao khắp nơi. Trong khi đó, số lượng người đẹp, hoa khôi, hoa hậu tăng lên đột biến khiến cho nhiều người không thể nhớ người đẹp đó đến từ cuộc thi nào. Thậm chí, nhan nhản các mác danh hiệu hoa hậu, hoa khôi đã khiến cho giá trị của một hoa hậu không còn là quá lớn. Trong khi đó, Việt Nam bỗng nhiên trở thành xứ sở nhiều người đẹp nhất trên thế giới.
Thực trạng tràn ngập mác hoa khôi, người đẹp ở nước ta, xuất phát từ việc, cái giá của hoa hậu khá lớn. Trong khi đó, tại các nước trên thế giới, hoa hậu chỉ là một danh hiệu để tôn vinh những cô gái đẹp, giàu lòng nhân ái, trí tuệ.... Và tùy vào mỗi cuộc thi mà có những tiêu chuẩn đánh giá cái đẹp khác nhau. Trong khi đó, tại Việt Nam, hoa hậu là tấm vé để các người đẹp bước vào môi trường showbiz một cách dễ dàng nhất. Thậm chí, có những người đẹp, lấy danh hiệu hoa hậu chỉ để đi dự event, chụp hình tạp chí... hay chỉ để dễ dàng lấy đại gia đã khiến nhiều người hiểu rõ thế nào là cái giá của một hoa hậu đang được nhiều cô gái bỏ tiền bạc, công sức đi tìm.
Chưa kể đến việc các người đẹp nhắm mắt tham gia những cuộc thi kém chất lượng, chỉ mong được đổi đời. Thế nhưng, cái nào cũng có cái giá của nó, và khi không đạt được mục đích, thì cách ứng xử của các thí sinh sau cuộc thi cũng cho thấy con người đằng sau những lớp phấn son là như thế nào. Chỉ tiếc rằng, có quá nhiều vẻ đẹp bên ngoài nhưng mà lại mục rỗng bên trong.
Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội đã quyết định xử phạt ban tổ chức cuộc thi Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam với mức phạt cao nhất là 50 triệu đồng, theo Nghị định 158 của Chính phủ. Theo ông Tô Văn Động, Giám đốc sở thì số tiền phạt này thể hiện thái độ dứt khoát của cơ quan quản lý đối với đơn vị sai phạm. Riêng việc mua bán giải thưởng, sở cũng đã chuyển hồ sơ qua công an để điều tra giải quyết.
|
Không được giải thưởng dù trước đó đã nhắm đến giải Nhất
Sau cuộc thi, Trần Ngọc Bích tiết lộ không ít những thông tin bất ngờ. Cô chia sẻ: "Em chỉ muốn làm thế để thể hiện rằng em không coi trọng cuộc thi. Đây là một cuộc thi không giá trị. Nếu như cuộc thi có giá trị thì dù giải thưởng nhỏ nhất, được cạnh tranh công bằng thì em vẫn trân trọng. Còn cuộc thi này em cảm thấy không công bằng. Như thế thì làm sao có giá trị nữa nên em vứt nó đi. Trước khi em đi thi, ban tổ chức cũng đề cập là em cứ nỗ lực, em cố gắng hết mình đi, em sẽ là người được nhắm đến giải nhất".
|
Tùng Lan
theo Công lý