Sự kiện hot
10 năm trước

Những ngân hàng tái cơ cấu ngày ấy...bây giờ ra sao?

ĐS&TD - Kết quả kinh doanh cũng như tình hình hoạt động hiện tại của những ngân hàng tái cơ cấu “năm xưa” hiện giờ ra sao? Đó là một trong những thắc mắc lớn mà nhiều nhà đầu tư, đọc giả đang quan tâm.


TPBank hiện đã trở thành ngân hàng điện tử hàng đầu Việt Nam

Ngày ấy…

Thời điểm trước đây, trong số 9 ngân hàng được xác định là yếu kém thì có đến 8 ngân hàng trong số ấy đã tiến hành cơ cấu bao gồm: Habubank, SCB, TinNghiaBank, Ficombank, TPBank, TrustBank, Navibank và Western Bank.

Nói về Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB), đây là một ngân hàng khởi đầu với “mối lo” nợ xấu cùng với đó là tình trạng lỗ ăn gần hết vốn của đối tác sáp nhập Habubank; Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng không khá khẩm hơn khi lỗ âm đến gần một nửa vốn; Ngân hàng TMCP Đại chúng (PVcomBank) là đối tác hợp nhất của Ngân hàng TMCP Phương Tây (Western Bank) gần như “vỡ trận”; Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cùng với TinNghiaBank và Ficombank rơi vào tình trạng rủi ro thanh khoản. Navibank thì tình trạng thua lỗ và nợ xấu kéo dài tưởng chừng “ đổ gục”.

Có thể nói, nhóm 8 ngân hàng được liệt kê trên đây có cùng “vạch xuất phát điểm” trong chặng đường tái cơ cấu. Thế nhưng, may mắn không hẳn đến với toàn bộ những ngân hàng này. Sẽ có những ngân hàng tự vươn mình đứng dậy để trở vào “đường đua” cùng những ngân hàng lớn nhưng cũng sẽ có những ngân hàng không thể trụ vững với những “áp lực” khách quan từ bên ngoài đã “tìm đến nhau” để sáp nhập, hợp nhất.

Bây giờ!

Về TPBank, nếu quay lại một vài năm trước đây khi nghe đến tên TPBank, người ta chưa hình dung được đó là một ngân hàng như thế nào, thậm chí, còn không biết có sự hiện diện của nhà băng này trên thị trường tài chính thì hiện nay, trong mắt phần đông khách hàng, TPBank đã có một chỗ đứng vững chắc, một ngân hàng trẻ trung với những ứng dụng công nghệ thông tin vượt trội được đưa vào phục vụ khách hàng.

Từ một xuất phát điểm lỗ âm đến gần nửa vốn điều lệ, lỗ đến 1.160 tỷ đồng thì hiện nay, tính đến cuối năm 2014 ngân hàng này có tổng tài sản đạt 51.478 tỷ đồng, tăng gấp nhiều lần so với thời điểm trước khi tái cơ cấu; tổng huy động vốn đạt 46.725 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 536 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2013 và đạt 122% kế hoạch của cả năm 2014.

Tại Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB - tên gọi trước đây là Navibank), ngân hàng này được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt và chấp thuận đề án tái cấu trúc từ tháng 6/2013, sau một quá trình “lột xác” bằng việc "thay máu" toàn bộ hệ thống ban điều hành, “thay tên đổi họ” và đổi cả Hội sở thì hiện nay, nhà băng đã đạt được nhiều kết quả kinh doanh đáng ghi nhận.

Cụ thể, báo cáo tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2015 của ban lãnh đạo NCB cho biết, kết thúc năm 2014, tổng huy động và dư nợ cho vay của NCB tăng lần lượt 29,89% và 35,74% so với cùng kỳ năm 2013; tỷ lệ nợ xấu giảm hơn 58% còn 2,52%; lợi nhuận đạt 59 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh.

Theo chia sẻ của bà Trần Hải Anh - Tổng Giám đốc NCB: “Ngân hàng hiện đang trong quá trình tái cấu trúc nên trong khi các ngân hàng khác "đi" thì chúng tôi phải "chạy". Trong hơn hai năm vừa qua, NCB đã triển khai đồng bộ hàng loạt dự án: Đổi tên gọi và áp dụng bộ nhận diện thương hiệu mới; xây dựng hệ thống sản phẩm chiến lược; nâng cấp hệ thống mạng lưới, mở rộng hoạt động bán lẻ, đổi mới phong cách và chất lượng dịch vụ…”

Về SCB (ngân hàng hợp nhất giữa ba ngân hàng là SCB, TinNghiaBank và FicomBank), ngân hàng đầu tiên hợp nhất trong quá trình tái cơ cấu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến thời điểm cuối năm 2014, vốn điều lệ của SCB đạt đến 12.295 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 242.222 tỷ đồng; tổng tiền gửi khách hàng đạt 198.505 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay đạt 134.005 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu giảm về mức 0,5%; lợi nhuận trước thuế đạt 121,5 tỷ đồng, tăng 103% so với năm 2013.

Nếu như năm 2014 là năm đánh dấu một cột mốc quan trọng của NCB trong công cuộc tái cấu trúc với nhiều tín hiệu lạc quan thì tại SCB, ngân hàng này đã “khẳng định” được thương hiệu mình trong lòng khách hàng. Nhìn chung trong năm qua, SCB đã hoàn thành một số dự án công nghệ thông tin quan trọng để đáp ứng quy mô hoạt động ngày càng lớn mạnh của mình như: hệ thống Contact Center, hệ thống FPT, hệ thống Mobile Banking, thẻ tín dụng quốc tế MasterCard… Giải quyết cơ bản tình trạng nợ quá hạn, nợ xấu tồn tại trước hợp nhất, cải thiện cơ cấu tài sản có chất lượng tài sản đảm bảo của các khoản cấp tín dụng; từng bước nâng cao năng lực tài chính thông qua việc tăng vốn điều lệ, từ đó tăng cường khả năng xử lý rủi ro và tạo nền tảng vững chắc cho việc phát triển kinh doanh.

Có thể nói, sáp nhập - hợp nhất hay cho phép tự tái cấu trúc đều là những định hướng đúng đắn của NHNN hướng đến một tương lai thị trường tài chính “sạch”, đủ "sức khoẻ" để phục vụ người dân. Sự cố pháp lý tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) khiến ngân hàng này được mua lại với giá 0 đồng nhằm “cứu” những khoản tiền gửi của người dân tại đây là một ví dụ điển hình cho thấy, chủ trương tái cơ cấu của Ngân hàng Nhà nước là hoàn toàn đúng và việc triển khai trên thực tế không hề dễ, nhất là khi có một số cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật.

Bách Hợp

Từ khóa: