Sự kiện hot
4 năm trước

Những ngân hàng vẫn chưa sạch nợ xấu VAMC

Tính đến hết 30/12, đã có 11 trong tổng số hơn 20 ngân hàng mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu đặc biệt tại VAMC, tuy nhiên vẫn còn những ngân hàng "đau đầu" về khối nợ xấu này.

Đã có 11 ngân hàng sạch nợ xấu tại VAMC

Cuối năm, dồn dập các thông tin về việc xử lí nợ xấu của các ngân hàng được công bố. Riêng trong tháng 12, đã có 4 ngân hàng công bố mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu đặc biệt tại VAMC gồm: Agribank, SeABank, VPBank và Kienlongbank.

Agribank cho biết thực hiện nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lí nợ xấu, đến nay, ngân hàng đã thu hồi và xử lí được gần 110.000 tỉ đồng nợ xấu.

Còn tại VPBank, trong năm 2019 ngân hàng đã mua lại 3.000 tỉ đồng trái phiếu đặc biệt, trong đó, sử dụng 1.400 tỉ đồng trích lập dự phòng để xử lí số dư nợ trái phiếu tại VAMC nói trên, tương đương khoảng 45%.

Trước đó cũng có 7 ngân hàng công bố đã sạch nợ tại VAMC gồm: Vietcombank, Techcombank, MB, VIB, OCB, Nam A Bank, TPBank.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đối với việc mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, lũy kế từ 2013 đến ngày 31/8/2019, VAMC đã mua nợ xấu với giá trị 348.500 tỉ đồng dư nợ gốc nội bảng tương ứng với giá mua nợ là 316.935 tỉ đồng.

Luỹ kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 12, ước tính toàn hệ thống đã xử lí được 305.700 tỉ đồng nợ xấu theo Nghị quyết 42. Tỉ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng vào cuối năm 2019 ở mức 1,89%, hoàn thành mục tiêu dưới 2%.

Nhiều ngân hàng vẫn còn nợ "vương vấn" tại VAMC

Theo thống kê tính đến hết ngày 30/12/2019, hiện vẫn còn nhiều ngân hàng chưa xóa sạch nợ xấu VAMC. Theo số liệu báo cáo tài chính được công bố trong quí III, 12 ngân hàng nằm trong số đó có thể kể đến như: Sacombank, VietinBank, BIDV, SCB, SHB, MSB, PG Bank, Saigonbank, LienVietPostBank, Bac A Bank, VietBank, ACB.

Những ngân hàng vẫn chưa sạch nợ xấu VAMC - Ảnh 2.
Ghi chú: (*) con số ước tính từ số dư chứng khoán nợ do các TCKT trong nước phát hành - Đvt: tỉ đồng (Nguồn: Thu Hoài tổng hợp).

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là phần lớn nhà băng đều ghi nhận giá trị trái phiếu VAMC giảm trong 9 tháng đầu năm 2019. Những ngân hàng có số dư trái phiếu VAMC giảm mạnh nhất là LienvietPostBank (giảm 47,6%); Saigonbank (giảm 33,5%); MSB (giảm 22,7%); Sacombank (giảm 13%)....

Theo thống kê từ báo cáo tài chính quí III/2019 và ước tính của chúng tôi, Sacombank tiếp tục là ngân hàng nắm lượng trái phiếu VAMC cao nhất với con số ước tính 35.006 tỉ đồng.

Ở nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước, sau khi Agribank bất ngờ tuyên bố xóa sạch nợ nợ xấu tại VAMC trong tháng 12 này thì còn hai "ông lớn" là VietinBank, BIDV vẫn còn hàng chục nghìn tỉ đồng trái phiếu VAMC trong bảng cân đối kế toán.

VietinBank ghi nhận số dư trái phiếu VAMC giảm nhẹ so với cuối năm 2018 và đạt 13.814 tỉ đồng. Tại BIDV, mặc dù chưa có con số cụ thể về nhưng nhìn chung khoản mục "chứng khoán đầu tư đến ngày đáo hạn" ở mức 17.679 tỉ đồng, giảm 19,3% so với cuối năm 2018.

Ở chiều ngược lại, hai ngân hàng ghi nhận tăng trưởng nợ xấu tại VAMC trong 9 tháng đầu năm 2019 là SHB, SCB. Trong đó, số dư trái phiếu VAMC tại SHB ở mức 8.210 tỉ đồng, tăng 9,5% so với cuối năm 2018 và con số đã được trích lập dự phòng là 1.685 tỉ đồng. 

Những ngân hàng vẫn chưa sạch nợ xấu VAMC - Ảnh 2.
Ghi chú: (*) con số ước tính từ số dư chứng khoán nợ do các TCKT trong nước phát hành - Đvt: tỉ đồng (Nguồn: Thu Hoài tổng hợp).

Tại SCB, số dư trái phiếu VAMC tăng nhẹ 5,4% với 28.129 tỉ đồng, lớn thứ hai hai tại các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính. Bên cạnh đó, số dư nợ xấu của ngân hàng cũng tăng 17% lên 1.481 tỉ đồng, đưa tỉ lệ nợ xấu lên mức 0,46%.

Những ngân hàng vẫn chưa sạch nợ xấu VAMC - Ảnh 3.
Ghi chú: (*) con số ước tính từ số dư chứng khoán nợ do các TCKT trong nước phát hành - Đvt: tỉ đồng (Nguồn: Thu Hoài tổng hợp).

Nợ xấu tại VAMC là những khoản nợ được đánh giá là "khó nhằn" của mỗi ngân hàng, được bán sang cho VAMC nhằm hai mục đích. Thứ nhất là giảm tỉ lệ nợ xấu nội bảng, thứ hai xử lí nợ thông qua VAMC. 

Tuy nhiên, mức trích lập dự phòng 20% hàng năm cũng là một nỗi trăn trở cho các ngân hàng, đặc biệt là những tổ chức có lợi nhuận khiêm tốn. Đó là một trong những nguyên nhân khiến các ngân hàng muốn mua lại nợ xấu tại VAMC về để tự xử lí. 

Không phải ai cũng có khả năng để nhanh chóng tất toán hết trái phiếu VAMC nhất là những nơi có khối lượng nợ xấu lớn. Nhiều ngân hàng đang thực hiện tái cơ cấu như Sacombank, SCB hay ngay cả những "ông lớn" như BIDV, VietinBank họ cần thời gian để có thể xử lí dần dần khối nợ xấu này.

Thu Hoài

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Từ khóa: