Nhắc đến máy tính bảng (tablet), nhiều người nghĩ ngay đến thiết bị hỗ trợ giải trí. Tuy nhiên, bên cạnh mục đích lướt web, chơi game, chiếc máy tính bảng cũng đang đóng vai trò quan trọng trong những công việc khá đặc thù.
Nhắc đến máy tính bảng (tablet), nhiều người nghĩ ngay đến thiết bị hỗ trợ giải trí. Tuy nhiên, bên cạnh mục đích lướt web, chơi game, chiếc máy tính bảng cũng đang đóng vai trò quan trọng trong những công việc khá đặc thù.
Việc ứng dụng iPad trong các lĩnh vực công việc đặc thù sẽ đem lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp, người sử dụng.
Dùng iPad để kiểm tra kỹ năng... bay
Có dịp giao lưu với thành viên đoàn bay 919 của VietNam Airlines, một điều dễ thấy là hầu như các cơ trưởng, cơ phó của đơn vị này ai cũng "thửa" riêng cho mình một chiếc iPad.
Nhiều người sẽ thoạt nghĩ: "Họ lương cao, thu nhập tốt nên mua đồ công nghệ thời thượng là chuyện đương nhiên". Vậy nhưng, khi lắng nghe những chia sẻ rất thật của các phi công dân dụng này thì đối với họ, chiếc iPad lại đóng vai trò rất thực tế.
Lê Huy, cơ phó của thuộc đoàn bay cho biết: "Lúc đầu thì cũng nghĩ là mua để giải trí, nhưng quả thực thời gian bay choán hết cả thời gian nghỉ rồi, bất kể ngày đêm nên ít khi tôi đụng đến máy. Tuy nhiên, gần đây phải thi kiểm tra định kỳ thì mới thấy iPad phát huy tác dụng khi kho dữ liệu AppStore có rất nhiều ứng dụng hỗ trợ việc trắc nghiệm, bổ sung kiến thức cho phi công".
Quả thực, máy của chàng cơ phó này dày đặc các phần mềm trắc nghiệm, tra cứu về kỹ năng và lý thuyết bay, mà theo anh :"Rất hữu dụng trong những đợt đi SiM (kiểm tra nghiệp vụ phi công) định kỳ hàng năm".
Cũng thuộc đoàn bay, anh Hoàng Phi, cơ trưởng trẻ tuổi cho biết: "Sắm iPad giải trí chỉ là một phần thôi. Mình thấy các bộ từ điển đa ngôn ngữ và các phần mềm định vị trên này cũng rất sẵn, giá lại rất rẻ. Có hôm sang ngủ đêm ở Nagoya, Nhật Bản, đi tìm quán ăn, đang lơ ngơ chưa biết tìm đâu thì bản đồ Google Maps đã chỉ đường rõ nét. Đến nơi gọi món chẳng cần biết tiếng mà chỉ cần bật từ điển ẩm thực Nhật Bản rồi giơ ra cho chủ quán là có đồ ăn".
Kho ứng dụng lớn với nhiều bộ từ điển Y khoa khiến iPad được nhiều y, bác sĩ tin dùng.
Cùng chung quan điểm, bác Quang, đang công tác tại Viện Quân Y 108 rất hứng thú chia sẻ: "Gần 60 tuổi đầu rồi mới tiếp xúc công nghệ nhưng mà thích thật. Cái iPad đứa cháu mới tặng cài nhiều bộ Y dược điển khá hữu dụng gồm cả tra cứu bằng hình ảnh. Cần một cái ấn tìm kiếm là ra, thay vì phải mở sách tra tra soát soát. Một cái máy bé tí để cả chục bộ từ điển Y khoa, rất cơ động".
Làm bác sỹ lâu năm trong ngành, điều mà bác Quang đau đáu nhất chính là kho dữ liệu sách từ điển Y khoa vốn chồng chất trong nhà mà rất khó bảo quản cũng như tra cứu khi cần thiết.
Về phía chị Hằng, nhân viên tập đoàn Oracle thì lại được công ty "thửa riêng" vô số phần mềm cho chiếc iPad. Chị cho biết: "Mình vốn chẳng phải fan của Apple nên rất ngại các thiết bị của hãng này. Tuy nhiên theo bộ phận kỹ thuật thì các ứng dụng doanh nghiệp và thiết lập VPN, bảo mật chỉ tối ưu trên iOS nên đành phải sắm một cái iPad. Từ lúc dùng cũng thấy tiện".
Ngoài các phần mềm thương mại bán sẵn tại AppStore, hiện nay iPad cũng là chiếc máy tính bảng được nhiều doanh nghiệp lớn hỗ trợ như một công cụ tối ưu cho các nghiệp vụ thường nhật.
Với khả năng linh hoạt trong việc phát triển và cài đặt ứng dụng B2B, B2C, iPad đang dần trở thành đích đến của những người dùng, thậm chí là công ty, tập đoàn không thuộc lĩnh vực công nghệ nhưng biết cách ứng dụng và vận hành các quy trình trên thiết bị này một cách tối ưu.
Doanh nghiệp Việt vẫn... lười ứng dụng
Với lối suy nghĩ và đánh giá iPad như một công cụ giải trí, thậm chí là... dỗ con ăn cơm, đại đa số người dùng Việt chưa khai thác hết các khả năng của iPad cũng như năng lực của chợ ứng dụng AppStore.
Anh Hoàng Minh Khải, giám đốc công ty xuất khẩu phần mềm cho biết: "Đơn vị mình nhận được nhiều đơn đặt hàng cho các sản phẩm ứng dụng trên iOS từ nước ngoài, đa số là các ứng dụng hỗ trợ nghiệp vụ mang tính đặc thù của các công ty. Tuy nhiên, trong thời gian qua cũng chưa nhận được đơn hàng nào từ các công ty Việt Nam".
Hiện nay, các tập đoàn lớn như Oracle, FedEx... đều đưa ra các giải pháp ứng dụng client lên các thiết bị nền iOS với mục đích nâng cao khả năng tương tác cũng như độ bảo mật trong các nghiệp vụ công việc của mình.
Ông Phạm Trung Thành, hiện đang làm chuyên gia bảo mật và phần mềm tại Nhật cho biết: "Lấy ví dụ email, bạn có thể sử dụng ứng dụng mail client có sẵn trên thiết bị nhưng chắc chắn sẽ không thể bằng được một dụng tự phát triển riêng với những tuỳ biến phù hợp với đặc thù doanh nghiệp. Thêm vào đó, việc bảo mật, nâng cấp và thêm các chức năng tương tác cũng sẽ linh hoạt hơn nếu doanh nghiệp biết cách khai thác khả năng của các ứng dụng cài đặt trên các thiết bị di động".
Tuy nhiên, một lãnh đạo tập đoàn viễn thông lớn trong nước cũng cho biết: "Về nhân lực, chúng tôi có đủ ban bệ để tổ chức bộ phận viết các ứng dụng trên iPhone, iPad hỗ trợ cho các nghiệp vụ của tập đoàn. Tuy nhiên, vì chưa nhìn thấy độ hiệu quả và chi phí đầu tư, đào tạo người dùng đầu cuối khá lớn nên phương án số hoá nghiệp vụ này vẫn phải bỏ ngỏ".
Quả thực, iPhone, iPad và chợ ứng dụng AppStore của Apple vẫn là một cánh cửa lớn đầy màu mỡ cho cả người dùng lẫn doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, sự chậm trễ trong việc tiến quân sang các mảng thị phần mới này đang là một vấn nạn của ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam, rất khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều. Và trong lúc ấy, người dùng vẫn phải tìm các giải pháp của... nước ngoài.
Vương Long
Theo Vietnamnet