Sự kiện hot
13 năm trước

Những “nữ hoàng” trong thế giới công nghệ đương đại

Thế giới công nghệ đang thay đổi chóng mặt và dường như chịu sự thống trị của phái mạnh. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có không ít nữ "cường nhân" đang nắm giữ những vai trò quan trọng, đầy quyền lực trong thế giới này.

Thế giới công nghệ đang thay đổi chóng mặt và dường như chịu sự thống trị của phái mạnh. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có không ít nữ "cường nhân" đang nắm giữ những vai trò quan trọng, đầy quyền lực trong thế giới này.

Họ đều là những phụ nữ đang đảm nhận những cương vị trọng yếu trong các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như IBM, Cisco... - Ảnh: CNN.

Hãng tin CNN mới đây đã công bố danh sách 10 nhân vật nữ quyền lực nhất trong thế giới công nghệ. Họ đều là những phụ nữ đang đảm nhận những cương vị trọng yếu trong các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như IBM, Cisco...

Dưới đây là thông tin chi tiết về 10 "nữ hoàng" này.

1. Sandy Carter

Gia nhập IMB từ năm 1989, hiện Sandy Carter là Phó chủ tịch tập đoàn phụ trách các sáng kiến kinh doanh xã hội. Bà chịu trách nhiệm chỉ đạo các sáng kiến kinh doanh xã hội của tập đoàn cũng như hợp tác với khách hàng phát triển các chương trình sao cho hiệu quả nhất. Sandy Carter thành thạo 8 ngôn ngữ lập trình, tác giả 3 cuốn sách về kinh doanh và truyền thông xã hội, một trong những blogger và tweeter nổi tiếng nhất tại IBM, đã từng giành được giải thưởng MarCom. Bà đã đi du lịch hơn 60 nước trên thế giới.

2. Jane Moran

Jane Moran đảm nhiệm vai trò Giám đốc thông tin toàn cầu của Thomson Reuters từ năm 2008. Bà chịu trách nhiệm giám sát các hệ thống kinh doanh cho Thomson Reuters, hãng chuyên kinh doanh thông tin khoa học, pháp luật, tài chính, kinh doanh. Hãng hiện có 55.000 nhân sự ở hơn 100 quốc gia. Bà cũng là thành viên bàn tròn của Trung tâm Chiến lược số thuộc trường kinh doanh Tuck, Đại học Dartmouth, đồng thời giữ một ghế trong Hội đồng Giám đốc thông tin của mạng salesforce.com, Workday và Oracle.

3. Susie Wee

Chuyển tới Cisco hồi năm ngoái, hiện bà là Phó chủ tịch kiêm Giám đốc công nghệ, trải nghiệm mảng truyền thông và hợp tác của tập đoàn. Cương vị này, theo lời bà, đã cho thấy rõ niềm đam mê của bà trong việc kết hợp công nghệ với những trải nghiệm người dùng. Wee hiện quản lý một nhóm gồm 90 nhà thiết kế, chuyên gia nghiên cứu, chuyên gia công nghệ về trải nghiệm người dùng. Trước khi tới Cisco, bà từng làm việc cho HP trong suốt 15 năm với vai trò giám sát các chiến lược đám mây với sản phẩm máy tính cá nhân. Bà cũng là người sáng lập mảng kinh doanh phần mềm trải nghiệm của HP.

4. Cher Wang

Cher Wang là đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn HTC, hãng kinh doanh công nghệ hàng đầu ở Đài Loan. Cher Wang giám sát việc phát triển công nghệ di động và điện thoại thông minh, hợp tác cùng Google và Microsoft về điện thoại thông minh và PDA tương tích với Windows để bán cho thị trường Mỹ, châu Âu. Cùng với chồng, bà Wang là Chủ tịch kiêm đồng sáng lập Hãng công nghệ VIA. Bà Wang từng được tạp chí Forbes bình chọn là “Người phụ nữ quyền lực nhất trên thị trường không dây”. Bà đứng thứ 276 trong top 500 người giàu nhất thế giới với giá trị tài sản cá nhân là 4 tỷ USD.

5. Judy Estrin

Trong thập niên 1970, Judy Estrin theo học ngành khoa học máy tính ở trường Đại học ULCA và là kỹ sư điện tử thuộc trường Đại học Stanford cùng với Vint Cerft, một trong những "cha đẻ" của mạng Internet. Tại Tập đoàn Zilog, bà lãnh đạo một nhóm kỹ sư phát triển một trong những mạng LAN thương mại đầu tiên và đồng sáng lập ba công ty sản xuất thiết bị và phần mềm mạng. Từ năm 1998-2000, bà đảm nhiệm cương vị Giám đốc công nghệ cho Cisco và thành viên ban điều hành Disney, FedEx, Rockwell và Sun Microsystems. Năm 2008, bà xuất bản cuốn "Thu hẹp khoảng trống sáng tạo". Hiện bà là Giám đốc điều hành Hãng tư vấn công nghệ JLabs.

6. Deborah Estrin

Deborah Estrin là một giáo sư chuyên ngành khoa học máy tính ở trường UCLA, đồng thời là Giám đốc Trung tâm cảm giác nối mạng nhúng, nơi đi tiên phong trong việc nghiên cứu công nghệ mới cho phép thu thập thông tin từ thế giới vật chất, cũng như trao đổi thông tin bằng các phương pháp hữu dụng. Estrin hiện còn là thành viên của Viện Hàn lâm khoa học Mỹ, thành viên của Viện Hàn lâm kỹ thuật quốc gia Mỹ và có tên trong danh sách những phụ nữ có đóng góp lớn cho ngành công nghệ quốc tế.

7. Maxine Fassberg

Maxine Fassberg quản lý các hoạt động sản xuất của Intel Israel. Bà cũng chịu trách nhiệm quản lý các nhà máy chế tạo ở Kiryat Gat và Jerusalem, cùng một trung tâm thiết kế ở Haifa. Bà Fassberg có quan hệ tốt với Chính phủ Israel. Bà có bằng thạc sỹ về hóa học ứng dụng ở trường Đại học Hebrew ở Jerusalem từ năm 1978. Bà đã gia nhập Intel từ năm 1983 với tư cách là một kỹ sư. Tới năm 2007, bà được giao chức Tổng giám đốc.

8. Ursula Burns

Ursula Burns gia nhập Tập đoàn Xerox từ năm 1980 dưới vai trò kỹ sư cơ khí. Bằng nỗ lực không ngừng nghỉ, bà được bổ nhiệm làm CEO cho hãng vào năm 2009. Chỉ sau thời gian ngắn, Ursula Burns ghi dấu ấn nhờ việc thâu tóm công ty Affiliated Computer Services với mức giá 6,4 tỷ USD (khoảng 134.400 tỷ đồng) – thương vụ lớn nhất trong lịch sử Xerox. Ursula Burn cũng là một thành viên quản lý của nhiều tổ chức khác như American Expess, Change The Equation...

9. Sheryl Sandberg

Sheryl Sandberg từng làm Phó chủ tịch cấp cao phụ trách tổ chức và bán hàng trực tuyến toàn cầu cho gã khổng lồ tìm kiếm Google. Hiện cô đang đảm nhiệm cương vị Giám đốc hoạt động của Facebook, mạng xã hội lớn nhất thành viên. Trang Ted.com từng mô tả vị trí này của Sandberg là "xây dựng nên mạng xã hội lớn nhất hành tinh trong khi vẫn duy trì sự vui sướng của người dùng". Sandberg gia nhập Facebook từ năm 2008.

10. Marissa Mayer

Marissa Mayer từng là một trong 20 nhân viên đầu tiên của Google. Cô gia nhập hãng công nghệ này từ năm 1999 với vai trò kỹ sư. Mayer cũng là nữ kỹ sư đầu tiên ở Google. Năm 2010, cô trở thành Phó chủ tịch mảng dịch vụ định vị và địa phương của Google. Ở độ tuổi 36, cô là một trong những lãnh đạo công nghệ trẻ nhất thế giới. Ngoài làm việc ở Google, Mayer còn đảm nhiệm một vai trò quản lý Bảo tàng Nghệ thuật đương đại San Fancisco, Bảo tàng Thiết kế quốc gia Smithsonian Cooper-Hewitt...

Phúc Minh
Theo VnEconomy

Từ khóa: