Sự kiện hot
13 năm trước

Những sinh vật kỳ dị tại 'núi lửa' dưới đáy biển

Viện Nghiên cứu nước và khí quyển quốc gia New Zealand (NIWA) vừa công bố phát hiện những sinh vật kỳ lạ tại khu vực rãnh Kermadec thuộc vùng biển phía bắc nước này, tạp chí National Geographic đưa tin.

Viện Nghiên cứu nước và khí quyển quốc gia New Zealand (NIWA) vừa công bố phát hiện những sinh vật kỳ lạ tại khu vực rãnh Kermadec thuộc vùng biển phía bắc nước này, tạp chí National Geographic đưa tin.

Các nhà nghiên cứu của NIWA thực hiện cuộc thám hiểm trong 3 tuần tại độ sâu từ 700 – 1.500m ở 4 môi trường sống biển khác nhau từ miệng phun thủy nhiệt cho tới núi lửa dưới biển, dốc lục địa (continental slope) và cả hẻm núi dưới biển trong phạm vi khoảng 10.000km2 thuộc rãnh Kermadec.

Theo trang niwa.co.nz, hiện có khoảng 50 núi lửa dưới biển trải dài dọc theo rãnh Kermadec. Đó là một đặc tính quan trọng ở vùng biển Tây Thái Bình Dương, trải dài gần 1.500km tới rìa vùng đặc quyền kinh tế của New Zealand – nằm ở phía đông bắc quần đảo Kermadec.

Còn các miệng phun thủy nhiệt – nằm cạnh các núi lửa dưới biển thường phun ra dòng nước được hâm nóng bởi địa nhiệt. Đây nơi trú ngụ của nhiều cộng đồng sinh vật phức tạp được nuôi dưỡng bởi các chất hóa học hòa tan trong vùng nước này.

Giun biển Polychaete được tìm thấy tại độ sâu 1.200m, vùng biển phía bắc New Zealand. Ảnh: NIWA.

“Cuộc khảo sát biển này thật thú vị khi chúng tôi phát hiện các loài sinh vật kỳ lạ trong quá trình quay phim dưới nước và thu thập những mẫu sinh vật tại miệng phun thủy nhiệt Tangaroa cũng như tại các môi trường sống khác ở rãnh Kermadec”, nhà sinh vật học Malcolm Clark, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.

Nhóm nghiên cứu đã thu thập được hàng ngàn mẫu sinh vật, trong số này có khoảng 10% được tin là các loài mới đối với giới khoa học hoặc mới phát hiện tại New Zealand.

“Nhìn tổng thể, chúng tôi phát hiện các cộng đồng sinh vật và đa dạng sinh học tại 4 môi trường sống ở biển nêu trên là khác nhau”, tiến sĩ Clark cho biết thêm qua email với National Geographic. Ông Clark tiết lộ mục đích của cuộc thám hiểm là "để biết được những sinh vật biển nào sống tại đó và từ đây nghiên cứu chúng dễ bị tổn thương như thế nào từ những hoạt động của con người như đánh bắt cá hay khai thác khoáng sản đại dương”.

Dưới đây là những sinh vật kỳ lạ được phát hiện tại khu vực rãnh Kermadec, vùng biển New Zealand:

Tôm Uroptychus, sống tại độ sâu từ  650m – 1.400m. Ảnh: NIWA


Những con “sao biển rắn” màu vàng Asteroschema bidwillae tại độ sâu 1.220m. Ảnh: NIWA


Một loài mực tại độ sâu 900m. Ảnh: NIWA


Cua lông rậm Trichopeltarion janetae tại độ sâu 900m. Ảnh: NIWA


Loài san hô hình dạng chén Stephanocyathus platypus tại độ sâu 1.000m. Ảnh: NIWA


Sứa biển sâu Atolla sống tại độ sâu 1.500m. Ảnh: NIWA


Cá rồng đen Idiacanthus. Ảnh: NIWA

Một loài sên biển mới tại độ sâu 1.250m. Ảnh: NIWA

Theo Thiên Nhiên

Từ khóa: