Không chỉ là doanh nhân nghìn tỷ, nhiều đại gia như Trương Gia Bình, Bùi Quang Ngọc,… đều đã, đang là những giáo viên đầy tâm huyết.
Không chỉ là doanh nhân nghìn tỷ, nhiều đại gia như Trương Gia Bình, Bùi Quang Ngọc,… đều đã, đang là những giáo viên đầy tâm huyết.
Thầy cô thực dạy
Là cái tên quá nổi tiếng trên thương trường, ông Trương Gia Bình được biết đến như linh hồn của Tập đoàn FPT. Hiện tại, ông giữ cả hai chức vụ quan trọng nhất đó là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc FPT.
Tuy nhiên, không chỉ nổi đình, nổi đám trong giới kinh doanh, ông Trương Gia Bình còn là một thầy giáo “mát tay”. “Chuyên ngành” của thầy giáo Trương Gia Bình, tất nhiên là kinh doanh.
Ông Trương Gia Bình có công lớn thành lập Khoa Quản trị Kinh doanh (HSB) trực thuộc Đại học quốc gia Hà Nội. Khoa được thành lập từ năm 1995 là một địa chỉ đào tạo MBA quen thuộc và có uy tín tại Việt Nam.
Trong tháng đầu tiên khi đi vào hoạt động, đội ngũ cán bộ của HSB chỉ có 4 – 5 người trong căn phòng 13m2 nhưng họ luôn nuôi dưỡng ước mơ đưa HSB thành trường quản trị kinh doanh ngang tầm thế giới. Dưới sự lãnh đạo của Đại học Quốc gia và TS. Trương Gia Bình, HSB đã gặt hái được nhiều thành công trong một thời gian ngắn.
Từ năm 2009 đến nay, HSB và Viện quản trị kinh doanh (FSB) - Trường đại học FPT đã thiết kế và đào tạo gần 30 khóa học Mini-MBA cho hơn 1.000 cán bộ quản lý cấp cao của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp như: Công ty xi măng Hải Phòng, Tập đoàn FPT, Viễn thông Hà Nội, công ty bia Việt Hà, Công ty Minh Phúc Telecom…
Trong “đại gia đình FPT”, ông Bùi Quang Ngọc cũng có thời đứng lớp. Ông Ngọc là một trong 13 thành viên sáng lập của Tập đoàn FPT. Ngày 14/4/2012, ông tiếp tục được bầu vào vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT nhiệm kỳ 2012 - 2017
Ông là một chuyên gia hàng đầu về Công nghệ thông tin của FPT từ những năm 90 và được bình chọn là một trong 10 lãnh đạo Công nghệ thông tin (CIO) xuất sắc nhất Đông Dương năm 2005.
Ông cũng là một nhà quản trị xuất sắc. Trong suốt quá trình phát triển của FPT, ông luôn là người đảm bảo để mọi hoạt động của Tập đoàn hiệu quả và chuẩn xác, theo đúng các quy chuẩn chất lượng quốc tế.
Nhưng trước khi đạt được nhiều thành công cùng FPT, ông là một giáo viên có tiếng tại một trường đại học hàng đầu Việt Nam.
Năm 1979, sau khi du học từ Liên Xô, ông Ngọc về nước dạy Toán ở Đại học Bách Khoa Hà Nội. Thế rồi một tối đầu mùa hè năm 1988, Ông Trương Gia Bình đã biến ông Ngọc từ một giáo viên, một nhà khoa học thành một nhà kinh doanh công nghệ và quản lý doanh nghiệp như hôm nay.
Bà Trần Thị Việt Ánh là Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Công Thương (SaigonBank). Nhưng trước khi lãnh đạo một ngân hàng, bà đã có một thời gian giảng dạy.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà Ánh được điều về làm tại Vụ Phát hành ngân quỹ của Ngân hàng Nhà nước, rồi được cử đi học nâng cao tại Học viện Ngân hàng.
Tốt nghiệp (1982), bà quyết định về làm công tác giảng dạy kế toán ở ĐH Ngân hàng TP.HCM. Chẳng bao lâu sau, bà lại được giao trách nhiệm làm Phó chủ nhiệm Khoa Kế toán Ngân hàng.
Nhưng dường như những thành công ấy vẫn là chưa đủ với người phụ nữ luôn mang trong mình bầu nhiệt huyết cháy bỏng niềm đam mê kinh doanh. Tới năm 1994, bà chuyển công tác về SaigonBank giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc.
Trải qua gần chục năm phấn đấu không biết mệt mỏi, bà luôn tạo được uy tín tốt với đồng nghiệp trong cơ quan và có tiếng nói quyết định đến những chiến lược đầu tư kinh doanh của Saigonbank. Bởi vậy, tới tháng 11/2004, bà tiếp tục được tín nhiệm với cương vị là Tổng Giám đốc SaigonBank cho đến nay.
Kinh doanh đại học
Trong khi những đại gia như Trương Gia Bình, Bùi Quang Ngọc hay Trần Thị Việt Ánh đều đã từng là thầy cô giáo theo đúng nghĩa đứng trên bục giảng, thì một số đại gia khác lại chọn giáo dục là hình thức kinh doanh đầy tiềm năng.
Vốn đã từng rất thành công với ngân hàng Techcombank, ông Nguyễn Đức Vinh, nguyên Tổng giám đốc ngân hàng Techcombank và nay là TGĐ VPBank đã để mắt tới lĩnh vực giáo dục với đại học Đại Nam.
Vợ chồng ông Lê Đắc Sơn nguyên Tổng Giám đốc VPBank nay đi dạy đại học.
Vốn là đại gia trong ngành ngân hàng nên ông Vinh trao cho đại học Đại Nam nhiều quyền lợi từ lĩnh vực “hot” này. Thành lâp từ năm 2007 nhưng Trường Đại học Đại Nam đã sớm ký kết hợp tác đào tạo nguồn nhân lực với các Ngân hàng: VPBank, Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank); Ngân hàng TMCP Quân đội (MB).
Các ngân hàng này sẽ cùng Nhà trường xây dựng chương trình đào tạo chuyên ngành Tài chính, Ngân hàng, Kế toán phù hợp với thực tiễn kinh doanh hiện nay và đạt tiêu chuẩn Quốc tế.
Các lớp sinh viên được thực tập tại các Ngân hàng, được cán bộ có kinh nghiệm của các Ngân hàng đến giảng dạy và hướng dẫn chuyên đề, đề tài tốt nghiệp.
Khi đạt chuẩn mà Nhà trường và các Ngân hàng đã ký kết, sinh viên tốt nghiệp sẽ được tạo điều kiện tuyển dụng vào làm việc tại các Ngân hàng, các Công ty chứng khoán trực thuộc.
Trước đó ông Đặng Thành Tâm cũng đã “tấn công” vào lĩnh vực giáo dục. Năm 2011, ông là chủ tịch hội đồng quản trị trường đại học dân lập Hùng Vương. Ông đưa ra mô hình đại học không vụ lợi với mong muốn nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cho công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, vào tháng 3 năm 2012 vì sai phạm về nguyên tắc quản lý ông bị đình chỉ chức chủ tịch và Hiệu trưởng Đại học này, cơ sở mà ông hỗ trợ tài chính. Vụ việc này cũng gây xôn xao dư luận trong một thời gian ngắn.
Theo VTC News