Ngày hè nắng nóng rất dễ làm cho cơ thể sẽ bị mất nhiều nước gây ra tình trạng mệt mỏi, vì thế việc cung cấp một lượng nước đủ cho cơ thể là rất cần thiết. Tuy nhiên, sử dụng loại nước mát nào vừa giải nhiệt lại vừa cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể là vấn đề mà nhiều người hiện nay đang quan tâm.
Nước chanh
Nước chanh có tác dụng sinh tân dịch, cải thiện tình trạng khô khát, trừ nhiệt, dùng chữa các bệnh khô nóng do nhiệt.
Chanh có tác dụng thanh nhiệt, thanh phế, trừ đàm, có vị chua, tính mát, giải độc, tăng sức đề kháng, chống oxy hóa; quy kinh phế, vị và can. Nước chanh có tác dụng thanh nhiệt trị chứng sốt, viêm nhiễm.
Nước chanh là một thứ nước giải khát rẻ tiền, dễ mua, dễ làm. Tuy là thức uống giải khát rất tốt nhưng chớ lạm dụng vì dùng nhiều nước chanh cũng gây tác hại cho sức khỏe như làm hỏng men răng, hại dạ dày
Nước cam
Là một loại quả rất giàu các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể: Vitamin, khoáng chất, flavonoid, chất chống oxy hóa, đặc tính chống viêm và chống vi khuẩn… có tác dụng thanh nhiệt, thanh phế, trừ đàm, có vị ngọt, tính mát, giải độc, tăng sức đề kháng, chống oxy hóa; quy kinh phế, vị và can.
Cam chứa nhiều vitamin C, là một thức uống giải khát rất thơm ngon và bổ dưỡng vào mùa hè.
Trà xanh
Trà có tác dụng thanh nhiệt, giáng hỏa, tiêu thực, làm hưng phấn thần kinh, chống háo nước, mệt mỏi. Khi đi nắng về hoặc đang làm việc ngoài trời nắng, uống trà xanh vào thấy dễ chịu, giảm khát nước, thấy khoan khoái trong người.
Thanh trà (chè xanh) có tác dụng thanh nhiệt giải độc nhiều hơn. Hồng trà (chè khô) thiên về tiêu tích trệ. Uống trà đúng mức giúp cho tiêu hóa tốt, nếu uống quá nhiều làm tổn thương tân dịch của tỳ vị dẫn đến ăn kém.
Người tỳ vị mắc chứng hư hàn thì không nên uống nhiều trà. Trà thường uống vào buổi sáng, buổi trưa, không nên uống vào buổi tối kích thích thần kinh gây mất ngủ.
Nước dừa
Nước dừa vị ngọt mát, tính bình; vào kinh tỳ, thận và vị; tác dụng giải nhiệt, tiêu khát, lợi niệu, giải độc, cầm máu.
Nước dừa chứa nhiều nước; có protein, lipid, chất vô cơ, cacbonhydrat, Ca, P, Fe và nhiều acid amin, vitamin nhóm B. Hàm lượng magiê và kali rất phong phú và hỗn hợp các chất trong nước dừa tương tự như dịch trong tế bào nên được dùng làm nước bổ dưỡng, chữa chứng mất nước và phục hồi cân bằng chất điện giải.
Nước dừa vị ngọt mát, tính bình; vào kinh tỳ, thận và vị; tác dụng giải nhiệt, tiêu khát, lợi niệu, giải độc, cầm máu.
Cùi dừa vị ngọt, tính bình; vào kinh tỳ, thận và vị; tác dụng ích khí bổ dưỡng, nhuận tràng và lợi niệu; trị say nắng, say nóng, sốt khát nước, nôn mất nước, phù nề, tiểu ít, mụn nhọt lở ngứa, viêm da, chàm chốc...
Nước quả ép
Nước ép từ các quả dưa hấu, dâu tây, dứa, chanh dây, táo, lê, xoài là lựa chọn tuyệt vời cho những ngày hè, vừa giúp giải khát vừa cung cấp vitamin có lợi cho sức khỏe, đồng thời rất ngon miệng, dễ uống. Có thể ép trực tiếp, ép kèm với một số loại rau củ như cà rốt, cà chua, cải bó xôi, các loại gia vị như gừng, xả, hoặc xay sinh tố với sữa.
Nước rau má
Rau má có vị đắng, tính mát và được xem loại một loại thảo dược rẻ tiền, có thể trị được nhiều chứng bệnh như sốt, hen suyễn, viêm da…
Đặc biệt, rau má còn là loại thức uống giải nhiệt được nhiều người yêu thích. Để có một ly nước rau má thơm ngon, bạn nên chọn rau má tươi, vừa hái, đem rửa sạch xay nhuyễn, lọc rây bỏ phần bã. Thêm vào một ít đường, sữa, đá viên sẽ giúp tăng thêm hương vị và dễ uống
Nước bí đao
Bí đao là loại thực phẩm thông dụng chứa rất nhiều nước và vitamin có tác dụng giải nhiệt rất tốt. Bí đao có khả năng làm giảm tích tụ mỡ trong cơ thể nên nó là vị thuốc lý tưởng để chữa bệnh béo phì.
Có thể sử dụng nước bí đao để giải nhiệt bằng cách ép lấy nước hoặc nấu sâm bí đao với đường phèn đều có tác dụng giải nhiệt rất tốt.
Nước đậu đen
Theo y học cổ truyền, đậu đen tính hơi ôn, vị ngọt, qui kinh thận, có tác dụng trừ thấp giải độc, bổ thận, bổ huyết, chữa được cước khí, bồi bổ cơ thể. Dùng đậu đen rang cho thơm đun nước để uống giúp giải nhiệt cho mùa hè nắng nóng, có thể cho thêm một ít đường và đá để thơm ngon và dễ uống.
Hương Trà (t/h)
Theo Kinh tế & Đồ uống