Những khoản lợi nhuận kếch xù vẫn liên tục chảy về túi các hãng mì, trong khi đó, người tiêu dùng được phong là "thượng đế" lại luôn phải hứng chịu thiệt thòi. Không ai lý giải được vì sao, các thượng đế luôn phải hạ mình và chịu thiệt trước những thứ đang nhờ mình để mưu sinh và tồn tại như các... hãng mì tôm.
Tiền mì thu đủ, trúng thưởng chia đôi?!
Hãy bắt đầu bằng câu chuyện có một không hai ở Bình Dương khi một người nông dân chính hiệu phải bỏ bao công sức để đòi cho được quyền lợi chính đáng của mình đối với hãng mì gắn với thương hiệu Tribeco Bình Dương. Đó là trường hợp của ông Tạ Văn ẩn (62 tuổi, ngụ tổ 5, ấp Nước Vàng, xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương).
Sự là cuối tháng 5/2014, ông ẩn mua một thùng mì gói hiệu "Unif bò rau thơm" tại một tiệm tạp hóa gần nhà. Đến ngày 2/6, gia đình ông mở gói mì ăn, thấy trong đó có phiếu ghi rõ Chúc mừng bạn đã trúng 100 triệu đồng.
Mừng vui, lần theo số điện thoại ghi trên phiếu trúng thưởng, ông ẩn gọi nhiều lần nhưng không có ai nghe máy. Sau đó, ông ra tiệm tạp hóa nơi mua thùng mì gói nhờ thông báo lên công ty. Đến chiều 5/6, bốn nhân viên của công ty Tribeco Bình Dương xuống tiệm tạp hóa Hồng Ngọc (nơi ông ẩn mua thùng mì trúng thưởng) làm việc.
Tại đây, các nhân viên công ty cho rằng, phiếu trúng thưởng không hợp lệ nên không trả thưởng. Thay vào đó, những người này đề nghị hỗ trợ gia đình ông ẩn 2 triệu đồng nhưng ông không chấp nhận, sau đó họ nâng tiền hỗ trợ thêm 3 triệu đồng.
Quyết đòi bằng được quyền lợi chính đáng, ngày 6/6, theo địa chỉ ghi trên phiếu trúng thưởng, ông ẩn lên công ty TNHH Tribeco Bình Dương tại số 8, đường 11, khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương để đòi thưởng thì tiếp tục gặp "nhóm nhân viên" ngày hôm trước đã đến đưa tiền hỗ trợ thay cho trả tiền thưởng.
Tại cơ quan, "nhóm nhân viên" này tiếp tục khẳng định, phiếu trúng thưởng của ông ẩn không hợp lệ và chỉ đồng ý hỗ trợ ông 5 triệu đồng. ông ẩn không chấp nhận nên đi về. Sau đó, công ty Tribeco Bình Dương gửi công văn về gia đình ông ẩn và thông báo không thừa nhận ông trúng thưởng.
Thế nhưng, một nguồn tin PV báo Đời sống và Pháp luật nhận được, sau nhiều lần giằng co, mới đây, ông ẩn đã chấp nhận số tiền 50 triệu đồng, cùng 7 triệu đồng chi phí đi lại sau nhiều ngày theo đuổi Tribeco Bình Dương đòi khoản tiền thưởng theo chương trình khuyến mãi của công ty. Cách nhận thưởng theo kiểu "chia đôi lấy nửa, thế nào cũng ra" này quả là chỉ có ở Việt Nam và cũng thật hi hữu với một doanh nghiệp không nhỏ như Tribeco Bình Dương.
Điều khiến dư luận thấy làm lạ, là mặc dù phía công ty Tribeco đưa ra chứng cứ khẳng định, phiếu của khách hàng Tạ Văn ẩn không hợp lệ so với mẫu thẻ trúng thưởng mà công ty đã đăng ký với Bộ Công Thương, nhưng không hiểu sao, công ty này vẫn "xuống tay" chi 50 triệu đồng cho ông ẩn và một khoản tiền chi phí đi lại của ông này.
Liệu đây có phải một kiểu ban phát giải thưởng của các "mạnh thường quân" mì tôm cho những người nông dân chính hiệu vẫn thường xuyên dùng sản phẩm của họ? Câu hỏi này chắc chỉ có Tribeco Bình Dương mới hiểu rõ và trả lời được dư luận.
Chuyện chưa phải là hết, khi mới đây dư luận còn phản ánh về sản phẩm của một hãng mì đứng hàng đầu về thị phần luôn bị tăng giá khi có chương trình khuyến mãi, cứ hễ các nhà đài quảng cáo là có khuyến mãi, ngay lập tức người tiêu dùng phải mua hàng với mức giá đội lên.
Đơn cử là một chương trình khuyến mãi "mua mì tôm được tặng đèn lồng" hay "bộ câu cá" của hãng này, khi chương trình quảng cáo trên ti vi chưa ngớt, người tiêu dùng đã bị các đại lý "móc túi" thêm từ 5.000 - 7.000 đồng/thùng. Trước đó, cũng thương hiệu của hãng mì này, với chương trình tặng túi "7 sắc cầu vồng" cho mỗi thùng mì tôm, ngay khi mới bắt đầu, giá mỗi thùng mì đã đạt ngưỡng 85.000 đồng (tăng hơn 5.000 đồng - PV) so với giá thông thường.
"Thượng đế" luôn chịu phần thiệt trong các cuộc chơi của giới mì tôm.
Giật mình khuyến cáo của tổ chức Y tế Thế giới
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã đưa ra khuyến cáo: "Không lên tiếng khi quyền lợi bị xâm phạm, người tiêu dùng sẽ tiếp tục bị người kinh doanh móc túi". Cũng theo ông Hùng: "Tôi nghĩ rằng, mấu chốt nằm trong tay nhà quản lý và người sản xuất, kinh doanh.
Nói đến quản lý là nói đến chính sách, pháp luật và công tác kiểm tra, kiểm soát. Nếu chính sách, pháp luật ít kẽ hở, công tác kiểm tra hiệu quả thì sẽ hạn chế những hàng hóa không an toàn trên thị trường".
"Tuy nhiên, nói thì dễ, làm mới khó. Không thể phủ nhận sự nỗ lực, cố gắng trong công tác quản lý, nhưng những gì đã xảy ra cho thấy vẫn còn những bất cập. Còn người sản xuất, kinh doanh nếu vì lợi ích người tiêu dùng, trong đó có lợi ích của mình thì sản phẩm đưa ra thị trường sẽ có trách nhiệm hơn. Còn nếu chỉ vì lợi ích của mình thì sản phẩm đưa ra thị trường sẽ là sự vô tránh nhiệm với sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng như đã xảy ra", ông Hùng nói.
Trong khi đó, một chuyên gia nhiều năm gắn bó trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm đưa thông tin, không phải chỉ Việt Nam có những quan ngại về mì tôm, mà nhiều nước trong khu vực cũng đã coi trọng vấn đề này từ lâu. Vị chuyên gia này cũng nêu một ví dụ điển hình cho cái gọi là bảo vệ người tiêu dùng ở Malaysia, khi hiệp hội Người tiêu dùng nước này nêu rõ quan điểm: "Nếu ăn mì ăn liền thường xuyên, lượng natri trong cơ thể sẽ tăng cao và chắc chắn nhiều hơn mức cho phép mà tổ chức Y tế thế giới (WHO) quy định là 2.400mg natri/ngày cho người trưởng thành vì cùng với mì sẽ còn nhiều món ăn khác trong ngày có natri".
Cũng vì nguyên nhân này mà hiệp hội Người tiêu dùng Penang kêu gọi người dân Malaysia tẩy chay mì ăn liền, thực phẩm được coi là đồ ăn nhanh của người dân châu á và gần như không thể thiếu hằng ngày.
Một thông tin khác mà bản báo thu thập được, cùng với hiệp hội Người tiêu dùng ở Malaysia, nhiều chuyên gia dinh dưỡng ở các quốc gia khác, nhất là những quốc gia có lượng tiêu thụ mì ăn liền hàng đầu như Trung Quốc, Nhật Bản cũng cho rằng, không nên ăn mì ăn liền trừ trường hợp bất khả kháng, bởi thực tế đây là thực phẩm không giàu chất dinh dưỡng mà chỉ là bột mì chiên dầu cùng với một số gia vị tạo hương vị, bột ngọt...
Đó là chưa nói đến còn có chất propylene glycol, chính là chất sáp bao lấy sợi mì để chống đông (không đóng bánh) mỗi khi cho mì vào nước sôi. Chất này dễ tích tụ trong gan, thận, tim, gây những bất thường và tổn thương. Để kiểm chứng chất propylene glycol có trong mì, chỉ cần để nguội lạnh bát mì đã nấu là thấy nó nổi lên trên như váng mỡ trên bề mặt nước.
Theo khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới, không chỉ đối với mì ăn liền mà nói chung cho thực phẩm, thì: Nếu thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh, ăn những thức ăn ít có nguy cơ gây bệnh, người tiêu dùng sẽ ngăn ngừa ít nhất được 30% tất cả các bệnh ung thư, còn những bệnh khác không kể. Cho nên, đối với mì ăn liền, nếu không có chất dinh dưỡng, nguy cơ gây bệnh lại cao thì tốt nhất không nên ăn.
Trong trường hợp này, rõ ràng, người tiêu dùng bị bơ vơ do không ai có trách nhiệm và cũng không ai nhận trách nhiệm. Nói theo cách mà nhiều người từng nói đầy vô vọng là: Người tiêu dùng phải tự bảo vệ quyền lợi của mình.
"Người tiêu dùng bị xâm hại không biết phản ánh tới đâu, đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước và Hội Bảo vệ người tiêu dùng".
(Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng, cục Quản lý Cạnh tranh - Bộ Công Thương)
Người tiêu dùng bị... móc túi?!
"Nhiều trường hợp người tiêu dùng bị thiệt hại nhưng không biết phải hỏi ai, không biết khiếu nại ở đâu hoặc bỏ qua vụ việc vì cho rằng, mức thiệt hại không lớn. Tuy nhiên, chính việc không lên tiếng đó khiến người kinh doanh tiếp tục "móc túi" người tiêu dùng. Nhỏ nhất là người tiêu dùng bị ăn gian về trọng lượng, chỉ thiếu một chút thì một tháng, một năm, người kinh doanh đã "móc túi" người tiêu dùng một lượng không nhỏ".
(Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam)
|
Trần Quyết - Dương Thu
theo ĐSPL