Sự kiện hot
7 năm trước

Ninh Bình: Cần xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về đê điều

Trong thời gian vừa qua, mặc dù các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình nói chung và một số huyện nói riêng đã vào cuộc xử lý các vi phạm về đê điều nhưng số vụ bị xử lý còn rất khiêm tốn, chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”.

Theo tìm hiểu của PV, tính đến ngày 10/05/2018, trên địa bàn thành phố Ninh Bình xảy ra 7 vụ vi phạm pháp luật về đê điều, trong đó, các cơ quan chức năng mới xử lý được 2 vụ, 5 vụ chưa xử lý xong.

Đối tượng vi phạm chủ yếu là các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh trong hành lang bảo vệ đê điều. Các đối tượng vi phạm chủ yếu xây nhà, xưởng, trạm cân, công trình phụ, san lấp tôn cao, mở rộng mặt bãi phía ngoài đê khi chưa được cấp phép, hoặc thực hiện không đúng văn bản cấp phép, văn bản thỏa thuận của cơ quan có thẩm quyền. Các vi phạm xảy ra tập trung chủ yếu trên tuyến đê Hữu Đáy thuộc địa phận phường Bích Đào và xã Ninh Phúc.

Trong số 5 vụ vi phạm chưa xử lý xong, phải kể tới vi phạm của Tập đoàn Vissai Ninh Bình. Đơn vị này trong khoảng thời gian từ tháng 10 năm 2014 đến tháng 3 năm 2017, đã xây dựng cảng tại Km 20+360 đến KM 20+660, thuộc địa phận phường Bích Đào khi mới có văn bản thỏa thuận, chưa có Quyết định cấp phép của UBND tỉnh Ninh Bình; xây dựng một số hạng mục không có trong văn bản thỏa thuận của Bộ NN&PTNT; xây nhà bảo vệ.

Cũng tại phường Bích Đào, Công ty CP chế tạo máy Ninh Bình cũng tự ý xây cảng khi mới có văn bản thỏa thuận, chưa có Quyết định cấp phép của UBND tỉnh; xây dựng một số hạng mục không có trong văn bản thỏa thuận của Bộ NN&PTNT. Đơn vị này cũng đã đổ trụ bê tông để làm trạm cân; dựng hàng rào; đổ bê tông làm đường ray cổng tại chân đê; lắp đặt 3 phễu si lô rót hàng; xây nhà bảo vệ và dựng nhà khung thép di động…Tất cả các vi phạm trên xảy ra tại Km 20+615 đến Km 20+865, trong khoảng thời gian từ tháng 12 năm 2010 đến tháng 3 năm 2017.

Ninh Bình: Cần xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về đê điều

Vi phạm tại Tập đoàn Phúc Lộc

Nghiêm trọng hơn, tại xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình, Tập đoàn Phúc Lộc đã coi thường pháp luật, tự ý xây tường bao, xây chòi bát giác trong hành lang bảo vệ đê; xây nhà điều hành, trạm cân, lắp đặt trạm cân trên mặt đê; san lấp, tôn cao mặt bãi và đào móng xây trạm trộn bê tông; xây nhà bao che thiết bị trên cầu cảng không đúng với quyết định cấp phép; xây nhà 4 tầng và móng nhà bê tông trong hành lang bảo vệ đê điều…tại Km21+757 đến Km971, Km22+180 đến Km22+300, từ khoảng tháng 12 năm 2013 đến tháng 3 năm 2017.

Vi phạm pháp luật về đê điều không chỉ xảy ra trên địa bàn thành phố Ninh Bình, mà có không ít vụ đang tồn tại tại huyện Yên Khánh và một số huyện khác.

Theo số liệu mà PV có được, tính đến ngày cuối tháng 12 năm 2017, trên địa bàn huyện Kim Sơn đã xảy ra 6 vụ vi phạm, trong đó mới xử lý được 1 vụ. Các vi phạm chủ yếu như tập kết đất, gạch vỡ, than trong hành lang; tập kết cát, vật liệu xây dựng để kinh doanh trong hành lang bảo vệ đê…

Tại huyện Yên Khánh, xảy ra 39 vụ vi phạm pháp luật về đê điều, trong đó mới xử lý được 7 vụ. Đối tượng vi phạm chủ yếu là các doanh nghiệp trên địa bàn như Công ty CP đạm Ninh Bình (Công ty TNHH Tiến Hưng), doanh nghiệp tư nhân Phúc Long, Công ty CP – Tổng công ty xây dựng dịch vụ thương mại Hùng Vương, Công ty TNHH An Gia Bình, Công ty CP kinh doanh than miền bắc ViNaCoMin, doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường.

Ninh Bình: Cần xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về đê điều

Ninh Bình: Cần xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về đê điều

Vi phạm pháp luật về đê điều tại huyện Yên Khánh

Ngoài ra còn một số huyện như: huyện Yên Mô để xảy ra 6 vụ; huyện Hoa Lư xảy ra 7 vụ nhưng chưa xử lý được vụ nào; huyện Gia Viễn xảy ra 22 vụ, xử lý được 5 vụ...

Trước thực tế vi phạm pháp luật về đê điều xảy ra tại tỉnh Ninh Bình trong thời gian qua có thể thấy, mặc dù số vụ vi phạm xảy ra nhiều nhưng các cơ quan chức năng tỉnh mới chỉ xử lý được một số ít vụ việc đơn giản, điều đó khiến người dân đặt câu hỏi về việc coi thường pháp luật của các đối tượng vi phạm cũng như năng lực và sự buông lỏng trong quản lý của chính quyền địa phương.

Tại sao những vi phạm về pháp luật đê điều không được xử lý triệt để, phải chăng các cơ quan chức năng địa phương đang cố tình làm ngơ cho doanh nghiệp vi phạm hoặc "phạt cho có" để vi phạm tồn tại.... là những câu hỏi người dân đặt ra, rất cần câu trả lời từ các cấp có thẩm quyền của tỉnh Ninh Bình.

Trang Việt
Theo Công lý

Từ khóa: