Sự kiện hot
3 năm trước

Ninh Bình: Kết quả kiểm tra trong “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2021

Thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình đặc biệt quan tâm chỉ đạo, triển khai, thực hiện. Cùng với sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh và chính quyền các cấp đã được triển khai đồng bộ thông qua nhiều giải pháp nhằm đảm bảo ATTP trên địa bàn.

Theo đó, thực hiện Kế hoạch số 45/KH-BCĐ về triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2021 với chủ đề “Đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình bình thường mới”.

Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) được biết, toàn tỉnh Ninh Bình đã thành lập 305 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) do các ngành Y tế, Công thương, Nông nghiệp chủ trì cùng với sự phối hợp của ngành Công an, Mặt trận Tổ quốc... Từ ngày 15/4/2021 đến 15/5/2021, các đoàn đã tiến hành hoạt động kiểm tra. Kết quả đã tạo được dư luận tốt trong xã hội, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong lựa chọn và sử dụng thực phẩm.

Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và chuẩn bị cho công tác bầu cử, chỉ có 01/8 đơn vị (là thành phố Ninh Bình) tổ chức Hội nghị triển khai Tháng hành động, còn 7/8 huyện, thành phố đã triển khai khi giao ban định kỳ cơ quan; ngoài ra nhiều đoàn kiểm tra liên ngành đã không tiến hành kiểm tra cơ sở hoặc số cơ sở được kiểm tra còn ít so với kế hoạch đề ra.

Ảnh: Cục An toàn thực phẩm

Các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã ghi nhận đề xuất, kiến nghị của địa phương đối với các cơ quan quản lý ATTP tuyến trên (tập trung vào việc đề xuất bổ sung nhân lực cho các phòng Y tế, Nông nghiệp, Kinh tế hạ tầng; mở các tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tuyến huyện, xã; cấp kinh phí, trang thiết bị dụng cụ test nhanh cho hoạt động bảo đảm ATTP…);

Đồng thời đề nghị 8 huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý ATTP để phù hợp với tình hình địa phương và đạt hiệu quả cao hơn nữa (trọng tâm là công tác chỉ đạo đối với phòng, đơn vị chuyên môn, UBND tuyến xã; tăng cường hoạt động tuyên truyền về ATTP, hoạt động kiểm tra, hậu kiểm và kiên quyết xử lý vi phạm hành chính về ATTP đối với cơ sở có vi phạm; cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện và Bản cam kết bảo đảm ATTP theo phân cấp quản lý; bố trí/tăng cường nguồn kinh phí cho công tác quản lý về ATTP và xin trích lại kinh phí từ nguồn xử phạt vi phạm hành chính về ATTP...).

Kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo đảm ATTP tại cơ sở thực phẩm, tập trung vào các nhóm điều kiện, bao gồm: vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, người tham gia sản xuất, chế biến thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu, thực phẩm, nhãn mác bao bì sản phẩm.

Các Đoàn kiểm tra ở cả ba tuyến tiến hành kiểm tra 1.249 cơ sở thực phẩm, trong số 97 cơ sở được phát hiện có vi phạm về ATTP thì 46 cơ sở bị xử lý bằng hình thức phạt tiền với tổng số tiền phạt là 91.630.000đ; 51 cơ sở còn lại được các đoàn kiểm tra tuyến xã nhắc nhở và yêu cầu khắc phục; đồng thời các đoàn cũng đã tiêu hủy các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng,....

Các lỗi vi phạm chủ yếu phát hiện trong quá trình kiểm tra là: kinh doanh, lưu thông sản phẩm thực phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm hoặc đăng ký công bố sản phẩm mà không thực hiện công bố; vận chuyển sản phẩm động vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch từ tỉnh ngoài vào tiêu thụ; chưa thực hiện lưu mẫu thức ăn theo quy định; trang thiết bị bảo quản thực phẩm không đảm bảo; kinh doanh thực phẩm hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Nhìn chung các cơ sở thực phẩm đã nâng cao ý thức thực hiện các quy định về ATTP (có thủ tục hành chính theo quy định, có nâng cấp cải tạo cơ sở để cơ bản đáp ứng yêu cầu về các nhóm điều kiện ATTP…) đồng thời thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 phù hợp với điều kiện của đơn vị.

Qua việc triển khai "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính xác, đầy đủ, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm về ATTP nhằm đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc thực thi pháp luật về ATTP; đẩy mạnh công tác kiểm tra, hậu kiểm ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm nhằm giảm thiểu ngộ độc do thực phẩm không an toàn; nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP và giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn của các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kịp thời xử lý các sự cố mất ATTP.

Tạ Thành

Theo KTDU

Từ khóa: