Liên quan đến vấn đề giá thuốc của Việt Nam được đánh giá vẫn cao so với nhiều nước trong khu vực, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cơ quan này đang xây dựng tiêu chí để lựa chọn một số loại vật tư kỹ thuật cao, sử dụng nhiều, có giá trị lớn nhằm thí điểm đấu thầu thuốc tập trung. Sau khi xây dựng danh mục, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn cụ thể cho từng mặt hàng thuốc.
Nố lực giảm giá thuốc (Ảnh minh hoạ)
Cụ thể, theo Bộ trưởng Y tế, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã sửa đổi, bổ sung quy định về mua biệt dược gốc đã hết hạn bản quyền thông qua đấu thầu rộng rãi.
Để đảm bảo thuốc biệt dược gốc phục vụ nhu cầu điều trị, Bộ Y tế dự kiến thí điểm đàm phán giá thuốc biệt dược gốc hết hạn bảo hộ bằng độc quyền sáng chế. Nếu đàm phán giá không thành công sẽ đưa vào đấu thầu rộng rãi với thuốc nhóm 1 đã có nhiều số đăng ký, đáp ứng nhu cầu điều trị.
Liên quan tới vấn đề giảm tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc, ngày 8/9, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXHVN) cho biết cơ quan này đã có văn bản gửi Bộ Y tế về việc tạm thời thống nhất tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc năm 2018 tại các bệnh viện (BV). Theo đó, các BV từ tuyến Trung ương đến BV hạng 3 trực thuộc Sở Y tế đều phải giảm tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc trong tổng chi thuốc của cơ sở. Cụ thể, BHXH Việt Nam đề xuất các BV tuyến Trung ương trực thuộc Bộ Y tế, các BV trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ sở khám chữa bệnh tương đương giảm tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc tối đa bằng 30% tổng chi thuốc.
Đối với các BV hạng 1 trực thuộc Sở Y tế các tỉnh, TP và các cơ sở khám chữa bệnh tương đương: tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc không quá 25% so với tổng chi thuốc. Đối với các BV hạng 2 trực thuộc Sở Y tế các tỉnh, TP và các cơ sở khám chữa bệnh tương đương, tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc không quá 15% so với tổng chi thuốc. Các BV hạng 3 trực thuộc Sở Y tế các tỉnh, TP và các cơ sở khám chữa bệnh tương đương tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc không quá 4% so với tổng chi thuốc.
Đồng thời, BHXH Việt Nam đề nghị không sử dụng biệt dược gốc tại các cơ sở khám chữa bệnh hạng 4, trạm y tế xã, các cơ sở khám chữa bệnh không phân hạng. BHXHVN cũng đề nghị Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh về việc sử dụng biệt dược gốc không vượt quá tỷ lệ đã thống nhất, chỉ đạo việc kê đơn thay thế thuốc biệt dược đã hết hạn bản quyền bằng các thuốc Generic Nhóm 1 có nhiều số đăng ký đáp ứng yêu cầu điều trị tại các cơ sở y tế.
Để giảm giá thuốc, ngoài việc giảm tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc theo Bộ trưởng Y tế, Bộ này đã giao cho Trung tâm mua sắm thuốc quốc gia tổ chức đàm phán giá đối với các thuốc này theo lộ trình và kế hoạch thực hiện của Hội đồng đàm phán giá thuốc nhằm giúp tiết kiệm chi phí gói thầu thuốc biệt dược gốc. Đối với thuốc lưu hành trên thị trường, Bộ Y tế quản lý giá thuốc theo nguyên tắc cạnh tranh trên cơ sở công khai minh bạch bằng hình thức kê khai, niêm yết giá. “Bộ cũng đang xây dựng phần mềm quản lý đấu thầu thuốc - hóa chất, vật tư tiêu hao và trang thiết bị y tế.
Về quản lý giá thuốc, hiện việc đấu thầu tập trung đã gần đến giai đoạn cuối, bắt đầu vận dụng đàm phán giá”, Bộ trưởng Y tế nói. Về yêu cầu giảm giá thuốc, vừa qua Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có văn bản yêu cầu Bộ Y tế tăng cường quản lý giá thuốc, năm 2017 phải đạt mục tiêu giảm 10-15% giá thuốc, đặc biệt là giá thuốc đã hết bản quyền; kiểm soát chặt chẽ việc đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.
Được biết, theo số liệu sử dụng thuốc năm 2016, tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc trên cả nước ước tính chiếm khoảng 20%- 23% trên tổng chi phí thuốc. Tỷ lệ này tại một số bệnh viện tuyến trung ương chiếm tỷ lệ rất cao, cụ thể tại Bệnh viện Chợ Rẫy tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc là 45%, tại Bệnh viện Bạch Mai tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc là 50%.
Còn theo thông tin từ Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế hiện tại Việt Nam có 698 thuốc biệt dược gốc, trong đó, 447 thuốc hết hạn bảo hộ độc quyền. Đối với 447 thuốc hết hạn bảo hộ có 81 thuốc đã có từ 3 số đăng ký nhóm 1, 185 thuốc đã có 2 số đăng ký nhóm 1.
D Ngân
Theo Hải quan