Những tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với không ít khó khăn, đơn hàng sụt giảm, giá hàng hóa xuất khẩu giảm... Vì vậy, chuyển đổi sản xuất xanh, khai thác thị trường mới, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) là giải pháp để duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu.
Trong những tháng đầu năm, thị trường vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc khi phần lớn đơn hàng của các doanh nghiệp đều sụt giảm. Đơn hàng sụt giảm với phần lớn ngành xuất khẩu chủ lực, như đồ gỗ, dệt may, giày dép, thủy sản…, Thiếu vắng các đơn hàng xuất khẩu, cộng thêm xu hướng giảm giá hàng hóa đã khiến hoạt động thương mại của nước ta chậm lại trong những tháng đầu năm 2023.
Giảm mạnh nhất là các nhóm hàng xuất khẩu “tỷ USD”, như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 6,87 tỷ USD, giảm 13,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 6,4 tỷ USD, giảm 1,6%; hàng dệt may đạt 4,55 tỷ USD, giảm 19,6%; giày dép các loại đạt 2,76 tỷ USD, giảm 15,8%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 34,8%...
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, thị trường xuất khẩu chính của May 10 là châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, trong quý 1/2023 đã giảm 10% so với cùng kỳ. Thông thường, quý 2 và quý 3 thường là cao điểm của doanh nghiệp may mặc, nhưng hiện nay đơn hàng quý 2 đã giảm 20 -30%. Còn quý 3, các khách hàng đều có câu trả lời rất giống nhau, đó là chưa có thông tin và chờ lượng tồn kho giảm thì họ mới tính tiếp.
Ngay từ cuối 2022, ngành dệt may đã gặp khó khăn, đơn hàng và giá giảm sâu. Khó khăn đó kéo dài sang đầu năm 2023 và đến hết tháng 2/2023, các doanh nghiệp dệt may giảm 20% kim ngạch xuất khẩu. .
Năm 2023 cũng được đánh giá là cực kỳ khó khăn với xuất khẩu của ngành da giày, nhất là nửa đầu năm. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho hay, tình trạng suy giảm tiêu dùng tại Mỹ, EU - hai thị trường chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành chưa có dấu hiệu cải thiện.
Ngành thủy sản đã “ngấm đòn” sụt đơn hàng từ cuối năm 2022 và 2 tháng đầu năm. Tổng giá trị xuất khẩu thủy sản trong tháng 2/2023 dẫu hồi phục nhẹ, đạt 662 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng thị trường Mỹ và EU vẫn giảm tương ứng 35% và 8%. Xuất khẩu thủy sản trong 2 tháng đầu năm chủ yếu sang các thị trường Nhật Bản với 186 triệu USD, giảm 10,7%; Hoa Kỳ với 155 triệu USD, giảm 55,3%; Trung Quốc với 126 triệu USD, giảm 10,6%... so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục Hải Quan, tính trong 2 tháng/2023, tổng trị giá xuất khẩu đạt 49,64 tỷ USD, giảm 10% (tương ứng giảm 5,55 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hàng dệt may giảm 1,11 tỷ USD, tương ứng giảm 19,6%; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 868 triệu USD, tương ứng giảm 10,9%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 784 triệu USD, tương ứng giảm 31,8%; giày dép các loại giảm 525 triệu USD, tương ứng giảm 16%; thủy sản giảm 437 triệu USD, tương ứng giảm 29,1%; sắt thép các loại giảm 357 triệu USD, tương ứng giảm 25,7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, đứng trước khó khăn thay vì tập trung thị trường truyền thống thì doanh nghiệp nên khai thác các thị trường mới, thị trường ngách... để có đơn hàng sản xuất mới. Đặc biệt là cần khai thác những thị trường mà Việt Nam ký kết các FTA có hiệu lực để tận dụng ưu đãi về thuế quan.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho rằng, để vượt qua khó khăn, bản thân các doanh nghiệp cần đa dạng hoá từ nguồn cung cho đến thị trường xuất khẩu. Hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm các đối tác xuất khẩu nguyên phụ liệu trong khối thị trường có FTA.
Để đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các quốc gia xuất khẩu, ông Thân Đức Việt cho biết, May 10 đã chủ động thay đổi. “May 10 xác định sẽ là nhà sản xuất xanh, tập trung rất nhiều về tỷ trọng tăng trưởng sử dụng sản phẩm mang tính xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất để rút ngắn công đoạn, chi phí nguyên vật liệu, thời gian cho ra sản phẩm”.
Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, áp lực lạm phát và sức mua các nước lớn giảm... khiến các doanh nghiệp càng phải nỗ lực gia tăng tận dụng cơ hội từ FTA trong việc đa dạng hóa thị trường và tìm thị trường mới.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi phương thức sản xuất, thúc đẩy quản trị số, giải pháp tự chủ chuỗi cung ứng trong nước, đa dạng mặt hàng... để giúp Việt Nam xuất khẩu được sang 66 nước, vùng lãnh thổ. Đặc biệt, các chương trình phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn doanh nghiệp Việt Nam đã giúp giữ ổn định, phát triển, đồng thời thu hút các nhãn hàng chọn Việt Nam làm đối tác.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ đã và đang liên tục tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại hàng tháng để cung cấp các thông tin thị trường và tìm giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Bộ tiếp tục phát huy, nâng cao vai trò của các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong để phản ánh kịp thời những biến động của kinh tế thế giới và các chủ trương, chính sách mới của các nước sở tại, giúp các cơ quan nhà nước có những phản ứng chính sách kịp thời, định hướng sản xuất trong nước, giúp các doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp với tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện của các thị trường ngoài nước.
Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng sẽ nâng cao năng lực công tác phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện, tranh chấp thương mại, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt trong thương mại quốc tế.
Bảo An
Theo Kinh tế và đồ uống