Lợi nhuận của các ngân hàng năm 2011 tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên, nếu “tính đủ” việc trích lập dự phòng rủi ro cho nợ xấu, nhiều ngân hàng sẽ lãi ít hơn con số công bố.
Lợi nhuận của các ngân hàng năm 2011 tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên, nếu “tính đủ” việc trích lập dự phòng rủi ro cho nợ xấu, nhiều ngân hàng sẽ lãi ít hơn con số công bố.
Nợ xấu của hệ thống ngân hàng (NH) năm 2011 được công bố khoảng 3,39% trên tổng dư nợ, tăng cao hơn so với mức 2,19% năm 2010. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nếu tính theo thông lệ quốc tế, con số này sẽ xấp xỉ trên 10%. Vì vậy, phải cấp bách giải quyết nợ xấu trong năm 2012.
Mối lo từ nợ xấu bất động sản
Thị trường bất động sản đóng băng, tiềm ẩn rủi ro cho các ngân hàng
Năm 2012, thị trường bất động sản (BĐS) được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn. Nhiều doanh nghiệp (DN) BĐS đánh giá thị trường có thể phải “ngủ đông” hết 6 tháng đầu năm. Ông Nguyễn Văn Đực, Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, nhận xét hiện thị trường BĐS đang tiếp tục xuống dốc mà chưa thấy tín hiệu sáng sủa. vị này dự báo sẽ có nhiều DN phải bán bớt dự án để thu hồi vốn tiếp tục đầu tư hoặc bán cổ phần cho NH, nhà đầu tư nước ngoài…
Phần lớn DN BĐS nhận định thị trường có khả năng sáng sủa hơn từ giữa năm 2012 nếu lãi suất cho vay giảm xuống. Lãi suất cho vay hiện vẫn trên 20%/năm khiến cả DN, nhà đầu tư lẫn người dân có nhu cầu mua nhà không dám vay! Lãnh đạo một NH thương mại cổ phần nhận xét dư nợ tín dụng BĐS đến thời điểm này vẫn chưa giảm nhiều so với cuối năm 2011.
Thực tế, nhiều dự án dù đã giảm giá, bán tháo… nhưng vẫn ế ẩm. Giá BĐS được đẩy lên cao gấp 4 lần giá trị thực. Thanh khoản kém, các dự án tồn đọng không bán được… khiến chủ đầu tư không có tiền quay vòng trả nợ cho NH và nợ xấu trên thị trường này sẽ khó thu hồi trong một sớm một chiều.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng về tình hình thị trường BĐS cuối năm 2011, tổng dư nợ cho vay BĐS đến cuối tháng 9-2011 là 203.598 tỉ đồng, chiếm khoảng 9,25% tổng dư nợ của toàn hệ thống. Trong đó, dư nợ cho vay BĐS trung và dài hạn là 162.708 tỉ đồng, chiếm 79,92%. Nợ xấu lĩnh vực này khoảng trên 4%.
Phân loại nợ xấu, trích dự phòng rủi ro
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nếu tính đúng, tính đủ theo tiêu chuẩn quốc tế, nợ xấu của ngành NH không chỉ là con số hơn 3% mà sẽ vượt 10%. Theo tiêu chuẩn quốc tế, chẳng hạn NH có 100 đồng, cho vay 10 đồng nhưng không thu hồi được thì toàn bộ số tiền này được xem là nợ xấu và phải trích lập dự phòng rủi ro 100 đồng. Nhiều NH thương mại trong nước chỉ xem 10 đồng chưa thu hồi được là nợ xấu và trích lập dự phòng con số này. Hiện nay, mới có một vài NH thương mại phân loại nợ xấu theo đúng chuẩn quốc tế.
Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh, cho rằng thực tế hiện nay không ai biết nợ xấu của hệ thống NH là bao nhiêu. Vì vậy, điều quan trọng nhất là phải xác định được quy mô, tính chất của nợ xấu để phân loại, khoanh vùng rồi mới có hướng xử lý. Chẳng hạn, nếu nợ nhóm 5 phải trích lập dự phòng rủi ro 100% hoặc ngay các công trình đầu tư công cũng cần được phân loại nợ xấu. Nhiều công trình xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản, đầu tư công… vay vốn của NH thực hiện nhưng ngân sách chưa giải ngân hoặc chưa có vốn. Chủ đầu tư lúc này không trả nợ được NH nên đây cũng là nợ xấu cần phải tính.
Một góc độ khác của nợ xấu trong hệ thống NH chính là nợ xấu trên thị trường liên NH - nơi các tổ chức tín dụng vay mượn lẫn nhau. TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, cho rằng nợ xấu trên thị trường liên NH còn căng thẳng và cao hơn cả thị trường 1 (NH và dân cư). Một số NH yêu cầu các tổ chức tín dụng khác muốn vay vốn của mình phải có tài sản bảo đảm, thế chấp, một điều chưa từng xảy ra trước đây.
Vì vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần cấp bách xử lý nợ xấu trong năm 2012. “Chính phủ có đủ khả năng can thiệp hỗ trợ các NH xử lý nợ xấu trên thị trường liên NH. Điều đáng lo là thị trường BĐS nếu tiếp tục khó khăn sẽ gia tăng nợ xấu cho NH. Vì vậy phục hồi thị trường BĐS trong ngắn hạn còn là giải pháp cần thiết cho NH” - TS Lê Xuân Nghĩa nhận định.
Theo Nguoi lao dong