Việt Nam hiện có 3 tổ chức tổ chức tài chính vi mô, bao gồm tổ chức tài chính vi mô Tình thương, tổ chức tài chính vi mô M7 và tổ chức tài chính vi mô Thanh Hóa.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Kết quả giám sát và báo cáo của hai tổ chức tài chính vi mô cho thấy, tổng vốn chủ sở hữu đạt gần 239 tỷ đồng; tổng tiền gửi hơn 439 tỷ đồng; tổng dư nợ hơn 787 tỷ đồng. Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức này khá thấp, đạt 0,01%, tương đương 75,2 triệu đồng.
Thông tin này được ông Phạm Huyền Anh, Vụ trưởng Vụ chính sách an toàn hoạt động ngân hàng cung cấp tại buổi tọa đàm “Minh bạch thông tin và khuôn khổ pháp lý pháp triển tài chính vi mô ở Việt Nam”, do Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) và Trung tâm Tư vấn Nguồn lực Tài chính vi mô phối hợp tổ chức chiều ngày 11/12, tại Hà Nội.
Cũng theo ông Phạm Huyền Anh, kết quả sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định 2195 (Về xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô ở Việt Nam đến năm 2020) đã có 75 chương trình, dự án tài chính vi mô tại 23 tỉnh, thành phố; tổng vốn chủ sở hữu đạt 1.374 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 2.123 tỷ đồng, tổng dư nợ là 1.986 tỷ đồng và khách hàng là 782.076 hộ gia đình.
Đánh giá về thực trạng khung pháp lý của hoạt động tài chính vi mô, ông Phạm Huyền Anh cho biết, quy định pháp luật về thành lập, quản lý, giám sát tổ chức tài chính vi mô và chương trình, dự án tài chính vi mô cơ bản đã đầy đủ, phù hợp.
Tuy nhiên, một số quy định hiện không còn phù hợp với thực tiễn. Hiện chưa có quy định đồng bộ về hoạt động và quản lý, giám sát hoạt động của các loại hình tổ chức hoạt động tài chính vi mô; chưa có một tổ chức đầu mối quản lý thống nhất; chưa có tổ chức hiệp hội tài chính vi mô làm đầu mối hỗ trợ đào tạo, tư vấn các chương trình, dự án tài chính vi mô một cách có hệ thống.
Bên cạnh đó, chính sách tài chính, chính sách thuế chưa hợp lý. Hoạt động chủ yếu là hoạt động cho vay. Một số dịch vụ cơ bản của tài chính vi mô như lương hưu, chuyển tiền, bảo hiểm chưa phát triển, còn sơ khai và chưa theo đúng thông lệ.
Do đó, để hoạt động tài chính vi mô tại Việt Nam phát triển hơn nữa, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất Chính phủ, các Bộ, ngành cần hoàn thiện khung pháp lý một cách đồng bộ, phù hợp bản chất, đặc thù tài chính vi mô. Nâng cao năng lực tài chính, quản trị hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô, chương trình, dự án tài chính vi mô nhằm thúc đẩy ngành tài chính vi mô phát triển, góp phần xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội.
Nhằm ghi nhận các khách hàng và tổ chức tài chính vi mô tiêu biểu đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành tài chính vi mô Việt Nam, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, Ngân hàng Nhà nước đã công nhận những đóng góp của 360 khách hàng tài chính vi mô, 114 cán bộ tín dụng xuất sắc và 56 tổ chức tài chính vi mô tiêu biểu tại Việt Nam.
Thúy Hà
theo Vietnam+