Tập đoàn Hoàn Cầu nợ Sacombank 2.600 tỷ không trả. Trong khi đó nếu tính đủ, tỷ lệ nợ xấu của Nam Á Bank có thể lên đến 20%.
Tập đoàn danh tiếng và khoản nợ xấu nghìn tỷ
Công ty Quản lý Tài sản của các Tổ chức tín dụng (VAMC) vừa thông báo tìm kiếm đơn vị thẩm định giá khoản nợ xấu của CTCP Hoàn Cầu Khánh Hoà và Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang, qua đó hé lộ khoản nợ xấu khổng lồ của Tập đoàn Hoàn Cầu tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).
Cụ thể, hai thành viên của Tập đoàn Hoàn Cầu ngày 20/12/2014 đã ký các hợp đồng bảo đảm với Sacombank, thế chấp 8 thửa đất tại P. Tân Thuận Tân và P. Bình Thuận, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh để vay tổng cộng 2.400 tỷ đồng.
Trong đó, CTCP Hoàn Cầu Khánh Hoà (tên cũ: Công ty TNHH Hoàn Cầu Khánh Hoà) dư nợ gốc 1.300 tỷ đồng, lãi phí là 84,15 tỷ đồng; Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang có nợ gốc 1.100 tỷ đồng, lãi phải thu 93,05 tỷ đồng. Mục đích khoản vay là để xây chung cư kết hợp trung tâm thương mại.
Việc đánh đổi danh tiếng gần ba thập kỷ, không thanh toán (nổi) khoản nợ gần 2.600 tỷ đồng phần nào phản ánh sự xuống dốc của tập đoàn nổi tiếng gắn liền với gia đình cố nữ doanh nhân Trần Thị Hường, hay còn được biết đến với tên gọi bà Tư Hường, người vừa qua đời cách đây không lâu.
Hoàn Cầu là một tập đoàn kinh doanh đa ngành nghề được bà Tư Hường thành lập vào năm 1993, đến nay đã có 28 công ty thành viên khắp cả nước, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản.
Trong đó, đứng vai trò trung tâm là Công ty TNHH Hoàn Cầu có vốn điều lệ 1.170 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Chấn, phu quân bà Tư Hường, chiếm 90%.
Liên quan tới hai pháp nhân trực tiếp "bùng" nợ Sacombank, CTCP Hoàn Cầu Khánh Hoà được thành lập năm 2010, có vốn điều lệ 157 tỷ đồng. Trong khi đó, Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang được thành lập từ năm 2003. Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cấp ngày 14/11/2016, Công ty có vốn điều lệ 774 tỷ đồng, ông Nguyễn Chấn sở hữu 91,6%.
Chỉ trong vài ngày giữa tháng 11/2016, bà Tư Hường đã chuyển toàn bộ phần vốn góp lại Công ty TNHH Hoàn Cầu với Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang (lần lượt là 38,21% và 61,81%) cho chồng mình.
Bức tranh xám màu tại Nam Á Bank
Không chỉ Hoàn Cầu, một pháp nhân khác có quan hệ mật thiết với tập đoàn này là Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam Á Bank) cũng cho thấy những dấu hiệu tiêu cực.
Nam Á Bank là một trong những "bé hạt tiêu" trong hệ thống các tổ chức tín dụng, với tổng tài sản tới cuối năm 2016 ở mức 42.852 tỷ đồng, vốn điều lệ 3.021 tỷ đồng, chỉ nhỉnh hơn vốn pháp định (3.000 tỷ đồng).
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016, dù thu nhập lãi thuần tăng lên 3.211 tỷ đồng, song chi phí hoạt động cũng bật mạnh khiến lãi sau thuế co về chỉ còn 33 tỷ đồng, giảm tới 83% so với năm 2015. Tỷ suất lãi trên vốn điều lệ theo đó vỏn vẹn ở mức 1,1% (cùng kỳ là 6,4%).
Dù vậy, kết quả kinh doanh lao dốc chưa phải là nỗi ám ảnh lớn nhất của Nam Á Bank, mà phải là khối nợ xấu khổng lồ đang tăng rất nhanh.
Tại ngày 31/12/2016, tổng dư nợ quá hạn các nhóm 2,3,4,5 của Nam Á Bank tăng mạnh lên 3.159 tỷ đồng, gấp 5 lần thời điểm đầu năm (647 tỷ đồng). Trong đó số dư nợ xấu (các nhóm 3,4,5) là 706 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu 2,94% (đầu năm là 0,92%).
Ngoài ra, dư nợ xấu của Nam Á Bank bán cho VAMC đã tăng tới 12 lần trong năm 2016, từ 333 tỷ đồng lên 3.995 tỷ đồng.
Nếu tính cả trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành thì tỷ lệ nợ xấu tới cuối năm 2016 của Nam Á Bank có thể lên tới 20%, một con số báo động.
Đáng lo ngại hơn nữa, Nam Á Bank hầu như chưa dự phòng cho số nợ xấu này, với số dư tới cuối năm 2016 chỉ là 63 tỷ đồng, trong khi theo quy định phải trích lập ít nhất 10% giá trị trái phiếu đặc biệt mỗi năm, tương đương gần 400 tỷ đồng, mà đó là trong trường hợp Nam Á Bank không còn nợ xấu để bán.
Năm 2017 và các năm tiếp theo, nếu tình hình kinh doanh không nhanh chóng cải thiện, việc Nam Á Bank thua lỗ hàng trăm tỷ đồng sẽ không phải là điều bất ngờ.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng lo ngại này của ngân hàng 25 năm tuổi không gì khác ngoài “say máu” cho vay bất động sản, với số dư tới cuối năm 2016 là gần 8.000 tỷ đồng, tương đương 1/3 tổng dư nợ.
Có khoản tín dụng bất động sản được Nam Á Bank cho vay theo kiểu “đem con bỏ chợ”, chưa thu được lãi đã phải trích lập. Đơn cử, nhà băng này cuối tháng 11/2016 đã mua 258,4 tỷ đồng trái phiếu của Công ty TNHH Liên doanh Hà Nội Westgate (chủ đầu tư dự án khu đô thị 50 ha Hanoi Westgate tại Quốc Oai, Hà Nội), tuy nhiên tới cuối năm 2016 đã phải trích lập dự phòng 2 tỷ đồng cho khoản đầu tư trên.
Báo cáo tài chính cho thấy các bên liên quan với hội đồng quản trị và ban điều hành của Nam Á Bank (chủ yếu là các thành viên Tập đoàn Hoàn Cầu) có quan hệ tín dụng khăng khít với ngân hàng này, với dòng tiền lưu chuyển lên tới trên 10.000 tỷ đồng mỗi năm, số dư vay nợ tới cuối năm 2016 là gần 1.400 tỷ đồng.
Theo bản cáo bạch phát hành năm 2015, Chủ tịch HĐQT ông Nguyễn Quốc Toàn (con trai bà Tư Hường) cùng người có liên quan sở hữu 11,63% vốn của Nam Á Bank. Công ty TNHH Rồng Thái Bình Dương (nơi ông Nguyễn Quốc Toàn từng giữ chức Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc) cùng người liên quan nắm giữ thêm 15,26%.
Hiện nay, ông Nguyễn Quốc Toàn là Chủ tịch HĐQT Nam Á Bank, em trai là ông Nguyễn Quốc Mỹ giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT, em gái là bà Nguyễn Thị Xuân Thuỷ là Phó Tổng giám đốc. Nhiều chức vụ quan trọng khác cũng được giao cho những người đã có thời gian dài gắn bó với Tập đoàn Hoàn Cầu.
Nghi Điền
Theo Nhà Đầu Tư