Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) vừa được Quốc hội thông qua và các thảo luận xung quanh nó chủ yếu tập trung xử lý vấn đề từ góc nhìn kỹ thuật ở cấp độ ngân hàng thương mại (NHTM) mà quên mất rằng căn nguyên nợ xấu ở Việt Nam xuất phát trước hết từ chính những yếu kém, bất cập về quản trị ở cấp độ hệ thống.
Căn nguyên nợ xấu ở Việt Nam xuất phát trước hết từ chính những yếu kém, bất cập về quản trị ở cấp độ hệ thống. Ảnh: NGUYỄN NAM
Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) vừa được Quốc hội thông qua và các thảo luận xung quanh nó chủ yếu tập trung xử lý vấn đề từ góc nhìn kỹ thuật ở cấp độ ngân hàng thương mại (NHTM) mà quên mất rằng căn nguyên nợ xấu ở Việt Nam xuất phát trước hết từ chính những yếu kém, bất cập về quản trị ở cấp độ hệ thống.
Nghị quyết trên có thời hạn thực hiện năm năm, kể từ ngày 15-8-2017 (thời điểm nghị quyết bắt đầu có hiệu lực cũng là thời điểm chốt sổ các khoản nợ xấu được xử lý theo quy định ở nghị quyết đặc biệt này).
Không thể không đối diện sự thật
Thời điểm 15-8-2017 được chốt trong nghị quyết có thể vẫn còn gây tranh luận nhưng việc xác định một điểm mốc thời gian đối với các món nợ xấu thuộc diện xử lý đặc biệt là cần thiết. Dẫu nợ xấu nào cũng là nợ xấu và không có ngân hàng nào không có nợ xấu, nhưng vấn đề cần quan tâm là mức độ và tốc độ gia tăng nợ xấu, cũng như nguồn gốc nợ xấu cần được nhận diện rõ ràng và có biện pháp can thiệp kịp thời. Xử lý nợ xấu không phải chỉ ở việc đối phó với số nợ xấu tích lũy cho đến thời điểm hiện tại, mà quan trọng hơn là hình thành chính sách quản trị, xử lý nợ xấu hiệu quả trong tương lai bằng cách “phát tín hiệu” một cách nhất quán về chế tài nghiêm minh đối với các cá nhân, tổ chức liên quan tới thị trường tài chính.
Đây có thể coi là cơ hội để đội ngũ lãnh đạo mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) làm rõ thực trạng nợ xấu, xác định rõ nguyên do lịch sử của số nợ xấu này và xử lý một cách triệt để, thay vì né tránh trách nhiệm, thậm chí hỗ trợ các TCTD che giấu nợ dẫn đến tình trạng nợ xấu càng lúc càng thiếu minh bạch, ngày một tăng thêm theo cơ chế Ponzi (một dạng đa cấp lừa đảo, lấy của người sau trả cho người trước). Mặc dù được coi là căn bệnh trầm kha của hệ thống tài chính, được nhắc đến trong rất nhiều nghị quyết, nghị định, đề án chính sách tái cấu trúc các TCTD, nhưng cho tới nay đa số các báo cáo và thông điệp chính sách chưa nhận diện được rõ ràng và đầy đủ về nợ xấu, chưa nhìn nhận đúng bản chất và thực trạng nợ xấu cũng như nguyên nhân phát sinh nợ xấu, và vì thế chưa có cách tiếp cận xử lý nợ xấu một cách thực chất, hiệu quả.
Con số 600.000 tỉ đồng nợ xấu (tương đương 10,08% tổng dư nợ vào cuối năm 2016) mà Thống đốc NHNN mới công bố cũng chỉ là một con số ước chừng, trong đó chưa làm rõ nợ xấu phân loại theo nhóm ngành ra sao, phân bổ ở những ngân hàng nào, phân chia theo nguyên nhân và thời điểm hình thành nợ xấu, có hay không có tài sản bảo đảm và tài sản bảo đảm thuộc thể loại gì... Ngay như khi nói 6,3% trong tổng nợ xấu là thuộc về doanh nghiệp nhà nước, nếu theo Luật Doanh nghiệp sửa đổi từ năm 2014 thì ở đây mới chỉ đề cập đến doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Như vậy, 64% tổng nợ xấu thuộc doanh nghiệp ngoài quốc doanh (theo công bố của Thống đốc NHNN tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi) có bao nhiêu là các doanh nghiệp có vốn nhà nước thì chưa rõ ràng.
Nếu tiếp tục đổ lỗi nguyên nhân nợ xấu do yếu tố khách quan thị trường thế giới hay năng lực, nhận thức của một số cá nhân, tổ chức mà không nhìn trực diện vào nguyên nhân mang tính hệ thống căn cơ thì nợ xấu sẽ lại tiếp tục được tái tạo với quy mô lớn hơn và hình thức phức tạp hơn trước.
Căn nguyên của nợ xấu từ góc nhìn quản trị
Chỉ khi công nhận căn nguyên nợ xấu xuất phát từ quản trị nhà nước trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng thì mới có thể bàn đến giải pháp phù hợp nhằm quản lý và xử lý nợ xấu hiệu quả, tái cấu trúc và phát triển hệ thống tín dụng lành mạnh.Box phải
Nhìn từ góc độ quản trị, những nguyên nhân căn cơ này không chỉ nằm ở quản trị nội bộ của các ngân hàng thương mại (NHTM), mà xuất phát trước tiên từ những yếu kém về quản trị quốc gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Từ phía Chính phủ, những chính sách thúc đẩy tăng trưởng nóng trong giai đoạn 2006-2010 đòi hỏi tốc độ tăng trưởng tín dụng cao trong khi năng lực hấp thụ vốn không tương thích, quan hệ tín dụng không dựa trên nguyên tắc thị trường là nguyên nhân căn bản nhất dẫn đến phát sinh nợ xấu. Vinashin, Vinalines, hay 12 dự án ngàn tỉ thua lỗ, đắp chiếu... là một số ví dụ điển hình.
Ở cấp độ của NHNN, những chính sách mang nặng tính chủ quan, hành chính như Nghị định 141 về tăng vốn điều lệ, chính sách áp đặt trần lãi suất đi ngược quy luật thị trường tín dụng, chính sách lãi suất cơ bản xa rời nhịp sống thật của thị trường tiền tệ, tín dụng... cũng góp phần không nhỏ hình thành tình trạng sở hữu chồng chéo và nợ xấu. Trong chưa đầy 10 năm (từ 2005-2012), có những ngân hàng có vốn điều lệ tăng hơn 220 lần (Ngân hàng Mekong, Đại Dương, Tín Nghĩa), thậm chí có ngân hàng vốn điều lệ tăng 600 lần (Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex).
Cứ mỗi đồng vốn chủ sở hữu bỏ ra thì ngân hàng huy động thêm trung bình 15-20 đồng từ các nguồn khác để đảm bảo hiệu quả tài chính cho chủ sở hữu (ROE). Tăng vốn điều lệ nhanh chóng dẫn đến sức ép tương ứng trong việc làm đẹp báo cáo tài chính, huy động tiền gửi và cho vay dẫn đến hình thành hàng loạt sai phạm nghiêm trọng của các cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, từ việc tăng vốn ảo, tăng huy động và dư nợ ảo đến những khoản chi ngoài lãi suất chăm sóc khách hàng, những vi phạm trong quá trình xét duyệt tín dụng...
Trong khi đó, vai trò giám sát của NHNN về cơ bản lại bị vô hiệu. Mặc dù có yếu tố hạn chế về năng lực và nhân sự, nhưng trước hết nguyên nhân là do thiếu động cơ thúc đẩy NHNN thực hiện tốt vai trò giám sát. Vốn dĩ đã không hoàn toàn độc lập, NHNN lại vừa giữ vai trò cơ quan nhà nước điều tiết, giám sát các TCTD, vừa đại diện vốn nhà nước trong một số NHTM, do đó những xung đột lợi ích chồng chất dẫn đến hệ quả tất yếu là một số chính sách thiếu nhất quán, mang tính hành chính và hình thức.
Ngay cả để ứng phó trong bối cảnh khủng hoảng, trong tình trạng biến động mạnh của thị trường nhằm duy trì niềm tin và đảm bảo ổn định xã hội, ít nhất Chính phủ và NHNN phải nắm rõ thực trạng hệ thống tài chính. Thế nhưng, trong nhiều năm trước, cơ sở hạ tầng dữ liệu, chuẩn mực kế toán và chính sách quản trị thông tin, quản trị rủi ro chưa được triển khai chặt chẽ dẫn đến nhiều trường hợp bất cập của hệ thống tài chính nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. Trong dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu, việc đánh giá thực trạng một TCTD yếu kém cần tới sáu tháng, điều này cho thấy rõ sự bất cập của NHNN trong việc cập nhật thông tin và kiểm soát tình hình hệ thống. Hay khi đánh giá lại hệ số an toàn vốn (CAR) thì hệ số CAR của bốn NHTM nhà nước trong nhóm thí điểm giảm từ mức trên 9% theo Thông tư 13 xuống chỉ còn dưới 8% theo chuẩn mực quốc tế Basel II.
Tóm lại, trong bối cảnh một ngân hàng trung ương (NHNN) thiếu độc lập, đa nhiệm, đa mục tiêu, xung đột lợi ích và thiếu cơ sở hạ tầng thông tin cập nhật, các chính sách điều tiết giám sát quản trị hệ thống tài chính ngân hàng đã thúc đẩy gia tăng rủi ro đạo đức từ cả các TCTD lẫn bên sử dụng vốn vay, hình thành những biến tướng thị trường và rủi ro khôn lường, vượt tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Chỉ khi công nhận căn nguyên nợ xấu xuất phát từ quản trị nhà nước trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng thì mới có thể bàn đến giải pháp phù hợp nhằm quản lý và xử lý nợ xấu hiệu quả, tái cấu trúc và phát triển hệ thống tín dụng lành mạnh.
(*) Khoa Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam
TS. Trần Thị Quế Giang*
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn