Sự kiện hot
11 năm trước

Nợ xấu sẽ được xử lý hiệu quả

Từ ngày 16/9/2013, Thông tư 19 và Thông tư 20/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ có hiệu lực. Đây là cơ sở pháp lý cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thực hiện tốt việc mua, bán nợ của các tổ chức tín dụng.

Từ ngày 16/9/2013, Thông tư 19 và Thông tư 20/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ có hiệu lực. Đây là cơ sở pháp lý cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thực hiện tốt việc mua, bán nợ của các tổ chức tín dụng.


Với Thông tư 19 và Thông tư 20, nợ xấu được hy vọng sẽ được xử lý hiệu quả.
Ảnh minh họa: Internet

Điểm trọng tâm của Thông tư 19 là: Trái phiếu đặc biệt được phát hành có giá trị tương ứng với một khoản nợ xấu được mua, bán. Nếu khoản nợ xấu được mua, bán là khoản cấp tín dụng hợp vốn thì VAMC phát hành trái phiếu đặc biệt cho từng tổ chức tín dụng tham gia cấp tín dụng hợp vốn tương ứng với giá trị ghi sổ số dư nợ gốc của khoản nợ xấu sau khi khấu trừ số tiền dự phòng. Cụ thể: Số tiền này đã trích lập chưa sử dụng cho khoản nợ xấu đó và đang được theo dõi tại tổ chức tín dụng tham gia cấp tín dụng hợp vốn. Theo dự kiến, VAMC sẽ phát hành 30 ngàn tỷ đồng trái phiếu chia làm 3 đợt, mỗi đợt 10 ngàn tỷ đồng.

VAMC sẽ mua nợ xấu trong hoạt động cấp tín dụng như: Cho vay, cho thuê tài chính, chiết khấu và các khoản nợ xấu khác theo quy định của NHNN. Đối với các cá nhân nợ, mức nợ không thấp hơn 1 tỷ đồng; đối với các tổ chức nợ, mức nợ tối thểu là 3 tỷ đồng.

Nhóm đối tượng bắt buộc phải bán nợ xấu: Các tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu từ 3% trở lên so với tổng dư nợ. Nếu tổ chức thuộc nhóm này “chống đối”, NHNN sẽ áp dụng các biện pháp quy định tại khoản 5 Điều 14 Nghị định 53/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể: Dựa trên kết quả thanh tra, kiểm toán độc lập, định giá, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng phải bán nợ, nếu “chống đối” thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm nợ xấu chỉ được nằm trong giới hạn cho phép.

Ngoài quy định về nợ được bán và phải bán nêu trên, Thông tư 19 còn quy định VAMC phải trích lập dự phòng rủi ro. Cụ thể: Tổ chức tín dụng bán nợ phải trích lập dự phòng rủi ro đối với trái phiếu đặc biệt và chi phí hoạt động với mức 20% vốn an toàn tối thiểu của tổ chức tín dụng đó.

Nếu Thông tư 19 là cơ sở pháp lý cho mua, bán nợ xấu, thì Thông tư 20 là cơ sở pháp lý hỗ trợ nguồn vốn cho các tổ chức tín dụng. Cụ thể: Trong quá trình xử lý nợ xấu không áp dụng với các tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài, tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt. Mức tái cấp vốn không vượt quá 70% so với mệnh giá trái phiếu đặc biệt.

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, một cán bộ của Hiệp hội Ngân hàng cho biết: Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm đến các khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam. Họ sẵn sàng nhào vô khi đủ điều kiện. Thời gian qua cũng như hiện tại đã có một số tổ chức tín dụng trong nước đã chủ động tìm đến VAMC để đề nghị bán các khoản nợ xấu. Khi Thông tư 19 và 20 có hiệu lực thì guồng máy mua, bán nợ xấu của VAMC sẽ được vận hành và có hiệu quả, đó là thu hồi được nợ và sinh lời từ nợ. Các nước trong khu vực châu Á cũng đã từng làm và đang làm, chứ không riêng gì ở Việt Nam.

Thế Lữ
theo Thanh tra

Từ khóa: