Sự kiện hot
12 năm trước

Nợ xấu - vấn đề nan giải

Năm 2012 vừa đi qua và kéo theo nhiều vấn đề nan giải cho nền kinh tế Việt Nam trong 2013. Một trong số đó là nợ xấu. Nợ xấu là các khoản nợ khó thu hồi, có khả năng tổn thất, thậm chí mất trắng.

Năm 2012 vừa đi qua và kéo theo nhiều vấn đề nan giải cho nền kinh tế Việt Nam trong 2013. Một trong số đó là nợ xấu. Nợ xấu là các khoản nợ khó thu hồi, có khả năng tổn thất, thậm chí mất trắng.

Nợ có thể là nợ thương mại khi người mua nợ người bán. Thí dụ, người bán chấp nhận cho người mua trả chậm một phần, hay toàn bộ; người mua có hợp đồng xây dựng và chỉ trả tiền khi nhà thầu xây dựng (người bán) làm xong công trình. Đấy là việc bình thường. Nhưng khi người mua không trả được cho người bán thì khoản nợ có thể biến thành quá hạn hay nợ xấu.

Năm 2011 các chính quyền địa phương đã nợ các doanh nghiệp 91.273 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Cuối 2012, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư cho Quốc hội biết số nợ đọng này đã giảm xuống 85.000 tỷ đồng. Đó là một khoản nợ "thương mại" đã quá hạn hơn một năm và trở thành nợ xấu. Khó biết tổng nợ xấu thương mại là bao nhiêu, nhưng chung cuộc chúng liên quan đến nợ xấu của hệ thống ngân hàng.


Giải quyết vấn đề nợ xấu cần rất nhiều thời gian.

Các ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp và nhà nước vay để sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Khi người vay không trả được nợ đúng hạn, nợ biến thành nợ quá hạn. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phân loại nợ thành 5 nhóm: (1) nợ đủ tiêu chuẩn và quá hạn dưới 10 ngày; (2) nợ cần chú ý, bị quá hạn từ 10 - 29 ngày; (3) nợ dưới chuẩn (gồm nợ quá hạn từ 30 - 89 ngày, đã được cơ cấu lại…); (4) nợ nghi ngờ mất vốn (đã quá hạn từ 90 - 180 ngày, đã tái cơ cấu mà vẫn quá hạn...); (5) nợ có khả năng mất vốn (quá hạn hơn 180 ngày, đã cơ cấu lại mà vẫn quá hạn...). Nợ xấu được định nghĩa là tổng các khoản nợ thuộc nhóm (3) đến nhóm (5). Nó biến động hàng ngày hàng giờ, nhưng tại mỗi thời điểm nó là một con số xác định.

Các doanh nghiệp ở Việt Nam chủ yếu sử dụng vốn vay ngân hàng để hoạt động và khi họ không có khả năng trả, thí dụ vì rủi ro kinh doanh hay bị khách hàng chậm trả nợ thương mại (như khoản hơn 91 ngàn tỷ nói trên), thì họ gây ra nợ quá hạn hay nợ xấu ngân hàng. Như thế một phần lớn, nếu không nói là tất cả, khoản nợ xấu 91 nghìn tỷ mà chính quyền không trả các doanh nghiệp chắc chắn đã biến thành nợ xấu ngân hàng (bằng gần một nửa số nợ xấu 202 nghìn tỷ mà Ngân hàng Nhà nước cho biết khi đó).

Tổng nợ xấu của hệ thống ngân hàng là bao nhiêu tại một thời điểm? Lý ra Ngân hàng Nhà nước biết chính xác con số này. Tuy vậy, các ngân hàng thương mại thường báo cáo không hết số nợ xấu. Việc kiểm tra, đo lường của Ngân hàng Nhà nước chưa tốt và lại hiếm công bố cho nên ít ai biết nợ xấu là bao nhiêu, thí dụ vào 31.12.2012.

Có những ước lượng khác nhau. Ngày 21.8.2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết nợ xấu là 8,8%. Tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng năm 2011 là gần 2,6 triệu tỷ đồng. Số liệu năm 2012 cũng khoảng 2,6 triệu tỷ. Nếu đúng nợ xấu là 8,8% thì nợ xấu vào cuối 2012 là khoảng 229 ngàn tỷ đồng (khoảng 10 tỷ USD). Con số ước lượng của các chuyên gia và các tổ chức quốc tế cao hơn.

Theo Bộ Tài chính, cuối 2011 tổng nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 1.292.400 tỷ đồng. Tổng nợ của các doanh nghiệp nhà nước hẳn lớn hơn 1,3 triệu tỷ (nếu trừ nợ nước ngoài đi, thì cũng vẫn chiếm khoảng 50% tổng tín dụng trong nước).

Có thể thấy chính quyền (với nợ đọng 91 nghìn tỷ) và các doanh nghiệp nhà nước đã "đóng góp" lớn trong việc gây ra tình hình nợ xấu nghiêm trọng hiện nay.

Tùy loại nợ, các ngân hàng phải lập dự phòng để bù cho các khoản thất thoát. Nếu lập dự phòng đủ, ngân hàng thương mại tự giải quyết được nợ xấu (nhưng lợi nhuận giảm, vì thế chúng thường không báo cáo đủ nợ xấu). Với cú sốc bên ngoài (thí dụ, cú 91 nghìn tỷ nợ đọng) thì nợ xấu có thể lây lan nhanh chóng trong nền kinh tế. Và chặn sự lây lan làm tê liệt hệ thống ngân hàng và nền kinh tế là việc cấp bách.

Nợ xấu có thể thu hồi được 100%, hoặc ít hơn, thậm chí mất trắng. Tỷ lệ tổn thất có thể lên đến 60% tổng nợ xấu. Với 60%, cần cỡ 6-10 tỷ USD tùy theo ước lượng để xử lý nợ xấu. Giải quyết nó cần thời gian và khá nan giải. Về mặt kỹ thuật không quá khó, nhưng các vấn đề khác (như doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công, sự can thiệp của các nhóm đặc lợi) làm cho vấn đề thực sự khó. Không giải quyết các vấn đề cốt lõi đó thì nợ xấu trở thành vấn đề nan giải mãi mãi.

theo Dân Việt

Từ khóa: