Nhóm cổ đông đại diện 28% vốn Địa ốc Dầu khí (Mã: PVL) muốn bãi miễn HĐQT nhưng đề nghị này bị HĐQT đương nhiệm gạt bỏ, trong bối cảnh ĐHCĐ bị lùi đến 25/6.
Cổ đông lớn muốn thay HĐQT
Đại hội cổ đông thường niên CTCP Địa ốc Dầu khí (Mã: PVL) mới đây phải lùi lại thời hạn tổ chức đến ngày 25/6. Nhóm cổ đông đại diện 28% vốn điều lệ Công ty gây chú ý bằng việc mong muốn bổ sung đơn đề nghị bãi miễn HĐQT đương nhiệm vào tài liệu họp cổ đông.
Nhóm cổ đông trên cho rằng, việc Công ty chỉ thực hiện chưa được 1% doanh thu theo Nghị quyết Đại hội cổ đông 2016 và hầu hết không đạt 60% các chỉ tiêu khác theo Nghị quyết 2016, dẫn đến hiệu quả hoạt động kinh doanh ngày càng bết bát, khả năng phục hồi công ty mờ mịt.
Thêm nữa, cổ phiếu PVL bị đưa vào diện bị kiểm soát, hạn chế giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Đây là lý do nhóm cổ đông đánh giá cần nhanh chóng thay đổi bộ máy HĐQT, lãnh đạo công ty càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, tài liệu này đã bị HĐQT PVL gạt bỏ.
Phản hồi kiến nghị này, HĐQT cho rằng kiến nghị không có cơ sở, không đáp ứng các quy định của pháp luật liên quan và điều lệ công ty. Đồng thời, HĐQT thấy lý do kiến nghị sai sự thật, bịa đặt và vu khống với ý đồ xấu, phủ nhận công sức, trách nhiệm và thành quả hoạt động của HĐQT.
Do đó, HĐQT không chấp thuận các kiến nghị trên, không đưa vào chương trình họp ĐHCĐ thường niên năm nay.
Ở quan điểm trung lập, chúng tôi nhìn nhận lại quá trình hoạt động trong 3 năm cải tổ của PVL với ban lãnh đạo hiện tại.
PVL năm 2014 - “một sợi tóc gánh ngàn cân”
Trước năm 2014 tình trạng hoạt động của PVL vô cùng khó khăn, ban lãnh đạo PVL nhấn mạnh Công ty có “nguy cơ phá sản”.
Đầu năm 2014, ông Hoàng Ngọc Sáu - Chủ tịch HĐQT bị khởi tố, bắt tạm giam trong bối cảnh công ty nợ lương cán bộ công nhân viên nhiều năm, toàn bộ các dự án đều dừng hoạt động.
Nợ xấu ngân hàng khoảng 30 tỷ đồng, nợ tiền dịch vụ văn phòng của tòa nhà CEO hàng tỷ đồng. Nợ các nhà thầu đối tác hàng chục tỷ đồng, tài khoản Công ty còn vỏn vẹn 1 triệu đồng. Khách hàng các dự án Petrovietnam Landmark, dự án Chung cư Linh Tây kiện ra tòa vì tiến độ bàn giao chậm, do đó công ty phải thanh toán trả tiền cho khách hàng đã đóng mua căn hộ...
Báo cáo tài chính năm 2013 cho thấy, PVL đã không phát sinh doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính, các khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh là 187 tỷ đồng, lỗ lũy kết thời điểm kết thúc năm 2013 là hơn 181 tỷ (chiếm 36% vốn điều lệ công ty).
Hầu hết các khoản công nợ đều quá hạn thanh toán bao gồm nợ vay quá hạn cả gốc và lãi là 33,4 tỷ đồng, các khoản phải trả người bán thanh lý hợp đồng khoảng 91 tỷ đồng. Tiền lương phải trả người lao động từ tháng 5 đến tháng 12 năm 2013 khoảng 4 tỷ đồng.
Trước nguy cơ phá sản hiện hữu, cổ đông lớn PVX cùng các cổ đông khác tiến hành Đại hội cổ đông bất thường năm 2014 để bầu ra HĐQT mới nhiệm kỳ 2014 - 2019 để đối phó với tình hình trên.
3 năm cải tổ, PVL ra sao?
Tính đến nay, sau 3 năm cải tổ, ban lãnh đạo PVL mới đã dần thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn. Cụ thể, PVL thực hiện xóa nợ xấu bằng việc chuyển nhượng khách sạn Quỳnh Lưu Plaza cho VietinBank; tái khởi động lại dự án Linh Tây Tower, xây dựng lại dự án để thu hồi vốn; tích cực tìm kiếm các nguồn vốn hoàn thành dự án, đến nay đã và đang hoàn thành bàn giao căn hộ cho khách hàng.
Công ty đã trả được một phần nợ lượng cũ cho các cán bộ công nhân viên, giải quyết xong toàn bộ quyền lợi khách hàng cũ tại dự án Tây Linh Tower, phối hợp với khách hàng dự án Petrovietnam Landmark làm việc với chủ đầu tư dự án PVCland để sớm hoàn thiện bàn giao. Công nợ với các nhà thầu, đối tác Công ty cũng đã từng bước được hoàn trả.
Tại tài liệu họp cổ đông thường niên năm 2017, PVL cho biết: dự án Linh Tây sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng, vì vậy doanh thu và lợi nhuận sẽ được hạch toán. Tuy nhiên do chi phí đầu tư ban đầu của thời kỳ trước quá lớn, dẫn đến dự án lỗ trước khi tái khởi động.
Năm 2017 sẽ là năm giải quyết xong toàn bộ các tồn tại cũ của công ty, các năm tiếp theo PVL sẽ triển khai nốt dự án hiện có, tìm kiếm các dự án mới đầu tư có hiệu quả, khẳng định lại vị thế công ty.
Kế hoạch được HĐQT công bố năm 2017 tỏ ra khá khả quan, công ty đang dần trở về với quỹ đạo ổn định sau khủng hoảng. Tuy nhiên, 28% cổ đông phản đối ban điều hành không phải không có lý, khi kế hoạch SXKD năm 2016 chỉ đạt được 1% mục tiêu.
PVL giải thích, kế hoạch kinh doanh năm 2016 được xây dựng trên cơ sở dòng tiền thu được từ việc chuyển nhượng cổ phần tại các công ty con, công ty liên kết, các hoạt động cho thuê văn phòng và một số hoạt động khác. Tuy nhiên, các chỉ tiêu này trong năm không đạt do công ty chưa thể thực hiện chuyển nhượng số cổ phần trên.
Năm 2016 PVL cũng đã đem về những kết quả khả quan, dự án Linh Tây Tower trong năm 2016 thực hiện đầu tư gần 150 tỷ đồng, bán 410/420 căn hộ, lũy kế cuối năm 2016 doanh thu dự án đem về đạt 256 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn cấp thiết hoàn thành nốt các hạng mục cuối cùng.
ĐHĐCĐ đã bị lùi đến ngày 25/6, và với bối cảnh hiện tại, kỳ đại hội này hứa hẹn nhiều điều bất ngờ đối với cổ đông cũng như các nhà đầu tư đang quan tâm đến PVL.
Ka Linh
Theo Kinh tế & Tiêu dùng