Vấn đề đang gây đau đầu đối với Chính phủ Hy Lạp là làm thế nào có thể nới lỏng kiểm soát vốn đối với hệ thống ngân hàng trong nước.
Một ngân hàng ở thủ đô Athens mở cửa ngày 20/7. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Trong tháng Sáu, Hy Lạp đã bị cô lập với thị trường tài chính thế giới. Hầu hết người dân Hy Lạp không thể đưa tiền ra khỏi đất nước khi Athens áp dụng các biện pháp kiểm soát do lo ngại nguy cơ hệ thống ngân hàng đổ vỡ bởi làn sóng rút tiền ồ ạt.
Đối với các doanh nghiệp, những biện pháp kiểm soát vốn có nghĩa là phải chờ đợi một ủy ban chính phủ ký duyệt việc thanh toán các khoản nợ đối với doanh nghiệp nước ngoài - một tiến trình làm chậm kế hoạch thanh toán đến mức các nhà cung cấp bắt đầu yêu cầu trả tiền trước.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hy Lạp Yannis Stournaras mới đây đã quyết định nới lỏng các quy định hạn chế để cho phép các ngân hàng “bật đèn xanh” kế hoạch của các doanh nghiệp thanh toán nợ nước ngoài lên tới 100.000 euro (110.000 USD).
Tuy vậy, người dân vẫn không thể mở tài khoản mới ở ngân hàng nước ngoài, mua cổ phiếu, hay chuyển số tiền lớn.
Hy Lạp đang áp dụng hai trường hợp ngoại lệ đối với quy định này: Sinh viên Hy Lạp đang học tập ở nước ngoài có thể tiếp nhận 5.000 euro/quý, trong khi con số quy định cho công dân nước này đi chữa bệnh ở nước ngoài là 2.000 euro.
Hiện tại, hạn mức rút tiền mặt là 60 euro (65 USD)/ngày sau khi người dân Hy Lạp đổ xô tới các máy rút tiền tự động.
Bộ trưởng Kinh tế Hy Lạp Giorgos Stathakis ngày 12/7 cho biết có thể mất vài tháng trước khi tình hình được coi là an toàn để các cơ quan chức năng nước này tính tới việc dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp kiểm soát vốn.
Anh Quân
theo Vietnam+