Sự kiện hot
12 năm trước

Nơi mỏm đất cực Bắc

Ấy là mốc 428 - điểm xa nhất về phía Bắc của Tổ quốc hình chữ S. Một dải đất nhỏ nhưng chứa đầy cảm xúc với những người muốn khám phá từng điểm của dáng hình đất nước.

Ấy là mốc 428 - điểm xa nhất về phía Bắc của Tổ quốc hình chữ S. Một dải đất nhỏ nhưng chứa đầy cảm xúc với những người muốn khám phá từng điểm của dáng hình đất nước.


Ở cột mốc 428. Ảnh: CTV

Một “dân đi” có tên rất ngộ - Rắn Rong Ruổi - đánh dấu một điểm đỏ chói trên bản đồ. Và một lời rủ “đi mốc 428 nhé” đủ sức lôi kéo cả chục người thoát ra khỏi Hà Nội ồn ào để ngược về phía Bắc, lên Hà Giang đi tìm mốc đỏ.

Đi tìm mốc đỏ

Móng con ngựa Mông đập mạnh lộp cộp xuống đường. Đường dốc đá và hẹp khiến con ngựa ngại đi, nó liên tục xoay phải, xoay trái theo kiểu zích zắc để đi xuống. Những người phụ nữ Mông nổi tiếng với đôi chân leo núi đá dốc đứng can: “Chúng mày về đi, đường dốc lắm, không lên nổi đâu”. Nhưng phía dưới, dòng Nho Quế xanh như ngọc và mốc 428 như một điểm đỏ vẫy gọi.

Dù đã đứng trên đỉnh cột cờ Lũng Cú nhưng không phải ai cũng biết sau Lũng Cú còn có một dải đất nhỏ nhô ra phía dòng Nho Quế. Từ đây, dòng Nho Quế đổ vào đất Việt, ôm trọn rẻo đất rồi chảy sang Mèo Vạc, Xín Cái về Cao Bằng. Thế nhưng, cái mỏm đất cực Bắc này là ngưỡng khó vượt. Đường đi khó không chỉ bởi xa và dốc, đến con ngựa Mông còn phải ngại, mà bởi đi chệch vài bước là có thể gặp bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.

Nếu tính theo đường chim bay, khoảng cách từ bản Xéo Lủng xuống mỏm đất xa nhất chỉ 2km. Nhưng con đường đi xuống thử thách chân người trọn một buổi sáng. Nắng trên những triền núi đá quả khó chịu. Người dẫn đường cho chúng tôi là trung úy Bùi Đức Thoắn và thiếu úy Giàng Thìn Hòa. Hòa là người Mông ở cổng trời Quản Bạ, mới lên Lũng Cú được ít lâu. Không chỉ khách lạ như chúng tôi, Hòa cũng lần đầu tiên lên mốc 428 sau khi đã “thử chân” một vòng các điểm mốc khác của đồn biên phòng.

“Nhớ bước theo đúng dấu chân mình nhé” - trung úy Thoắn dặn dò trước lúc lên đường. Dò dẫm từng bước, đường chỉ có dốc xuống, đứng nghỉ cũng thấy chùn chân. Không biết bao nhiêu lần muốn bỏ cuộc, rồi lại đi, lại nhìn về hướng sông Nho Quế. Cuối cùng, mốc 428 hiện ra, giản dị và xúc động. Một cột mốc nhỏ, dưới là sông, trên là vách núi nhưng phải xây mất hai năm, chủ yếu là sức người cõng đá và ximăng theo đường dốc xuống.

Từ điểm mốc đỏ nơi cực Bắc này, nhìn về phía nam là Tổ quốc mình.

Sống trên mốc đỏ

Từ Lũng Cú, phải đi 3-4km mới tới bản Xéo Lủng nằm chơi vơi trên vách núi sát đường biên. Vài ba chục nóc nhà người Mông đã trụ vững ở mảnh đất này, trồng ngô, trồng màu và trở thành những người lính biên phòng không quân hàm canh giữ mỏm đất cực Bắc thiêng liêng. Nhờ có những người Mông ở Xéo Lủng, mỏm đất cực Bắc không chỉ có màu đá xám xịt.


Đường đi từ Xéo Lủng. Ảnh: Hà Hương

Bên cạnh những ngôi nhà trình tường là vườn cải, các loại hoa màu xanh mướt. Những phụ nữ lúi húi bên luống rau, sắc váy hoa rực rỡ. Nhưng người Mông không chỉ loanh quanh bên bếp lửa và vườn nhà. Phía dưới, nơi tưởng chỉ có đá là những vạt ngô. Ngô được gieo ở hốc đá, lưng chừng núi, bất kể chỗ nào có đất và trữ được chút ít nước mưa.

Thượng tá Nguyễn Hải Lý (đồn trưởng đồn biên phòng Lũng Cú) bảo chúng tôi là những người khách hiếm hoi của Xéo Lủng và mốc 428. Vậy nhưng người Mông ở Xéo Lủng hiếu khách kỳ lạ. Thấy mọi người mệt lả vì leo dốc, người đàn ông Mông gọi: “Có cần lấy đuôi ngựa kéo đi cho đỡ mệt không?”. Quả thật, những lúc này chỉ muốn giống như bó cỏ hoặc bó củi chất trên lưng ngựa. Thế mới biết đôi chân người Mông dẻo dai đến lạ kỳ.

Trung úy Thoắn kể ngày đường vào Xéo Lủng chưa được làm, mùa mưa hay mùa khô, bộ đội vẫn đều đặn đi tuần qua bản Xéo Lủng. Có những ngày tuyết rơi táp vào mặt, chân bị cước đau đớn nhưng vẫn phải bám chặt xuống đường đất đá. Ngay đêm giao thừa, biên phòng cũng phải đi tuần dọc toàn tuyến, không bỏ một điểm mốc nào.

27km đường biên giới từ cột mốc 411 đến 428 do đồn biên phòng Lũng Cú đóng tại Ma Lé (Đồng Văn, Hà Giang) canh giữ đều nằm cheo leo trên những mỏm núi đá xám. Nhưng họ cứ đi và đi, bất kể lúc nào...

Hà Hương
theo TTO

Từ khóa: