Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng 8-10% cho cả năm 2012, Ngân hàng Nhà nước vừa “nới” tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng thương mại lên đến 27% thay vì các mức như hồi đầu năm là 17,15,13 và 8%/năm.
Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng 8-10% cho cả năm 2012, Ngân hàng Nhà nước vừa “nới” tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng thương mại lên đến 27% thay vì các mức như hồi đầu năm là 17,15,13 và 8%/năm.
Giao dịch tại TienPhong Bank. (Nguồn: TienPhong Bank).
"Room" lên đến 27%
Ngân hàng đầu tiên công bố được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận điều chỉnh tốc độ tăng trưởng tín dụng là Ngân hàng Tiên Phong (TienPhong Bank). Theo đó, dư nợ tín dụng (bao gồm cả số dư trái phiếu doanh nghiệp) đến hết ngày 31/12/2012 của Ngân hàng này sẽ được tăng tối đa 27% so với thời điểm cuối năm 2011.
Theo lý giải của TienPhong Bank, quý I/2012, tăng trưởng tín dụng của TienPhong Bank tăng chậm do ngân hàng tập trung nỗ lực tái cơ cấu. Tuy nhiên quý II/2012, dư nợ cho vay của TienPhong Bank đã tăng 6,8% so với quý trước. Sáu tháng cuối năm, TienPhong Bank sẽ đẩy mạnh hoạt động cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn dễ dàng nhất.
TienPhong Bank cho biết, từ 15/8/2012 TienPhong Bank sẽ dành thêm 1.000 tỷ đồng cấp tín dụng cho khách hàng khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong chương trình mang tên “Hỗ trợ tín dụng trọn gói cho cá nhân, hộ gia đình sản xuất lúa”. Khách hàng được tài trợ chi phí lưu động để sản xuất lúa (mua phân bón, thuốc trừ sâu, thuê nhân công,...), chi phí sinh hoạt trong thời gian sản xuất lúa, chi phí mua đất nông nghiệp và đầu tư máy móc, thiết bị.
Ngày 13/8, Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) cũng công bố đã được tăng trưởng tín dụng tối đa lên 27% so với thời điểm cuối năm 2011.
Theo OceanBank, tính đến 31/7/2012, tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng đạt 30.169 tỷ đồng, tăng trưởng 16,7% so với năm 2011.
Bà Nguyễn Minh Thu, Tổng giám đốc OceanBank cho biết: “Tại OceanBank, chúng tôi đảm bảo được các điều kiện về thanh khoản, các chỉ số an toàn hoạt động ở mức cao, cân đối tốt giữa tốc độ tăng trưởng huy động vốn và tăng trưởng tín dụng.“
Với hoạt động cấp tín dụng, dòng vốn tín dụng của OceanBank tập trung lớn nhất ở lĩnh vực y tế và hỗ trợ xã hội; ngành công nghiệp phụ trợ; dịch vụ lưu trú, ăn uống, giải trí…
Chiều nay, Ngân hàng Quân đội cũng đã được Ngân hàng Nhà nước nâng hạn mức tín dụng lên 25% so với năm 2011.
Còn Ngân hàng Phương Đông (OCB) đã có kế hoạch xin Ngân hàng Nhà nước được nâng hạn mức tín dụng năm nay lên 25 - 30%.
Lãnh đạo OCB cho biết, trong 7 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng của OCB mới chỉ đạt 1%, trong khi chỉ tiêu của cả năm là 15%. Thế nhưng, để có thể chuẩn bị tốt cho mùa kinh doanh cao điểm cuối năm và kỳ vọng có thể đẩy được vốn ra thị trường trong các tháng còn lại, OCB vẫn kiến nghị Ngân hàng Nhà nước để xin thêm “quota” tín dụng.
Chỉ "mở" cho ngân hàng khỏe
Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho biết: Việc cho phép một số tổ chức tín dụng được tăng trưởng tín dụng 25 – 27% là phù hợp với điều kiện tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đang rất thấp. Để đảm bảo việc mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn thì Ngân hàng Nhà nước chỉ cho phép đối với các tổ chức tín dụng có đề nghị và có hoạt động tài chính lành mạnh.
Bà Hồng khẳng định, để mở rộng tín dụng trong những tháng cuối năm, thì vấn đề quan trọng phải giải phóng được hàng tồn kho, khi đó các doanh nghiệp mới có nhu cầu vay vốn để sản xuất tiếp; đẩy mạnh giải ngân vốn ngân sách, vốn đầu tư; hỗ trợ cho các doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn thông qua bảo lãnh vay vốn cho các doanh nghiệp.
Không ít ngân hàng kỳ vọng, dư nợ tín dụng sẽ được cải thiện tốt hơn trong những tháng còn lại của năm 2012, nhất là vào quý IV, khi doanh nghiệp bước vào mùa kinh doanh cao điểm. Do vậy, việc xin thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng được xem là cần thiết để đẩy mạnh hoạt động cho vay vào cuối năm.
Để kỳ vọng tăng thêm chỉ tiêu tín dụng giúp tăng trưởng toàn ngành đạt được mục tiêu, nhiều ý kiến cho rằng cần nhất vẫn phải đồng bộ các chính sách khác nữa như xử lý nợ xấu, bảo lãnh tín dụng… thì nguồn vốn đưa ra mới được nền kinh tế hấp thụ tốt.
Chính vì vậy, ông Nguyễn Văn Thắng, Tổng giám đốc VietinBank cho rằng, muốn tháo “nút thắt” tín dụng thì các ngân hàng cần phải xem xét phân loại khách hàng theo nhiều nhóm đối tượng, qua đó xây dựng các chính sách và các gói sản phẩm tín dụng cho phù hợp với từng đối tượng.
Ông Thắng dẫn chứng, với những khách hàng đang có quan hệ tín dụng với ngân hàng nhưng tạm thời gặp khó khăn trong kinh doanh thì ngân hàng cần phải phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để tiếp tục xem xét tài trợ vốn cho các phương án kinh doanh khả thi, để giúp doanh nghiệp tạo được dòng tiền mới, trả nợ cũ, đồng thời ngân hàng cũng phải đưa ra các cơ chế hỗ trợ như miễn giảm lãi, phí, cơ cấu lại các khoản nợ./.
Theo Vietnam+