Trong đấu thầu, việc liên danh để tham gia dự thầu là phổ biến. Tuy nhiên, rủi ro cũng dễ xảy ra, làm ảnh hưởng đến cả chủ đầu tư (CĐT), bên mời thầu (BMT), tư vấn giám sát và các thành viên trong liên danh có quá đông nhà thầu tham gia.
Chủ đầu tư, tư vấn giám sát đều… run
Tháng 11/2019, khi tham gia một buổi mở 2 gói thầu quy mô lớn tại TP.HCM, phóng viên Báo Đấu thầu ghi nhận được tâm trạng khá căng thẳng của các thành viên thuộc BMT. Cả hai gói thầu này đều có những liên danh nhà thầu gồm 5 thành viên trở lên tham dự thầu. “Những gói thầu lớn, bắt buộc các nhà thầu phải liên danh với nhau mới đủ sức để đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT). Tuy nhiên, từ góc độ CĐT/BMT, chúng tôi có nhiều lo lắng khi những gói thầu thu hút sự tham gia của nhiều liên danh mà mỗi liên danh đều không dưới 5 thành viên”, một đại diện của BMT chia sẻ.
Nỗi lo lắng này được vị đại diện nêu trên thổ lộ thêm: “Đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) của một liên danh gồm 5 thành viên trở lên khá phức tạp với khối tài liệu rất lớn, nhiều nguồn. Hơn nữa, nếu liên danh này trúng thầu, việc quản lý hợp đồng sau đấu thầu cực kỳ phức tạp”.
Đại diện một CĐT cho biết: “ Các thành viên liên danh tham gia các hạng mục khác nhau, nay ông này làm, mai ông kia làm. Rồi cũng có nhà thầu yếu, thi công cầm chừng, ỉ lại vào nhà thầu đứng đầu liên danh. Vì thế, mặc dù thuê tư vấn giám sát, lập ban chỉ huy công trường và cắt cử nhân sự tham gia cùng tư vấn giám sát nhưng công việc cứ chầy bửa ra”.
Khi Báo Đấu thầu tìm hiểu một gói thầu xây dựng kênh ở TP.HCM cũng phát hiện có tình trạng nêu trên. Mặc dù liên danh trúng gói thầu này chỉ có 3 thành viên, nhưng tư vấn giám sát “than thở”: “Ông đứng đầu liên danh phải làm tất. Hai nhà thầu còn lại, một ông ở miền Trung, một ông tận miền Bắc, ông thì sắp phá sản, ông thì cả năm không thấy mặt mũi đâu. Họp với CĐT thì hết hứa rồi cam kết. Thành ra, CĐT và tư vấn giám sát lại phải động viên ông đứng đầu liên danh vì chỉ còn mỗi nhà thầu này thực sự thi công. Nói quản lý hợp đồng các gói thầu cho liên danh nhiều thành viên thực hiện như đi trên dây là vậy”.
Nhà thầu cũng nhiều nỗi sợ
Thực tế, trong câu chuyện liên danh nhiều thành viên, không chỉ mỗi CĐT/BMT “run”. Chính các nhà thầu, đặc biệt là nhà thầu đứng đầu liên danh cũng canh cánh nhiều nỗi lo khi phải liên danh với quá nhiều nhà thầu khác để dự thầu. Bởi theo một nhà thầu chuyên thi công lĩnh vực thủy lợi thì: “Một liên danh nhà thầu hùng hậu hoàn toàn có thể bị hạ uy tín bởi một thành viên vi phạm quy định về đấu thầu, vi phạm cam kết hợp đồng. Chưa kể những hệ lụy khi một thành viên gây ra như công trình đình trệ thi công, nhiều hạng mục dở dang… gây ảnh hưởng xấu đến tổng tiến độ dự án. Rất nhiều trường hợp các thành viên khác “ngậm quả đắng” vì một thành viên liên danh có hành vi gian lận bị phạt…”.
Bài học về lựa chọn thành viên liên danh vô cùng đắt giá với mọi nhà thầu, bởi, khi có một thành viên vi phạm, không chỉ phải tốn công sức xử lý rắc rối trước mắt mà về lâu dài hồ sơ năng lực của các thành viên còn lại cũng bị vạ lây. Khi liên danh dự thầu thì tất cả các thành viên liên danh đều là nhà thầu chính, là một bên để ký hợp đồng trực tiếp với CĐT. Khi một thành viên liên danh bị tuyên bố là không hoàn thành hợp đồng nghĩa là nhà thầu liên danh không hoàn thành hợp đồng theo quy định, tất cả các thành viên liên danh đều bị coi là vi phạm tiêu chí này, bị ảnh hưởng uy tín khi tham gia các gói thầu tiếp theo.
Tại TP.HCM và nhiều địa phương khác, nhiều nhà thầu lớn đã lao đao khi liên danh với một nhà thầu “dính chàm”. Do đó, theo các chuyên gia, các nhà thầu cần cẩn trọng khi lựa chọn nhà thầu để liên danh, và quan trọng nhất là trung thực khi dự thầu, thực hiện đúng cam kết hợp đồng sau đấu thầu sẽ giúp các thành viên liên danh đồng hành lâu dài.
Văn Huyền
Theo Báo Đấu thầu