Sự kiện hot
13 năm trước

Nói với người sắp... chơi xa

Những ngày nghỉ lễ, sẽ rất nhiều người giã từ thành phố ngột ngạt nắng nóng, trốn lánh ở nơi gió biển mát lành hoặc phố núi se lạnh. Dù bạn là người trẻ, thai phụ, đã có tuổi hay là người bệnh... nên lắng nghe ý kiến dưới đây của các chuyên gia y tế, để biết cách chuẩn bị cho ngày nghỉ của mình trọn vẹn niềm vui.

Những ngày nghỉ lễ, sẽ rất nhiều người giã từ thành phố ngột ngạt nắng nóng, trốn lánh ở nơi gió biển mát lành hoặc phố núi se lạnh. Dù bạn là người trẻ, thai phụ, đã có tuổi hay là người bệnh... nên lắng nghe ý kiến dưới đây của các chuyên gia y tế, để biết cách chuẩn bị cho ngày nghỉ của mình trọn vẹn niềm vui.

PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam, chủ tịch hội Tĩnh mạch học TP.HCM:

Người cao tuổi: kiểm tra sức khoẻ trước khi đi

Người cao tuổi rất cần những chuyến du lịch nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, do dễ gặp phải những tai biến khó lường, nên họ cần chuẩn bị chu đáo trước khi lên đường. Nếu có thể, động viên bố mẹ thăm khám, nhờ bác sĩ tư vấn xem có nên đi hay không. Khi khám cần nói rõ mục đích, thời gian và hình thức du lịch để bác sĩ cho lời khuyên tốt nhất. Khám sức khoẻ trước khi đi du lịch còn giúp bác sĩ phát hiện những bệnh về tim mạch, hô hấp, xương khớp…

Cần nắm vững thực địa nơi đến để việc di chuyển, tham quan diễn ra suôn sẻ. Tránh những vùng đang có dịch, bệnh tật. Nên chọn khách sạn có hệ thống phòng ngủ ở tầng thấp để người già dễ bề đi lại. Thức ăn cần được nấu chín, ít dầu mỡ, nên dùng những thực phẩm dễ tiêu hoá như cá, thịt gà, đậu phụ. Người già cũng không nên uống rượu, các chất có chứa cồn, cafein, chỉ nên uống sữa và nước. Với người bị tiểu đường, cần chuẩn bị chế độ ăn như ở nhà. Mang theo máy đo huyết áp, đường huyết cá nhân để kiểm soát thường xuyên sức khoẻ của bố mẹ.

ThS.BS Đặng Lê Dung Hạnh, trưởng khoa khám bệnh, bệnh viện Hùng Vương TP.HCM:

Thai phụ: bầu tám tháng trở lên không nên đi xa

Với những phụ nữ đam mê du lịch thì bầu bì dường như là chướng ngại khá lớn. Tuy nhiên, nếu mang thai từ tháng thứ tư đến tháng thứ tám, thai phụ có thể lên đường nghỉ dưỡng. Những ai bụng đã quá to thì không nên đi. Hoặc nếu thai phụ có tình trạng đau bụng, ra máu, có chẩn đoán bệnh lý trước đó thì tốt nhất nên ở nhà để cuộc vượt cạn sắp đến được an toàn.

Thai phụ khi đi du lịch cần có ít nhất hai người thân đi cùng để chăm lo sức khoẻ. Bạn nên đi bằng máy bay nếu chuyến bay dài không quá mười tiếng, vì việc ngồi quá lâu sẽ hình thành các cục huyết khối ở chân và khung chậu. Mang theo gối kê sau lưng hoặc dưới đầu gối sẽ giúp cơ thể dễ chịu, dễ lưu thông máu hơn. Thai phụ cũng cần chọn điểm đến là những nơi có khí hậu trong lành, ít người, và cần tìm hiểu rõ các địa chỉ trung tâm y tế, cấp cứu, để khi có sự cố, bạn biết nơi tìm đến nhờ cứu giúp.

Trong suốt chặng đường du lịch, thai phụ cần uống đủ nước và thu nạp lượng dinh dưỡng như ở nhà. Cần mang theo những món ăn bạn đã làm sẵn tại nhà, chọn những quán ăn sạch sẽ, tránh ăn đồ sống và những món nhiều khả năng gây ngộ độc, nguy hiểm cho sức khoẻ của cả mẹ lẫn con.

TS.BS Trần Thị Mộng Hiệp, trưởng khoa thận – nội tiết, bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM:

Trẻ em: luôn theo sát

Người lớn đi chơi chỉ lo một, mang theo đứa trẻ thì nỗi lo nhân gấp mười. Bởi vậy, nếu quyết định cho trẻ đi cùng, bố mẹ phải có ba ngày chuẩn bị đầy đủ mọi thứ. Trẻ ba tuổi có thể theo gia đình đi xa, nhưng khi đó bé vẫn chưa cảm nhận được thế giới xung quanh. Tốt hơn hết, khi trẻ vừa biết đi, đủ cứng cáp, biết vui thú khi được dẫn đi chơi thì người lớn mới mang trẻ theo cùng.

Vào mùa nắng nóng, mẹ nên mang theo đồ thoáng mát cho trẻ. Nếu đi biển, chỉ nên cho trẻ ra biển, hoặc tắm nắng trước 9 giờ sáng, tất nhiên trẻ cũng cần trang bị kính râm và kem chống nắng để bảo vệ da.

Trẻ càng nhỏ thì càng dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, dị ứng, sốt, tiêu chảy. Việc lựa chọn thức ăn cho trẻ rất quan trọng. Gia đình nên mang sữa và dụng cụ chế biến sữa phải được tiệt trùng, đậy kín. Ngay cả nước pha sữa cho bé cũng cần mang theo. Trẻ ở tuổi ăn giặm, có thể mua sản phẩm ăn giặm bán sẵn, hoặc mua cháo đóng hộp, bột ăn giặm có chất lượng tại các siêu thị. Cần lưu ý, những loại thực phẩm trên chỉ có thể cho trẻ ăn trong một, hai ngày, nếu kéo dài trẻ sẽ bị sụt ký. Trẻ từ ba tuổi trở lên có thể ngồi cùng bàn ăn chung với người lớn, thức ăn cần được xé nhỏ. Bên cạnh đó, mẹ cũng cần mang theo sữa chua, ngũ cốc, phômai cho trẻ ăn thêm. Đặc biệt, đừng quên cho trẻ uống nước thường xuyên trong ngày.

Người lớn phải chuẩn bị một hộp thuốc cá nhân cho riêng trẻ: băng dán, thuốc sát trùng, hạ sốt, gói thuốc bù dịch, bù nước, trị ho, những loại thuốc mà trước giờ gia đình vẫn cho trẻ dùng.

Bố mẹ cần theo sát con mình, phòng tránh những tai nạn bất ngờ xảy ra với trẻ.

PGS.TS.BS Nguyễn Hữu Đức, giảng viên chính bộ môn dược, đại học Y dược TP.HCM:

Người bệnh nhớ bỏ sẵn thuốc vào valy

Nghỉ lễ là cơ hội nghỉ ngơi của người khoẻ mạnh, nhưng đôi khi là nỗi thiệt thòi cho những ai đang có bệnh. Tuy nhiên, nếu chuẩn bị kỹ những loại thuốc để sẵn trong hành lý, bạn cũng có thể an tâm vui chơi. Nếu đang mắc các bệnh cao huyết áp, tim mạch, tất nhiên bạn phải mang theo thuốc để sử dụng như thường ngày. Đừng bao giờ quên “nhiệm vụ” quan trọng này, bởi nếu không bỏ thuốc vào valy, giữa đường trở bệnh, tính mạng của bạn sẽ như “ngàn cân treo sợi tóc”.

Trong quá trình vui chơi, bạn và người thân cũng có nguy cơ gặp phải những trường hợp chấn thương, ngộ độc, dị ứng thức ăn. Vì vậy, cần mang theo các loại băng dán, thuốc sát trùng ngoài da, thuốc trị tiêu chảy, ho, giảm đau, hạ nhiệt (paracetamol), dị ứng, gói bù nước do tiêu chảy. Nhớ chọn thuốc không gây buồn ngủ để có thể tiếp tục cuộc chơi. Cũng cần mang theo một nhiệt kế để kiểm soát thân nhiệt khi cần. Cần tách biệt các loại thuốc dành cho người lớn, trẻ con, người có sẵn bệnh lý, ghi nhãn rõ ràng. Các loại kem chống nắng, kính mát cũng cần mang theo để bảo vệ mắt và da trước bức xạ mặt trời.

TS.BS Trần Thị Minh Hạnh, phó giám đốc trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM:

An toàn thực phẩm trên hết

Mùa nắng nóng, những vùng du lịch nổi tiếng thường rất đông khách, càng tạo cơ hội cho các hiện tượng ngộ độc. Trước khi bước vào một hàng quán nào đó, bạn nên quan sát quán đó có vòi nước, có nơi rửa chén bát cố định hay không. Bếp núc, hàng ăn trong quán phải sạch sẽ, trưng bày thức ăn gọn gàng, đậy kín, không ruồi nhặng đeo bám. Với những món tái, sống, cần phải hạn chế, không ăn nhiều. Cho dù là hải sản mới vớt dưới nước lên, tươi rói thì vẫn có thể nhiễm vi sinh, gây ngộ độc hoặc các bệnh đường ruột.

Nếu mang theo xôi, cơm nắm, nên để riêng mỗi loại vào hộp sạch và chỉ sử dụng trong vòng bốn tiếng đồng hồ. Hạn chế uống nước đá, và nên mang nước đóng chai của những hãng uy tín theo bên mình, vì khi leo trèo, hoạt động nhiều, bạn cần bù đủ nước cho cơ thể. Cần giảm thói quen ăn vặt dọc đường, nên ăn đúng bữa, không quá no cũng không quá lơ là.

Nguyên Cao
Theo SGTT

Từ khóa: