Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Nông nghiệp Trung An (TAR) dự kiến phát hành hơn 7,1 triệu cổ phiếu chia cổ tức năm 2021

TAR dự kiến sẽ phát hành hơn 7,1 triệu cổ phiếu. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là gần 71,2 tỷ đồng. Nguồn vốn phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên BCTC kiểm toán hợp nhất năm 2021.

HĐQT CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (mã chứng khoán TAR - sàn HNX) vừa thông qua Nghị quyết về phương án chi trả cổ tức năm 2021.

Theo đó, doanh nghiệp đưa ra phương án chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10:1, tương ứng với việc mỗi cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu sẽ nhận về 1 cổ phiếu mới. Thời gian chốt danh sách vào ngày 11/11. 

TAR dự kiến sẽ phát hành hơn 7,1 triệu cổ phiếu. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là gần 71,2 tỷ đồng. Nguồn vốn phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên BCTC kiểm toán hợp nhất năm 2021. 

Về hoạt động kinh doanh tại TAR, trong quý III/2022 ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 500 tỷ đồng - giảm tới hơn 31% so với cùng kỳ năm 2021 và giảm 35% so với quý 2. Tỷ lệ tăng giá vốn bán hàng cao hơn cùng kỳ và quý trước đó dẫn đến lợi nhuận gộp thu về chỉ ở mức 38,4 tỷ đồng; biên lãi gộp giảm về còn 7,7%.

Trong kỳ, doanh thu tài chính, chi phí bán hàng  của công ty lần lượt giảm so với quý 3/2021 về mức 0,36 tỷ và 8,4 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí tài chính tăng 30% YoY lên 22,7 tỷ và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lên mức 5,7 tỷ đồng. 

Kết quả, Trung An báo lãi trước thuế đạt hơn 2,1 tỷ trong khi cùng kỳ ghi nhận tới 39,5 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế còn hơn 2 tỷ - giảm tới 94,5% so với quý 3 năm ngoái và giảm 91,5% so với quý liền trước. 

Lũy kế 9 tháng năm 2022, doanh nghiệp mảng nông nghiệp này đạt tổng doanh thu 2.222 tỷ đồng - tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021 song mới chỉ tương ứng hơn 63% kế hoạch doanh thu cả năm; lợi nhuận sau thuế thu về hơn 52 tỷ - giảm hơn 5 tỷ so với mức 57,4 tỷ đồng YoY.

Tính đến cuối tháng 9/2022, tổng tài sản của Trung An tăng mạnh 44% so với đầu năm lên mức 2.037 tỷ đồng trong đó tiền mặt giảm hơn 70% về còn 22,7 tỷ; khoản phải thu tăng 245 tỷ lên mức 543 tỷ đồng; hàng tồn kho tăng gần 43% lên mức 1.451 tỷ - chiếm tới 71% tổng tài sản.

Nợ phải trả của công ty đến cuối quý 3 tăng lên 1.570 tỷ đồng trong đó 99% là nợ ngắn hạn. Nợ vay tài chính của TAR ghi nhận mức gần 1.390 tỷ đồng - chiếm hơn 88% cơ cấu nợ của doanh nghiệp.

Theo dự báo từ Chứng khoán Mirae Asset từng dự báo doanh thu năm 2022 của TAR có thể tăng 10% so năm trước lên 3.432 tỷ đồng nhờ sản lượng xuất khẩu tăng. Theo đó, mức lợi nhuận sau thuế có thể tăng tới 53% lên 141 tỷ đồng trong năm nay.

Trước đó từ tháng 8/2020, Trung An cũng đã xuất khẩu gạo mang thương hiệu Trung An vào thị trường châu Âu. Đại diện công ty từng chia sẻ, hiện toàn bộ gạo của Công ty bán vào châu Âu đều được đóng bao bì nhãn mác thương hiệu Trung An. Sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu Trung An hiện chiếm khoảng 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của công ty. Hiện TAR đã phát triển được hơn 30.000 ha vùng nguyên liệu liên kết.

Mặc dù ngành xuất khẩu gạo hồi tháng 9 vừa qua bất ngờ nóng lên và được giới phân tích kỳ vọng có lợi cho doanh nghiệp gạo Việt sau khi các lệnh tiết cung từ Ấn Độ song việc hàng không thể xuất đi khiến mức tồn kho khủng của Trung An đang trở thành vấn đề đáng quan ngại.

Lan Anh
Theo KTDU

Từ khóa: