Sự kiện hot
10 năm trước

Nộp thuế điện tử: Quan chưa thật cần, dân cũng còn đủng đỉnh

Năm 2015, ngành thuế đề ra mục tiêu giảm thời gian kê khai nộp thuế còn không quá 121,5 giờ/năm; doanh nghiệp khai thuế điện tử đạt trên 95%, doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt tối thiểu 90%; trong đó nộp thuế điện tử được kỳ vọng là bước đột phá trong công cuộc hiện đại hóa, cải cách của ngành thuế. Tuy nhiên, qua bước đầu triển khai cho thấy chưa đạt được hiệu quả như mong đợi.


Phòng kế toán Công ty Viễn thông Hà Tĩnh đã sử dụng dịch vụ kê khai, nộp thuế điện tử trong thực hiện nghĩa vụ thuế. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Theo thống kê của Tổng cục Thuế, tính đến hết tháng 4/2015 ngành thuế đã đạt được kết quả bước đầu trong giai đoạn triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử với gần 52.000 doanh nghiệp đăng ký dịch vụ nộp thuế điện tử; gần 20.000 tỷ đồng tiền thuế được nộp thành công vào Ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, với tỷ lệ số doanh nghiệp tham gia nộp thuế điện tử là 52.000 doanh nghiệp/tổng số gần 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động (khoảng trên 10 %), có thể nói đây là tỷ lệ chưa cao so với mong muốn của ngành thuế.

“Công tác cải cách thủ tục hành chính thuế đối với người nộp thuế là cá nhân, hộ kinh doanh chưa có đổi mới căn bản, việc tổ chức thu thuế còn chưa tạo thuận lợi cho người dân, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế ở khu vực này còn hạn chế,” Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn đánh giá.

Một lý do quan trọng khác dẫn tới việc triển khai nộp thuế điện tử chưa thực sự hiệu quả là do chưa đồng bộ cơ sở hạ tầng để đáp ứng với nghiệp vụ nộp thuế điện tử. Đến tháng 5/2015, Tổng cục Thuế mới ký thoả thuận hợp tác được với 20 ngân hàng thương mại để cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử.

Vẫn còn khoảng 40 ngân hàng thương mại ở Việt Nam chưa triển khai phối hợp với cơ quan thuế để cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử cho doanh nghiệp đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp mở tài khoản ở các ngân hàng này chưa có điều kiện để thực hiện việc nộp thuế điện tử.

Bà Trần Thị Lệ Nga, Cục phó Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh nêu ví dụ: “Vừa rồi Tổng cục có nâng việc kết nối dịch vụ giao dịch điện tử từ 5 ngân hàng lên 20 ngân hàng thương mại, nhưng chúng tôi thấy là vẫn chưa đủ bởi trên địa bàn thành phố có gần 15.000 đối tượng là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mà số thuế nộp từ đối tượng này là rất lớn. Qua khảo sát của Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh thì hầu hết các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mở các tài khoản liên quan tới giao dịch, thanh toán tại các ngân hàng nước ngoài. Mà vừa rồi chúng ta chưa có kết nối với ngân hàng nước ngoài nào, do đó các ngân hàng nước ngoài chưa tham gia vào triển khai nộp thuế điện tử.”

Ở một khía cạnh khác, bà Nga cũng kiến nghị, cần xây dựng chính sách thuế ổn định và các doanh nghiệp cũng mong muốn nếu có thay đổi trong chính sách thì họ cũng cần có thời gian chuẩn bị. “Cần có sự đồng bộ trong chính sách cũng như công nghệ, bởi nhiều khi công nghệ thay đổi không kịp, không đáp ứng được theo chính sách,” bà Nga nói.

Là một trong những đơn vị tham gia triển khai hình thức giao dịch điện tử trong thời gian qua, ông Hà Minh Hải, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội đánh giá, giao dịch bằng phương thức điện tử tạo sự công khai minh bạch, xác định rõ trách nhiệm từng người, đồng thời giúp tăng năng suất lao động.

Mặc dù vậy, ông Hải cũng thừa nhận, để hình thành thói quen cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận với giao dịch nộp thuế điện tử là nhiệm vụ khó khăn bởi tâm lí e ngại của các doanh nghiệp, nhất là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ cũng còn băn khoăn về tính bảo mật an toàn của hệ thống giao dịch điện tử.

Chị Nguyễn Thu Trang, nhân viên kế toán của một công ty về môi trường đô thị ở Hà Nội biết, việc đăng ký kê khai thuế điện tử chỉ thay đổi về hình thức chứ bản chất tờ khai không thay đổi. “Khai thuế điện tử có thuận tiện là có thể đẩy tờ khai thuế đúng ngày nộp, không sợ muộn, tiết kiệm thời gian hơn trước và nếu có sai cũng có thể sửa lại được. Còn về nộp thuế điện tử, công ty tôi cũng vừa mới đăng ký xong. Thủ tục cũng khá đơn giản. Hiện công ty tôi đã vào trang Web của ngành thuế đăng ký nộp thuế điện tử và ra ngân hàng xin mẫu về ký duyệt và nộp lại,” chị Trang nói.

Chị Nguyễn Thanh Huyền, kế toán công ty sản xuất giấy đóng hộp tại Trương Định, Hà Nội cho biết, bình thường có thể nộp tiền mặt hoặc chuyển khoản, doanh nghiệp vẫn có thể nợ thuế và bị tính lãi nếu như chưa muốn nộp ngay.

Nhưng giờ với nộp thuế điện tử, ngành thuế liên kết với ngân hàng để đặt lệnh thanh toán tự động, nếu để nợ quá hạn lâu có thể bị phong tỏa tài khoản. “Nộp thuế điện tử thì nhà nước không thất thu thuế nhưng về phía doanh nghiệp cũng còn chưa thích nghi vì không nợ được,” chị Huyền cho biết.

Để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế; trong đó chú trọng tới kê khai, nộp thuế điện tử, Tổng cục Thuế yêu cầu các đơn vị trong ngành tiếp tục rà soát giảm tối thiểu 10% số thủ tục hành chính thuế, đơn giản hóa tối thiểu 20% số thủ tục hành chính thuế theo hướng: Giảm số chứng từ trong hồ sơ khai thuế, chứng từ nộp thuế trước ngày 30/6/2015; sửa đổi, bổ sung 100% quy trình liên quan tới kê khai, nộp thuế của người nộp thuế theo nội dung cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trước ngày 30/6/2015.

Trong việc triển khai nộp thuế điện tử cần rút ngắn thời gian, trình tự phối hợp thu thuế điện tử giữa Tổng cục Thuế với các ngân hàng, kể cả đối với ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Cùng với đó, xây dựng cơ chế ưu đãi về phí sử dụng dịch vụ tài khoản của ngân hàng để thực hiện nộp thuế điện tử nhằm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia dịch vụ nộp thuế điện tử nhiều hơn. Phối hợp với các tổ chức cung cấp chứng thư số (CA) có chính sách giảm giá dịch vụ CA để khuyến khích doanh nghiệp tham gia dịch vụ nộp thuế điện tử.

Đồng thời, Tổng cục thống nhất với Kho bạc nhà nước về việc mở tài khoản chuyên thu tại tất cả các ngân hàng thương mại nhằm đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai nộp thuế điện tử.

Hoàng Tùng
theo Vietnam+

Từ khóa: