Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Novartis phối hợp với bệnh viện TW Huế tổ chức tọa đàm “Nguy cơ mù lòa ở bệnh nhân đái tháo đường”

Nhằm gia tăng nhận thức và phòng tránh nguy cơ mất thị lực do biến chứng võng mạc đái tháo đường trong cộng đồng, nhân ngày Đái tháo đường Thế giới (WDD 2022), Novartis phối hợp cùng bệnh viện Trung ương Huế tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Nguy cơ mù lòa ở bệnh nhân đái tháo đường”, được phát trực tuyến trên Fanpage của báo Tuổi Trẻ.

Buổi tọa đàm đã giải đáp những thắc mắc thường gặp về biến chứng võng mạc đái tháo đường

Hưởng ứng thông điệp “Education to protect tomorrow” (tạm dịch: hiểu biết để bảo vệ tương lai) của WDD 2022, buổi tọa đàm đã cung cấp đến khán giả những kiến thức y khoa về biến chứng võng mạc do đái tháo đường với sự tham gia tư vấn của ThS.BS.CKII Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung Ương Huế, Trưởng khoa Nội tiết – Thần kinh – Hô hấp và BS.CKII Dương Anh Quân, Giám đốc Trung Tâm Mắt, Bệnh viện Trung Ương Huế.

Nguy cơ mù lòa từ biến chứng võng mạc do đái tháo đường

Tại buổi tọa đàm, bác sĩ Quân cho biết, biến chứng võng mạc do đái tháo đường là bệnh lý vi mạch do phá hủy các mạch máu nhỏ. Theo đó, mức đường huyết cao ở người mắc đái tháo đường và thời gian mắc bệnh lâu năm có ảnh hưởng trực tiếp tới các tế bào võng mạc và mạch máu, gây rò rỉ hoặc tắc nghẽn mạch máu, từ đó dẫn đến các biến chứng như phù võng mạc, vì phình mạch, xuất tiết, xuất huyết, tăng sinh mạch máu.

Về yếu tố nguy cơ của bệnh lý này, bác sĩ Hương cho hay cả hai thể đái tháo đường đều có thể gây ra biến chứng võng mạc. Đối với đái tháo đường tuýp 2, tỉ lệ bệnh võng mạc đái tháo đường ngay thời điểm mới phát hiện là 5-20% và sẽ tăng đến 60-85% sau 15 năm. Còn với đái tháo đường tuýp 1, tỉ lệ này là 25% sau 5 năm và có thể lên đến 60% sau 10 năm. Ngoài ra, việc kiểm soát đường huyết, huyết áp, mỡ máu kém, có biến chứng thận, bị béo phì, hút thuốc lá hay mang thai cũng làm tăng nguy cơ mắc biến chứng võng mạc ở bệnh nhân đái tháo đường. 

Theo hướng dẫn của Hội đồng Nhãn khoa Quốc tế (ICO), biến chứng võng mạc do đái tháo đường được chia làm các giai đoạn bệnh khác nhau bao gồm: bệnh võng mạc đái tháo đường không tăng sinh, bệnh võng mạc đái tháo đường tăng sinh, phù hoàng điểm do đái tháo đường. Mỗi giai đoạn bệnh sẽ có mức độ tổn thương đáy mắt và triệu chứng khác nhau, có thể gây giảm thị lực từ đó làm giảm chất lượng sống và gây tốn kém về mặt thời gian lẫn chi phí điều trị; ở giai đoạn nặng bệnh có thể sẽ dẫn đến mù lòa.

Theo chia sẻ của bác sĩ Hương, ước tính có tới 30% bệnh nhân đái tháo đường mắc biến chứng võng mạc và khoảng 10% số bệnh nhân đang ở giai đoạn bệnh võng mạc đe dọa thị lực. Tuy nhiên, ở giai đoạn sớm – biến chứng võng mạc do đái tháo đường chưa tăng sinh, có thể hoàn toàn không có triệu chứng lâm sàng để người bệnh có thể dễ dàng nhận biết. Nhiều bệnh nhân chỉ thăm khám và được phát hiện mắc biến chứng võng mạc do đái tháo đường khi thị lực đã sụt giảm, gây nhiều đáng tiếc.

ThS.BS.CKII Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, Trưởng khoa Nội tiết - Thần kinh - Hô hấp (giữa) và BS.CKII Dương Anh Quân, Giám đốc Trung tâm Mắt, Bệnh viện Trung ương Huế (ngoài cùng bên trái)

Chủ động tầm soát để phát hiện sớm và điều trị hiệu quả biến chứng võng mạc do đái tháo đường

Để phòng tránh và giảm thiểu nguy cơ mất thị lực, các bác sĩ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tầm soát định kỳ và phát hiện sớm biến chứng võng mạc ở bệnh nhân đái tháo đường. Bác sĩ Quân cũng đã giúp khán giả có thể hình dung rõ hơn về sự đơn giản, nhẹ nhàng của quy trình khám tầm soát, xua tan tâm lý e ngại của nhiều bệnh nhân.

Theo đó, việc thăm khám sẽ bao gồm đo thị lực, đo nhãn áp và khám tổng quát về mắt, sau đó bệnh nhân được tra thuốc giãn đồng tử để khám dịch kính, võng mạc và chụp hình màu đáy mắt, trường hợp đã có tổn thương thì sẽ chụp OCT mắt.

Về tần suất tầm soát định kỳ, bác sĩ Hương đã đưa ra lịch thăm khám cụ thể dành cho từng trường hợp theo khuyến nghị của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ. Cụ thể, bệnh nhân ngay từ thời điểm phát hiện đái tháo đường tuýp 2 cần thăm khám mắt toàn diện, bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 cần thăm khám sau 5 năm phát hiện bệnh và sau đó tuân thủ lịch khám mắt định kỳ theo chỉ định của bác sĩ nhãn khoa.

Riêng với phụ nữ mắc đái tháo đường, cần thăm khám mắt toàn diện trước khi mang thai, trong 3 tháng đầu của thai kỳ, theo dõi chặt chẽ trong mỗi 3 tháng suốt thai kỳ và 1 năm sau mang thai.

Với nhiều tiến bộ y học trong việc tầm soát và điều trị, các bác sĩ khuyến khích người bệnh chủ động phát hiện sớm biến chứng võng mạc do đái tháo đường kết hợp kiểm soát các nguy cơ toàn thân, tuân thủ chỉ định của bác sĩ để từ đó có thể phòng tránh và ngăn chặn bệnh tiến triển xấu. Theo bác sĩ Hương, nguy cơ mù lòa có thể giảm tới 95% nếu biến chứng võng mạc do đái tháo đường được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.

VN2212191454

Tài liệu tham khảo:
https://ksbtdanang.vn/chuyen-mon/phong-chong-benh-khong-lay-nhiem/dai-thao-duong-va-benh-vong-mac-dai-thao-duong-578.html

KTDU

Từ khóa: