Ngày nào cũng như ngày nào, trong khi chị em ra sân thì đàn ông vào bếp. Câu chuyện ấy đã tồn tại ở các thôn của xã Cẩm Phong gần 10 năm nay.
Bốn trên tám thôn của xã Cẩm Phong, huyện miền núi Cẩm Thủy của tỉnh Thanh Hóa đều có phong trào phụ nữ đánh bóng chuyền, trong khi đó đàn ông chăm lo việc gia đình.
Cứ đều đặn, từ khoảng 17 giờ phụ nữ trong thôn dù đang làm gì cũng buông bỏ để ra sân bóng chuyền của nhà văn hóa, chia đội thi đấu. Những đội bóng chuyền của chị em như thế đã tồn tại ở các thôn, xã của huyện Cẩm Thủy từ gần 10 năm nay.
Ông Cao Văn Thơm, trưởng thôn Đồng Chạ, cho hay từ khi có phong trào này đàn ông thường chỉ đóng vai trò là người cổ vũ, "xe ôm" cho vợ hoặc ở nhà lo việc bếp núc.
Một số hình ảnh về phong trào phụ nữ đánh bóng chuyền ở Cẩm Phong.
Phụ nữ ở thôn Đồng Chạ được đầu tư chuyên nghiệp nhất, với trang phục thể thao đầy đủ.
Các thôn trong xã thường xuyên tổ chức thi đấu giao hữu với nhau.
Đàn ông chỉ đóng vai trò là khán giả hoặc trọng tài.
Đội bóng chuyền hơi dành cho những người phụ nữ đã lớn tuổi.
Dù là thi đấu giao hữu hay tập luyện thường ngày, các chị đều hết mình với trái bóng.
Nhờ sự hỗ trợ của các "Mạnh Thường Quân", đội bóng cũng được đầu tư sân bóng, lười...
Cạnh đó là một sân đất khác với sự tham gia của thành viên "hỗn hợp", đủ giới tính và lứa tuổi. Tuy nhiên đàn ông vẫn là thiểu số.
Trên sân bóng hầu như không có sự phân biệt, mọi người đều được thi đấu như nhau.
Thành viên có cả những người tóc đã lấm tấm bạc.
Ở một sân bóng chuyền khác, phụ nữ và đàn ông chia làm hai sân thi đấu với nhau.
Kết quả, sau phần thi đấu chênh lệch về số người này, đội đàn ông cởi trần đã bắt tay nhận thua với đội phụ nữ.
Nụ cười của những người nông dân chân lấm tay bùn sau khi giành chiến thắng.
Xã đã lên đèn, đội bóng vẫn hăng say thi đấu.
Tất cả sân bóng đều có hệ thống đèn chiếu sáng, bởi ít khi họ về trước 20 giờ tối.
VIẾT THỊNH
Theo PLO