Ngày 26/7, Lãnh đạo ngành du lịch nước Anh cho biết Thế vận hội Olympic London 2012 với các chiến dịch quảng cáo rầm rộ toàn cầu sẽ tăng lượng du khách nước ngoài đến đất nước tới năm 2015 lên mức kỷ lục.
Ngày 26/7, Lãnh đạo ngành du lịch nước Anh cho biết Thế vận hội Olympic London 2012 với các chiến dịch quảng cáo rầm rộ toàn cầu sẽ tăng lượng du khách nước ngoài đến đất nước tới năm 2015 lên mức kỷ lục.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Đây sẽ là một bước ngoặt tạo doanh thu lớn bù lại những khoản thiệt hại ngắn hạn mà xứ sở sương mù đang phải gánh chịu trong giai đoạn suy thoái kép.
Bộ trưởng Bộ Du lịch John Penrose khẳng định Thế vận hội 2012 đã mang tới cho nước Anh cơ hội trở thành điểm đến hàng đầu của du khách và giới kinh doanh thế giới sau giai đoạn suy giảm mạnh trong 5 năm qua.
Với chiến các dịch quảng cáo hoành tráng tiêu tốn 35 triệu bảng (55 triệu USD) tung ra tại 21 quốc gia trong vòng hơn 18 tháng, bao gồm cả những thị trường phát triển mạnh như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, nhà tổ chức hy vọng rằng đây sẽ là một cuộc chạy đua du lịch quốc tế lớn nhất, thu hút 35 triệu lượt khách tới Anh trong năm 2015 với ước tính 30,7 triệu khách trong năm nay.
Thành quả trên cũng đồng nghĩa sẽ mang về cho nước này một khoản thu lên tới 20,3 tỷ bảng (31,9 tỷ USD), góp phần kích thích nền kinh tế vốn đang trì trệ hiện nay.
Cùng ngày, Giám đốc điều hành Cơ quan du lịch quốc gia VisitBritain Sadie Dawe công bố số lượng khách du lịch tại Anh trong giai đoạn từ tháng 1-5/2012 đã tăng 7% - mức tăng đáng ngạc nhiên vì con số này thường giảm trong một năm Olympic.
Lạc quan và hy vọng về những điều tốt đẹp mà Thế vận hội 2012 mang lại là điều rất hiển nhiên của các nhà tổ chức và người dân Anh.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có những quan ngại thực sự đến từ các nhà phân tích kinh tế. Họ cho rằng việc phải chi tới 9 tỷ bảng (14 tỷ USD) tiền mặt cho Thế vận hội là một việc làm khó khăn khi mà nước này đang rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế và nguồn tài chính rất eo hẹp.
Ngoài ra, việc xây dựng và bảo dưỡng nhiều công trình, cơ sở hạ tầng quá tốn kém nhưng phải bỏ phí sau Olympic sẽ là gánh nặng cho nước đăng cai, chưa tính đến việc không đạt được những vận may thúc đẩy du lịch như kỳ vọng sau đó.
Thực tế này đã được chứng minh với nước đăng cai Thế vận hội 2004 như Hy Lạp và các nhà tổ chức Sydney 2000./.
Theo Vietnam+