Tại phiên họp tháng 2/2020 của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Thủ tướng Chính phủ lưu ý, cần hết sức thận trọng, không bi quan, xác định rõ, phân tích kỹ tình hình, xem xét các yếu tố tác động để có giải pháp phù hợp...
|
Lòng tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với chính sách tiền tệ ngày càng được củng cố |
Thận trọng nới lỏng tiền tệ
Kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, đã có những động thái cắt giảm lãi suất từ các NHTW nhằm đối phó với rủi ro này. Theo thống kê của Trung tâm nghiên cứu kinh tế MaritimeBank, tính từ đầu tháng 2/2020 đến nay đã có 8 NHTW trên thế giới hạ lãi suất, bao gồm: Mexico, Belarus, Nga, Philippines, Honduras, Brazil, Thái Lan và Iceland. Trong những đợt hạ lãi suất này, có NHTW Brazil, Nga, Phillipines, Thái Lan tuyên bố lo ngại về những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 tới kinh tế.
Theo nhiều tổ chức và chuyên gia nhận xét, dịch Covid-19 có thể tác động nghiêm trọng tới kinh tế Trung Quốc, từ đó làm gián đoạn chuỗi nguồn cung và ảnh hưởng lên kinh tế thế giới. NHTW Trung Quốc (PBoC) gần đây hạ lãi suất các hợp đồng repo, kỳ hạn 1 tuần từ 2,5% xuống 2,4% và 2 tuần từ 2,65% xuống 2,55%, bên cạnh đó bơm 1.200 tỷ CNY tương đương 170 tỷ USD ra thị trường nhằm hỗ trợ thanh khoản. Như vậy, lãi suất của nhiều NHTW lớn hiện đang ở mức thấp, và việc cắt giảm lãi suất đã diễn ra từ năm 2019 vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại trong những tháng đầu năm 2020.
Còn ở Việt Nam, đến thời điểm này NHNN vẫn duy trì các loại lãi suất chủ chốt. Nhưng song song với đó, để hỗ trợ kịp thời cho người dân, DN, cơ quan điều hành yêu cầu các ngân hàng phải giữ ổn định lãi suất, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi dịch bệnh Covid-19, như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay... Với bối cảnh hiện tại, giới chuyên môn đánh giá những động thái chính sách của NHNN vừa qua là phù hợp.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nhiều ngân hàng trung ương đã nới lỏng chính sách tiền tệ hết cỡ, chẳng hạn Nhật Bản để lãi suất âm, châu Âu lãi suất bằng 0, hay Mỹ có lãi suất rất thấp... Điều này có thể cần thiết khi kinh tế toàn cầu đang trong quá trình chống chịu những rủi ro địa chính trị hiện hữu.
Tuy nhiên, trong dài hạn, lãi suất cơ bản ở mức thấp sẽ là áp lực cho các NHTW khi dư địa về chính sách ngày càng thu hẹp, việc điều hành sẽ trở nên khó khăn hơn nếu xuất hiện những rủi ro mới đe dọa đến triển vọng kinh tế thế giới. Thực tế, dù giảm lãi suất mạnh như vậy, nhưng tăng trưởng kinh tế tại các nước trên vẫn chưa được giải quyết. Bởi những vấn đề mà các quốc gia này gặp phải có tính dài hạn, chu kỳ, trong khi Việt Nam không như vậy.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khá ổn định, tiềm năng phát triển kinh tế khá vững trên nền tảng kinh tế vĩ mô tích cực và triển vọng ổn định trong dài hạn. Đây là một trong những yếu tố khiến nhà đầu tư nước ngoài tích cực đầu tư vào Việt Nam, còn các nhà đầu tư trong nước yên tâm kế hoạch sản xuất - kinh doanh, người tiêu dùng tin tưởng vào đồng VND để tiêu dùng…
Bởi vậy, theo nhận định của TS. Lê Xuân Nghĩa, chưa nên nới lỏng chính sách tiền tệ. Nhất là ở Việt Nam, việc nới lỏng rất dễ mất kiểm soát. Bài học kinh nghiệm ở Việt Nam với gói kích thích kinh tế 2009 để lại hậu quả rất nghiêm trọng, đó là lạm phát và đình trệ kinh tế kéo dài trong 3-4 năm. Cái giá của việc kích thích tổng cầu khi đó lớn hơn rất nhiều so với lợi ích tạm thời mà nó đem lại.
Do đó, NHNN không nên giảm lãi suất, mà nên duy trì chính sách tiền tệ ổn định như hiện tại, hỗ trợ các ngân hàng ổn định lãi suất, ổn định thanh khoản, duy trì hoạt động bình thường của thị trường liên ngân hàng... “Tốt nhất là dĩ bất biến ứng vạn biến. Cách này, NHNN đã thực hiện khá tốt thời gian vừa qua”, TS. Lê Xuân Nghĩa đưa ra quan điểm.
Có chung quan điểm, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, cần thận trọng trong nới lỏng tiền tệ. Nhất là cân nhắc việc giảm lãi suất cũng như các gói hỗ trợ kích thích vì dư địa chính sách này rất eo hẹp. TS. Lực đưa ra 3 lý do không nên nới lỏng chính sách tiền tệ.
Một là áp lực lạm phát năm 2020 tương đối lớn, nếu không khéo kiểm soát có thể vượt mức 4%. Hai là hiện nay khả năng hấp thụ vốn của DN, nền kinh tế khá yếu ớt. Đến ngày 19/2 tăng trưởng tín dụng giảm 0,28% so với cuối năm 2019 cho nên có giảm lãi suất cũng không kích được cầu tín dụng.
Vì vậy, giảm lãi suất vừa không trúng, vừa không đúng. Ba là hiện nay khó khăn nhất của người dân, DN chính là liên quan đến dòng tiền và thanh khoản nên việc giảm lãi, giãn hoãn trả lãi không chuyển nhóm nợ, tiếp tục cho khách hàng vay mới là biện pháp phù hợp và cần thiết.
Tận dụng cơ hội tăng trưởng
Trong bối cảnh hiện tại, diễn biến dịch bệnh khó lường, nhận định chung là tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ bị tác động. Mức độ thiệt hại như thế nào tùy vào tình hình khắc phục bệnh dịch. Theo giới chuyên môn, dù không chủ quan, nhưng cần bình tĩnh không nên nôn nóng đưa ra điều chỉnh chính sách mạnh mà cần tiếp tục theo dõi đánh giá.
Tại phiên họp tháng 2/2020 của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Thủ tướng Chính phủ lưu ý, cần hết sức thận trọng, không bi quan, xác định rõ, phân tích kỹ tình hình, xem xét các yếu tố tác động để có giải pháp phù hợp. “Hiện chưa có cơ sở để điều chỉnh các chỉ tiêu vĩ mô, tăng trưởng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
TS. Lê Xuân Nghĩa tỏ ra lạc quan khi cho rằng, sau khi dịch Covid-19 qua đi, các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng sẽ phục hồi rất nhanh. Vì bệnh dịch chỉ là rủi ro ngắn hạn. Khi mọi thứ ổn định, người dân sẽ tăng chi tiêu cho du lịch, tiêu dùng… tiêu thụ hàng hoá của người dân sẽ tăng trở lại, thậm chí có thể mạnh hơn thời điểm trước dịch do nguồn cung suy giảm mạnh.
Mặt khác, Việt Nam còn nhiều lợi thế khác để duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định chẳng hạn các Hiệp định thương mại tự do đã và đang phát huy tác dụng, nên cần tập trung nguồn lực để khai thác các lợi thế này, chứ chưa cần sử dụng chính sách nới lỏng tiền tệ. Quan trọng là nuôi dưỡng nguồn cung hàng hóa thông qua việc giúp DN tiếp tục duy trì sản xuất - kinh doanh như hiện nay để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi mạnh sắp tới.
“Lòng tin của nhà đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài cũng như trong nước đối với chính sách tiền tệ ổn định của Việt Nam đang ngày càng được củng cố. Vì vậy, tiếp tục giữ nền tảng ổn định dài hạn đó là cách tốt nhất để vượt qua được những khó khăn tạm thời của dịch”, TS. Nghĩa khuyến nghị.
TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng cần phải tranh thủ khai thác cơ hội từ các Hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết trong thời gian qua nhất là Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - EU. Bên cạnh đó cần ưu tiên sử dụng chính sách tài khoá, xem xét giãn nộp thuế, giảm thuế thu nhập để hỗ trợ DN. Đồng thời quyết liệt đẩy nhanh đầu tư công các dự án trọng điểm, dự án lớn; cải thiện thực chất hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là thủ tục hành chính, giảm thiểu các chi phí không chính thức cho DN... Cuối cùng là phải thường xuyên theo dõi, đánh giá để đưa ra kịch bản phù hợp kể cả kịch bản cho trường hợp xấu nhất.
Hà Thành
Theo Thời báo Ngân hàng