Khởi nghiệp khi chưa học hết trung học
"Hoàn cảnh khó khăn lúc bấy giờ không cho phép tôi tiếp tục theo đuổi ước mơ được đến trường. Gia đình tôi có tới 10 anh chị em, mà tôi lại là con cả. Ba mẹ tôi làm quần quật từ sáng tới khuya cũng chỉ đủ ăn là may lắm rồi. Vì vậy, tôi bắt đầu việc phụ giúp gia đình bằng cách bán vé số, thuốc lá... rồi sau này lớn hơn thì làm công nhân điện cơ ở Quận 6. Cuộc sống thiếu thốn đủ bề, nói chung mọi cố gắng lúc bấy giờ chỉ là để duy trì sự tồn tại trước đã, còn tương lai thì mờ mịt lắm" - Anh Thọ bộc bạch.Năm 1981, từng đi bán bút bi dạo, Cổ Gia Thọ bắt đầu bén duyên với bút bi và anh quyết định đầu tư làm thử. Lúc ấy, thị trường Việt Nam và Campuchia chỉ có hàng của Thái Lan. Bút bi hiếm đến mức, người ta còn phải bơm mực vào để tái sử dụng.2 chỉ vàng dành dụm trong suốt những năm tháng lao động cực nhọc chỉ giúp anh mua được một chiếc máy ép nhựa bằng tay, và thế là lại phải chậm chạp gom góp từng đồng xu nhỏ nhất để có nguyên liệu đầu vào. Ngay cả khi đã ép được những chiếc bút đầu tiên, anh cũng phải tự mang đi rao bán chứ không thể đổ với số lượng lớn vì cạn vốn.Ban đầu, Cổ Gia Thọ đặt tên cho sản phẩm của mình là Vũ Trụ và sau đó lại đổi thành Thăng Long. Hết tháng này qua tháng khác, Cổ Gia Thọ kiên nhẫn tự đảm nhiệm hết các khâu từ sản xuất đến bán hàng và tiền thu về cũng dần tăng lên.Chủ tịch Tập đoàn Thiên Long chia sẻ: "Tới năm 1985, tôi quyết định đổi tên sản phẩm từ Thăng Long sang Thiên Long, với ý nghĩa Việt Nam là con rồng cháu tiên và mong muốn con đường kinh doanh của mình thuận buồm xuôi gió."Trước kia, tôi không có điều kiện học nhiều, điều đó thực sự rất đáng tiếc. Nhưng bước vào cuộc sống, tôi luôn nỗ lực học hỏi từ đối tác, đồng nghiệp, bất cứ khi nào và ở đâu cũng vậy. Ngoài ra, tôi phải dành rất nhiều thời gian đọc sách, tham gia một số khóa đào tạo quản lý ở Mỹ và Đài Loan. Nếu không có quá trình tự trau dồi kiến thức, tôi nghĩ mình chẳng thể có được ngày hôm nay".
... nhưng đã đưa bút bi Việt Nam đến trời Âu
Ở Việt Nam, sản phẩm của Tập đoàn văn phòng phẩm Thiên Long (sản phẩm chủ đạo trong thời gian đầu là chiếc bút bi Thiên Long) đã để lại ấn tượng rất mạnh với người tiêu dùng. Nhưng ít ai biết rằng, để gìn giữ sự tin tưởng của người tiêu dùng trong nhiều năm qua, chủ nhân của thương hiệu này đã lập nên một kế hoạch đầy mạo hiểm: đưa Thiên Long tới châu Âu.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn văn phòng phẩm Thiên Long - Cổ Gia Thọ
Vào năm 2000, quyết định này của Cổ Gia Thọ khiến nhiều người tỏ ra hoài nghi. Quốc gia đầu tiên Thiên Long chọn làm bến đỗ là nước Đức - thị trường khó tính bậc nhất thế giới.Ai có thể tin nổi anh dám bỏ ra hàng trăm triệu đồng kinh phí để đưa các sản phẩm của Thiên Long đến trời Âu, mà ở đó chất lượng hàng hóa được người tiêu dùng "soi" rất kỹ? Lại có sự cạnh tranh mạnh mẽ của những dòng sản phẩm mà các nước sở tại vẫn ưa dùng?Thế nhưng, không chỉ ở Đức, sản phẩm của Thiên Long sau đó còn xuất hiện ở rất nhiều thị trường khác như: Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Đan Mạch, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Đức, Mexico, Thụy Sĩ...Đây chính là điểm khác biệt hay nói cách khác thì có thể coi đó như một bước đột phá trong nghiệp kinh doanh của vị chủ tịch Tập đoàn Thiên Long.
Anh Thọ bật mí: "Tôi thực sự xúc động và tự hào khi đi công tác ở đâu đó trên thế giới lại được sử dụng chiếc bút bi Thiên Long do chính người bản địa đưa cho mình. Thông qua những thị trường ấy, Thiên Long sẽ có sự điều chỉnh hợp lý hơn về chất lượng sản phẩm với thị trường các nước khác và đặc biệt luôn gìn giữ được lòng tin của người tiêu dùng Việt Nam".Cho tới gần đây, người ta mới thấy toan tính này của anh là chính xác và nhanh chân hơn các nhà sản xuất khác một bước với ý định tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm trên thị trường nội địa và tạo nên giá trị sản phẩm đúng với tiêu chuẩn quốc tế, lo tới một cuộc cạnh tranh khốc liệt với những đối thủ khác khi Việt Nam gia nhập WTO.Cho tới nay, ở thị trường Việt Nam, Lào và Campuchia, sản phẩm của Thiên Long đang chiếm khoảng 70% thị phần. Đặc biết, có hai quốc gia được liệt vào hạng sang ở châu Á là Singapore, Nhật Bản... cũng đã ghi dấu sự xuất hiện của Thiên Long.Hiện nay, Thiên Long đã có hơn 2000 nghìn nhân viên, hơn 100 nhà phân phối và hơn 22 nghìn điểm bán hàng trải đều khắp 63 tỉnh thành trên cả nước. Tuy vậy, người sáng lập nên Thiên Long mới coi những thành công ấy như sự khởi đầu và đang gấp rút triển khai một chiến dịch lớn trong 5 năm tới nhằm phát triển tập đoàn tiếp tục có những bước đột phá ở thị trường nước ngoài.Cuộc đời của Cổ Gia Thọ cuốn theo rất nhiều ẩn số, khiến không ít người bảo rằng đó là chuyện cổ tích. Đôi khi ngoảnh lại con đường đã đi qua, Cổ Gia Thọ cũng nói, thật khó tin là mình lại có được ngày hôm nay. Anh chỉ biết duy nhất một điều là phải dành tất cả thời gian của mình để làm việc, để xua đuổi cái nghèo đeo bám gia đình, đeo bám bản thân, và nhất là gặp phải vô vàn khó khăn khi khởi nghiệp mà chưa được học hành bài bản như nhiều doanh nhân khác.Với anh, những thành quả của ngày hôm nay luôn phải vượt hôm qua nhưng chưa thể bằng ngày mai. Có điều giờ đây mọi thứ anh đang cố gắng không còn bởi cuộc sống của chính mình như cách đây ba mươi năm, mà vì muốn đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng."Tôi nghĩ rằng giá trị đích thực trong cuộc sống của mỗi con người chính là được lao động và chia sẻ thành quả có được với cộng đồng. Những gì tôi làm luôn gắn liền với sứ mệnh của Thiên Long: Tiên phong trong công nghệ và sáng tạo để tạo ra những sản phẩm đột phá phục vụ người tiêu dùng, cùng nhau xây dựng cộng đồng phát triển vững mạnh, mang tính nhân đạo, nhân văn" - anh Thọ chia sẻ.
Theo VEF