Sự kiện hot
7 năm trước

Ông Phan Văn Khải: Thuyền trưởng lặng lẽ của con tàu kinh tế Việt Nam

Không toát ra hấp lực chính trị như người tiền nhiệm nhưng ông đã có mặt ở những thời điểm khó khăn, thử thách nhất trong quá trình hội nhập kinh tế của đất nước.

Khi buổi tiệc tối do cộng đồng doanh nghiệp Mỹ chiêu đãi nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đang diễn ra tại Washington D.C. vào năm 2005, tiếng biểu tình phản đối vẫn vọng vào từ dòng người bên ngoài.

Bên trong tiệc, một người đàn ông chạy thẳng tới bàn đầu, hất ly rượu đỏ vào chiếc sơ mi trắng của Thượng nghị sĩ John McCain và có những lời lẽ phản đối ông McCain vì những chính sách đối ngoại với Việt Nam lúc đó - Phó giám đốc Chương trình Nghiên cứu Đông Nam Á tại CSIS (Mỹ) Murray Hiebert nhớ lại.

Hơn 10 năm sau, ông Hiebert lại có dịp tham dự một buổi chiêu đãi tương tự nhân chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 5/2017. Không còn cuộc biểu tình phản đối nào.

"Thay vào đó là các bài diễn văn ca ngợi những bước tiến vượt bậc trong quan hệ Việt - Mỹ", ông nói với Zing.vn và khẳng định thực sự quan hệ hai nước đã có những chuyển biến đáng kinh ngạc.

"Nhớ lại câu chuyện của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải hơn 10 năm trước với tư cách lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam thăm Mỹ sau 1975 để thấy được vai trò quan trọng của ông như thế nào trong phát triển quan hệ song phương. Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã có mặt ở những thời điểm khó khăn, thử thách nhất", ông nhìn nhận.

Ngoài chuyến công du lịch sử đến Mỹ, giới quan sát quốc tế còn cho rằng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc ký kết Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA) vào năm 2000, có những thay đổi chính sách thiết thực để chào đón làn sóng đầu tư từ các tập đoàn lớn từ Mỹ. Và quan trọng nhất là, bằng cách cho cả thế giới thấy mình có thể đường hoàng “chơi với Mỹ”, vị thế đất nước trên trường quốc tế đã thay đổi rất nhiều. Vì một khi Mỹ đã bật đèn xanh, rất nhiều nước khác cũng sẽ đồng thuận theo, tạo nên hiệu ứng domino có lợi cho Việt Nam.

Chính điều này đã tạo tiền đề quan trọng để Việt Nam tiếp tục tham gia các sân chơi lớn khác như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Năm 1997, ông Phan Văn Khải trở thành Thủ tướng, chỉ hai năm sau khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Thời điểm này, như lời giáo sư Zachary Abuza (Học viện Chiến tranh Mỹ), là rất khó để tạo dựng lòng tin trong chính sách làm sâu rộng hơn quan hệ ngoại giao với Washington.

"Thế nhưng, ông Khải đã lãnh đạo bộ máy của mình một cách lặng lẽ nhưng hiệu quả. Ông đã thuyết phục Bộ Chính trị lúc đó đồng ý ký kết BTA với Mỹ và từ đó là kiến trúc sư trưởng của quá trình Việt Nam gia nhập WTO, chưa kể chuyến công du lịch sử đến Mỹ vào năm 2005. Đây là những nền tảng định chế cực kỳ vững vàng cho phát triển kinh tế về sau", ông đánh giá.

Các chuyên gia có cùng nhận định việc ký kết BTA với Mỹ có ý nghĩa như sự kết thúc của một kỷ nguyên mà khái niệm Việt Nam còn bị đánh đồng với một cuộc chiến, chứ không phải một quốc gia. Thêm nữa, cột mốc đó cho thấy Việt Nam rất rõ ràng trong chính sách hoà nhập với sân chơi thế giới.

Lèo lái con thuyền kinh tế Việt Nam chỉ vài năm sau khi Mỹ gỡ bỏ cấm vận, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải xứng đáng được ghi nhận là một kiến trúc sư quan trọng của quá trình hội nhập kinh tế thế giới. Nắm quyền vào đúng thời điểm khủng hoảng kinh tế châu Á đang lan rộng, ông Khải hiểu rõ hơn ai hết Việt Nam cần phải đa dạng hoá các đối tác thương mại và đầu tư để có thể đạt được những thành tựu kinh tế.

Những hiệp định kinh tế quan trọng Việt Nam tích cực tham gia những năm gần đây như TPP (sau này thành CPTPP) đều có dấu ấn từ những chính sách, tư duy và chủ trương từ thời của ông.

Nhắc đến sự kiện khủng bố 11/9/2001 tại Mỹ, giáo sư Dennis McCornac (ĐH Loyola Maryland, Mỹ) nhìn nhận yếu tố ổn định chính trị sau đó trở thành mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư. Với tầm nhìn của mình, ông Phan Văn Khải đã tận dụng tối đa cơ hội để đơn giản hoá các thủ tục kêu gọi đầu tư nước ngoài trong suốt hai nhiệm kỳ của mình.

"Chủ trương và tầm nhìn này đã thực sự giúp kinh tế Việt Nam cất cánh", giáo sư McCornac nói.

Giới quan sát cho rằng không thể không nhắc tới vai trò của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong việc mở đường cho làn sóng đầu tư từ Mỹ, điển hình là Intel. Thời điểm ông Khải làm Thủ tướng, Intel đang tìm kiếm địa điểm mở nhà máy lắp ráp và kiểm định chip ở châu Á. Lúc đó, ai cũng đinh ninh tập đoàn Mỹ khổng lồ này sẽ chọn Ấn Độ, nơi có đội ngũ kỹ sư hùng hậu đang tái cấu trúc ngành công nghiệp phần mềm toàn cầu.

Quyết định đầy bất ngờ của Intel đã tạo ra hiệu ứng tích cực, kéo theo làn sóng đầu tư từ các ông lớn khác trên thế giới vào Việt Nam.

Ông Hiebert lý giải: “Intel chọn Việt Nam để quyết định đầu tư 1 tỷ USD thay vì Ấn Độ, Indonesia hay Thái Lan chắc chắn cũng từ những chính sách và điều kiện đầu tư thuận lợi do ông Khải và nội các của mình tạo”.

Các nhà quan sát, chuyên gia quốc tế khi chia sẻ với Zing.vn đều có chung nhận định rằng ở nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải không toát ra hấp lực chính trị như người tiền nhiệm. Và do vậy, rất dễ để một người không am tường bỏ qua những thành tựu dưới thời ông. Thế nhưng, thực tế đã cho thấy kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng nể dưới thời ông Khải, nhà kỹ trị đầu tiên lãnh đạo Chính phủ.

GS Abuza khẳng định: "Rõ ràng, lặng lẽ là một lợi thế cho ông Khải. Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người đưa ra chương trình cải cách kinh tế và ông Khải là người kế thừa, thực thi xuất sắc những chính sách đó. Ông đã để lại một di sản kinh tế và ngoại giao hết sức vững vàng cho người kế nhiệm”.

Theo tiến sĩ Edmund Malesky (Đại học Duke, Mỹ - Trưởng nhóm điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI tại Việt Nam), nhờ tinh thần cầu thị, luôn lắng nghe các nhóm nghiên cứu phản biện, Chính phủ của ông Khải luôn được ghi nhận nhờ những cải cách đột phá mà đã dẫn đến tăng trưởng kinh tế ngoạn mục dưới thời ông.

Ngay từ những năm đầu chỉ số PCI được công bố, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam. Ông nhấn mạnh thời còn tại vị: “Doanh nhân là những chiến sĩ xung kích thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế thành công”.

Giới quan sát cũng đánh giá cao bài phát biểu từ nhiệm của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trước Quốc hội vào ngày 16/6/2006. Trong đó, ông nhận trách nhiệm cá nhân trước tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, đục khoét của công “diễn ra có phần tệ hại hơn”.

Hơn 10 năm sau bài phát biểu đó, tính thời sự của những vấn đề trên vẫn còn nguyên. Theo GS McCornac, Thủ tướng Phan Văn Khải thừa nhận trách nhiệm trong việc tham nhũng hoành hành và rõ ràng, tham nhũng vẫn là vấn nạn quốc gia đối với Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay.

"Tuy nhiên, ông đã làm tất cả những gì có thể trong khả năng mình và thể chế cho phép. Trong suốt hai nhiệm kỳ, ông Khải luôn đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu. Ưu tiên của ông là luôn làm sao để khai phóng nền kinh tế và nâng cao vị thế của đất nước. Cảm giác của tôi là qua thời gian, người ta lại càng quý những đóng góp lặng thầm của ông Khải nhiều hơn", giáo sư McCornac đúc kết.

Hai di sản của Thủ tướng Phan Văn Khải "Thị trường và hội nhập là những tư tưởng của Thủ tướng Phan Văn Khải mà tôi cảm nhận được từ quá trình làm việc", Tiến sĩ Trần Du Lịch chia sẻ.

An Điền - Nhân Lê

Theo Tri Thức Trực Tuyến

Từ khóa: