Tôi bỗng nhớ đến những ấn tượng ban đầu về hoa hậu Việt Nam đầu tiên sinh ra và lớn lên ở vùng đồng bằng Nam Bộ.
Sau buổi giao lưu mừng thắng lợi của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2012 do lãnh đạo TP. Đà Nẵng tổ chức, khi về khách sạn, tôi và nhà báo Lê Xuân Sơn đang ngồi trò chuyện trên xe đợi các người đẹp Hoa hậu Đặng Thu Thảo bước lên.
Hoa hậu Đặng Thu Thảo và chồng.
Lê Xuân Sơn đứng dậy nhường chỗ và nói: "Thu Thảo ngồi đây với nhà thơ Dương Kỳ Anh…". Thu Thảo chào tôi rồi ngồi xuống bên cạnh. Thú thực, cho đến lúc này tôi mới có dịp nói chuyện với Tân hoa hậu Việt Nam dù tôi là Trưởng ban giám khảo của cuộc thi này.
Hoa hậu Thu Thảo kể rằng, Thảo đến Đà Nẵng một mình vì gia đình không có điều kiện đi cùng như một số thi sinh khác. Thế mà, mấy ngày qua tôi cứ nghĩ khác về Thảo, bởi trông Thảo mảnh mai, với nước da trắng như một tiểu thư được nuông chiều từ nhỏ.
Thảo kể rằng, cha Thảo, ông Đặng Văn Đạt năm nay mới ngoài bốn mươi tuổi, trước làm nghề dạy học sau nghỉ vì bị bệnh. Mẹ Thảo làm thợ may. Hai vợ chồng gây dựng cơ nghiệp bằng trại cá giống Tấn Đạt tại thị trấn Ngang Dừa nhưng không may trại cá gặp khó khăn, thua lỗ...
Ông Đạt bị bệnh tiểu đường nặng thêm. Bà Nguyễn Hồng Thơ mẹ Thảo gồng gánh nuôi ba đứa con ăn học. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên Thảo có ý thức tự lập từ sớm. Dù Thảo được cưng nhất nhà vì là con gái duy nhất trong ba người con nhưng Thảo luôn tự mình làm những việc cần làm để giúp đỡ gia đình.
Thảo chăm học, tự lo cuộc sống để bớt gánh nặng cho cả nhà. Khi rời quê hương Bạc Liêu lên Cần Thơ học đại học, Thu Thảo ở nhà trọ vừa làm mướn kiếm thêm tiền cho việc ăn học của mình. Bà Thơ, mẹ hoa hậu Thu Thảo kể với nhà báo rằng lần nào gia đình gửi tiền cho Thảo, Thảo đều nói đừng gửi nhiều, mẹ gửi ít thôi để còn trị bệnh cho cha, lo cho em đi học …
Ở ấp Thống Nhất, thị trấn Ngang Dừa (Hồng Dân - Bạc Liêu ) nơi hoa hậu Thu Thảo sinh ra và lớn lên, bà con cô bác ai cũng khen Thảo có hiếu. Thảo kể, cả gia đình Thảo ngồi xem ti vi đêm chung kết khi thấy Thảo đăng quang hoa hậu, cả gia đình đều khóc. Không ai trong gia đình nghĩ rằng Thảo đăng quang hoa hậu.
Trò chuyện với Thảo, tôi mới hiểu ra nhiều điều. Cô gái miền Tây trông mảnh mai, hiền dịu thật ra rất mạnh mẽ, cứng cỏi. Tôi có cảm tưởng như Thảo luôn giấu mọi cảm xúc của mình, ít khi để lộ trên gương mặt tươi sáng của cô.
Nhà thơ Dương Kỳ Anh - nguyên tổng biên tập báo Tiền Phong và từng làm Trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa Hậu Báo Tiền Phong (nay là Hoa Hậu Việt Nam) trong nhiều năm.
Khi tôi nói với Thảo rằng ở miền Tây vừa rồi có lùn xùm chuyện mấy người đẹp mà báo chí đã đưa tin, Thảo nói, chú yên tâm, cháu biết trách nhiệm của cháu, cháu biết mình phải làm gì, cháu đã quen chịu khổ từ nhỏ, đối với cháu tiền bạc chỉ là phương tiện sống, phẩm chất con người mới là quan trong.
Thảo không theo nghề người mẫu, Thảo muốn trở thành một doanh nhân trong tương lai dù bây giờ việc kinh doanh rất khó khăn. Tôi bỗng nhớ lần đầu nhìn thấy Thảo trong cuộc thi sơ khảo khu vực phía Nam. Hôm ấy, trên một trăm thí sinh ngồi đợi trong hội trường nghe đồng chí trưởng BTC phổ biến nội dung thi, bất chợt tôi bắt gặp một gương mặt tươi sáng giữa nhiều gương mặt đẹp, tôi tìm cái bút để ghi số báo danh.
Nhưng, lúc đó chưa có số báo danh nên tôi đành ghi vào tâm tưởng để chờ hôm sau chính thức thi chung khảo. Hôm thi chung khảo khu vực phía Nam, tôi ngồi ở hàng ghế thứ hai, sau hàng ghế ban giám khảo.
Năm đó có quy định mới, giám khảo chung kết toàn quốc không được tham gia ban giám khảo khu vực. Tôi ngồi quan sát như một khán giả. Khi trình diện trên sân khấu, tôi không nhận ra gương mặt tươi sáng mà tôi đã tình cờ bắt gặp hôm qua. Tôi hỏi một người phụ trách tổ thí sinh là có người đẹp nào bị ốm không? Nhưng, không có người đẹp nào bị ốm cả. Tất cả thi sinh lọt vào vòng chung khảo khu vực đều có mặt, đều lên sân khấu trình diễn. Thế gương mặt tươi sáng mà tôi đã bắt gặp hôm qua đâu nhỉ? Tôi lại nhìn lên sân khấu chăm chú theo dõi.
Một vài gương mặt mới gây ấn tượng mạnh cho tôi. Tôi liền ghi số báo danh vào một mẩu giấy nhỏ để tiếp tục quan sát. Mãi đến lần trình diễn áo dạ hội, tôi mới gặp lại gương mặt tươi sáng hôm qua dù rất khó nhận ra. Tôi tự nói với mình rằng, cô gái có gương mặt tươi sáng đó không "ăn" sân khấu!
Nhiều năm qua, khi làm trưởng BTC kiêm trưởng BGK các cuộc thi hoa hậu Việt Nam, dù rất bận nhưng tôi vẫn theo dõi các cuộc thi khu vực kể cả vòng sơ khảo. Tôi và NSND Trà Giang theo sát thi sinh dự thi ngày từ những ngày đầu. Chị Trà Giang cũng nhất trí với tôi rằng để đánh giá một con người thật khó nhất là những người đẹp. Không chỉ quan sát trên sân khấu khi họ trình diễn mà còn phải quan sát giữa đời thường, khi các người đẹp chưa biết mình là ai.
Bởi vậy, khi ra Bắc, tôi lại tiếp tục theo dõi vùng chung khảo. Tôi ngồi ẩn mình giữa những khán giả, với chiếc bút và mẩu giấy trong tay để ghi số báo danh những thí sinh mà mình có ấn tượng. Cho đến khi vào Đà Nẵng, tôi vẫn chưa biết tên các người đẹp mà chỉ biết số báo danh. Suốt thời gian bốn năm ngày tôi theo bước các thi sinh đi làm từ thiện, đi thăm các danh lam thắng cảnh ở Đà Nẵng, đi theo kíp truyền hình quay cận cảnh các thí sinh, gương mặt tươi sáng tôi bắt gặp ngày đầu tiên ở Sài Gòn lại xuất hiện.
Bấy giờ tôi mới biết gương mặt đó tên là Đặng Thu Thảo với số báo danh 306, sinh viên ĐH Tây Đô (Cần Thơ). Tôi còn được biết thêm, Thảo đã đoạt giải Hoa khôi đồng bằng sông Cửu Long 2012. Vì chưa công bố danh sách ban chung khảo, nên tôi theo dõi các thí sinh trong trạng thái hoàn toàn tự nhiên. Điều đó thuận lợi cho tôi trong việc đánh giá, thẩm định một cách khách quan. Suốt thời gian đó, tôi chỉ giữ riêng cho mình ấn tượng ban đầu mà không thổ lộ với ai.
Hoa hậu Đặng Thu Thảo trong phần thi Người đẹp biển.
Cho đến khi họp BGK vòng chung kết chuẩn bị cho cuộc thi Người đẹp tài năng và Người đẹp biển, tôi hỏi một vài giám khảo về ấn tượng ban đầu có người liền nhắc đến số báo danh 306. Thì ra, các giám khảo cũng tinh tường, tuy họ quan sát chưa có nhiều thời gian cặn kẽ như tôi. Nhưng, để chọn một người đẹp cho một ngôi vị nào đó trong cuộc thi không chỉ chú ý đến gương mặt. Còn hình thể, còn kiến thức, còn ứng xử, còn phong thái hàng ngày...
Nghĩa là phải có một vẻ đẹp hài hòa. Qua cuộc thi Người đẹp biển, Người đẹp tài năng, Thu Thảo được nhiều vị trong ban giám khảo chú ý. Trong phần thi Tài năng, Thu Thảo thực hiện điệu múa Hoa sen. Tuy có một vài động tác chưa thật nhuần nhị nhưng điệu múa gây ấn tượng tốt cho khán giả.
Đến lần gặp trực diện giữa các thi sinh và BGK, nhiều câu hỏi đặt ra, được Thảo trả lời khá chuẩn xác. Khi chọn một trong 6 giải phụ "Người có gương mặt đẹp nhất" cả ban giám khảo đều nhất trí chọn số báo danh 306 Đặng Thu Thảo.
Đêm chung kết điểm thi của Đăng Thu Thảo cao nhất. Bấy giờ tôi mới biết chắc rằng sự nhất trí trong ban giám khảo đối với ngôi vị hoa hậu của Đặng Thu Thảo là rất cao. Còn tôi, tôi vẫn giữ ấn tượng ban đầu về một gương mặt tươi sáng, gương mặt của hoa hậu Đặng Thu Thảo.
Theo Vietnamnet