Các bãi bồi ven sông Vu Gia của xã Đại Nghĩa, Đại An… thuộc huyện Đại Lộc thời điểm này, nông dân bắt đầu thu hoạch rộ vụ ớt đông xuân. Tuy sản lượng ớt cao nhưng lại liên tục rớt giá khiến nông dân chán nản, lo lắng.
Ớt là cây trồng chủ lực trong vụ đông xuân tại Đại Lộc với các giống Ấn Độ như 138, 403, 433. Nhìn chung, ớt năm nay có năng suất rất cao nhưng giá ớt tươi lại liên tục giảm. Đầu vụ ớt có giá 8.000 đồng/kg, sau đó liên tục rớt giá giờ chỉ còn 4.500-4.800 đồng/kg, trong khi mọi năm có giá từ 15.000-20.000 đồng/kg.
Hiện đang vào vụ ớt đông xuân nhưng ớt rớt giá khiến nông dân khá lo lắng
Bà Lê Thị Liễu (xã Đại Minh, Đại Lộc) cho biết: Dù năm nay sản lượng khá cao, nhưng với giá như hiện nay thì nông dân chỉ có lỗ. Chưa kể nhiều lúc các điểm tập kết lại thường xuyên ngừng thu mua vì tiêu thụ chậm, nông dân giờ chỉ hái cầm chừng. Giá quá thấp nông dân cũng ngại hái, nhưng nếu không thu hái thì cây sẽ không ra quả nữa rồi hư hại dần cũng bỏ.
Giá ớt liên tục giảm, hiện chỉ còn 4.500 đồng/kg, mỗi sào nông dân có thể lỗ từ 5-7 triệu đồng
“Nông dân chúng tôi giờ như ngồi trên đống lửa, ớt đang chín đỏ cây mà cứ rớt giá liên tục. Mới sáng còn 6.000 đồng/kg đến chiều chỉ còn 5.000 đồng, giá cứ giảm từng ngày. Có lúc mình hái ớt đầy bao rồi thì thương lái bảo ngừng thu mua, rồi lúc mình đang đi làm việc khác thì gọi lên bảo thu mua rồi kêu đi hái nhưng giá cũng có tăng đồng nào đâu. Mỗi sào ớt cũng lỗ hơn 5-7 triệu đồng chứ chẳng ít, đúng là khóc không ra nước mắt”- bà Liễu xót xa chia sẻ thêm.
Giữa cái nắng chang chang của những ngày đầu hè, ông Phạm Văn Lẫm (xã Đại An, Đại Lộc) đang kéo dây tưới nước cho ruộng ớt gia đình. Ông chia sẻ: “Ớt mấy ngày này rớt giá liên tục nhưng ruộng cũng không thể bỏ, mình cũng phải thu hái thường xuyên không thì cây sẽ cỗi rồi chết.
Lại điệp khúc được mùa mất giá khiến nông dân chán nản, nguyên nhân là do Trung Quốc tiêu thụ chậm nên tiểu thương chỉ thu mua cầm chừng
Mà một mình hái không xuể, phải thuê nhân công giá một ngày cũng 150.000 đồng/người, mất gần mấy chục ký ớt chứ chẳng chơi. May tôi trồng khá sớm nên còn thu được kha khá khi ớt còn cao giá, mấy hộ trồng sau thì lỗ nặng. Giờ chỉ cầu cho giá ớt lên lại không thì khổ, hiện chỉ biết hái cầm chừng rồi có ớt chín thì đem phơi khô thôi”.
Đang tất bật làm cỏ cho ruộng ớt gia đình, bà Trần Thị Chín (xã Đại An, Đại Lộc) chia sẻ: “Đúng là trăm bề khổ, gần cuối năm 2017 nghe thông tin ớt bột nhiễm độc tố ung thư gan thế là thương lái thu mua ớt khô ép giá. Ban đầu chúng tôi bán giá khá được từ 50-60.000 đồng/kg, sau khi có thông tin trên truyền thông thì chỉ còn 25.000- 30.000 đồng/kg.
Nông dân đứng trước hai sự lựa chọn, một bán ớt tươi với giá thấp hoặc để ớt chín phơi khô nhưng tốn công hơn
Mà tôi nghe kiểm nghiệm ở miền trong liên quan gì chúng tôi chứ, ớt chúng tôi hái tươi rồi phơi bán khô chứ có gì đâu. Giờ thì lại đến ớt vụ đông xuân rớt giá, nghe nói thị trường Trung Quốc tiêu thụ chậm nên tiểu thương cứ thu mua cầm chừng”.
Hiện người dân phải đứng trước hai sự lựa chọn, một là để ớt chín hái phơi khô hoặc hái tươi bán. Theo nhiều người dân cho biết, ớt tươi sẽ dễ bán hơn và cũng đỡ mất công phơi. Cây ớt là cây trồng chính của các vùng trồng hoa màu ở Đại Lộc, thu nhập của nhà nông chủ yếu đến từ cây ớt. Năm nay, giá cả đầu vụ thấp khiến người dân không mấy mặn mà, chưa kể đầu ra của ớt tươi xuất khẩu có phần khó khăn do có thời điểm các tiểu thương ngừng thu mua.
Dọc các trục đường, nhiều chủ buôn ớt đã lập điểm thu mua ớt xanh để đóng kiện, đưa đi các nơi tiêu thụ và thị trường xuất khẩu là Trung Quốc.
Bà Trần Thị Mai (người thu mua ớt tại Đại An) cho biết: “Bên phía Trung Quốc tiêu thụ chậm nên chúng tôi cũng không dám “manh động”. Hiện chỉ thu mua cầm chừng, ớt bán chậm giá thấp nên mình cũng đắn đo lắm. Nhiều đợt xuất không hết hàng phải dừng thu mua, chúng tôi cũng chẳng biết phải làm sao”.
Vùng trồng ớt tươi xuất khẩu chiếm đa số diện tích cây màu vụ đông xuân ở Đại Lộc nên nông dân chỉ mong chờ vào thị trường nước ngoài tiêu thụ mới có thể đưa giá ớt tăng lên. Theo tính toán, mỗi ký ớt tươi phải bán với giá 10.000 đồng/kg thì nông dân mới có lãi, chứ giá hiện nay nông dân chỉ huề vốn vì chi phí đầu tư, giống, nhân công rất cao.
N. Linh
Theo Dân Trí