Thanh tra Chính phủ vừa hoàn tất quá trình thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý vốn, tài sản tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam).
Thanh tra Chính phủ vừa hoàn tất quá trình thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý vốn, tài sản tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam).
Theo đó, trong quá trình thanh tra tại Petro Vietnam, cơ quan thanh tra đã tập trung vào các nội dung chính là việc quản lý vốn và tài sản, đầu tư dự án, mua sắm tài sản, quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp.
Kết quả thanh tra cho thấy, việc Petro Vietnam sử dụng 15.601,100 tỷ đồng thuộc khoản tiền lãi dầu khí nước chủ nhà để lại cho các hoạt động tài chính không thuộc dự án trọng điểm dầu khí là chưa đúng với quy định của Chính phủ về việc quản lý tài chính công ty mẹ - Petro Vietnam.
Cùng với đó, việc đầu tư tài chính tại các công ty liên kết và đầu tư dài hạn khác cũng như một số ngành như tài chính, bảo hiểm, bất động sản... của Petro Vietnam có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn nhiều so với đầu tư vào các lĩnh vực thuộc ngành nghề chính như khai thác, thăm dò dầu khí hoặc công ty con 100% vốn nhà nước.
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư của các công ty liên kết bình quân trong 5 năm chỉ đạt 3,41%, đầu tư dài hạn là 6,53%, của bất động sản, tài chính, bảo hiểm... chỉ đạt 2,82%, trong khi đầu tư vào ngành nghề chính đạt 28,75%.
Đáng chú ý, Petro Vietnam đã thực hiện việc ứng vốn xây dựng các công trình ngoài hàng rào nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) và một số công trình tại các địa phương khác nhau theo chỉ đạo của Chính phủ với số tiền hơn 1.647 tỷ đồng đã kéo dài trong nhiều năm nhưng đến nay các đơn vị được ứng vốn đều không có kế hoạch trả nợ hoặc không có khả năng thanh toán.
Petro Vietnam cũng tự ý dùng hơn 413 tỷ đồng từ quỹ đầu tư phát triển để xây dựng một số công trình đường sá, trường học... vốn không thuộc danh mục các dự án dầu khí, sai với quy định của Chính phủ.
Petro Vietnam cũng tự ý ứng vốn cho một số địa phương như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Sóc Trăng, Hậu Giang với giá trị trên 622 tỷ đồng để các địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng khi chưa có chỉ đạo của Thủ tướng.
Đối với việc quản lý đầu tư xây dựng, kết quả thanh tra cho thấy, ngoài các dự án được Thủ tướng cho phép thực hiện chỉ định các đơn vị thành viên làm tổng thầu và cung cấp dịch vụ, Petro Vietnam và các đơn vị thành viên đã chỉ định một số gói thầu với tổng giá trị hơn 775 tỷ đồng, 110,49 triệu USD, 0,602 triệu Euro cho những đơn vị không thuộc tập đoàn. Trong đó, Petro Vietnam chỉ định thầu 2 gói với giá trị 32,670 tỷ đồng. Các đơn vị thành viên chỉ định thầu 4 gói với giá trị 743,060 tỷ đồng, 110,49 USD, 0,606 Euro là chưa đúng với với quy định của Thủ tướng về chỉ định thầu cung cấp dịch vụ cho các dự án của tập đoàn.
Petro Vietnam cũng tự ý mua tàu khảo sát địa chấn 2D đã quá 10 năm so với quy định đăng kiểm nhưng không báo cáo Thủ tướng. Một đơn vị thành viên của Petro Vietnam là Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí (PVEP) chuyển nhượng dự án Khách sạn Thái Bình cho Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC) từ tháng 12/2010 với giá trị 111,786 tỷ đồng nhưng đến thời điểm thanh tra, PVC vẫn chưa thanh toán số tiền trên cho PVEP.
Một nội dung đáng chú ý trong kết luận của Thanh tra Chính phủ, đó là những sai phạm trong việc quản lý, sử dụng quỹ sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp.
Theo đó, tính đến thời điểm thanh tra, Petro Vietnam chưa thu hồi hết số tiền thu được số tiền cổ phần hóa tại một số đơn vị với tổng giá trị là 1.922,205 tỷ đồng và hơn 185 tỷ đồng tiền lãi (tính đến tháng 7/2011).
Thanh tra Chính phủ kết luận, để xảy ra những khuyết điểm trên, trách nhiệm thuộc về Petro Vietnam. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trong việc chậm phê duyệt kế hoạch thu dọn mỏ của một số hợp đồng của Petro Vietnam.
Ngoài ra, các tỉnh như Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Cà Mau, Ban Quản lý Dung Quất, Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm chịu trách nhiệm về các khoản nợ mà Petro Vietnam đã ứng trước theo chỉ đạo của Thủ tướng để đầu tư các dự án nhưng đến nay chưa được hoàn trả.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư có biện pháp thu hồi các khoản tiền mà Petro Vietnam đã ứng trên; yêu cầu Petro Vietnam thu hồi về quỹ sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp của tập đoàn số tiền hơn 1.922 tỷ đồng. Đồng thời phải báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng về việc sử dụng 15.601,100 tỷ đồng cho các hoạt động tài chính không thuộc dự án trọng điểm dầu khí...
Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu Petro Vietnam kiểm điểm trách nhiệm của cá nhân, tập thể có liên quan đến những khiếm khuyết như cơ quan thanh tra đã nêu ở trên.
Trao đổi với báo giới tại cuộc họp báo sáng nay, Phó tổng thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh cho biết, trách nhiệm của một số người đứng đầu tại Petro Vietnam khi để xảy ra những sai phạm nói trên tất yếu phải có. Hiện Thủ tướng cũng đã yêu cầu tập đoàn này báo cáo, xử lý cụ thể từng cá nhân, tập thể có liên quan.
Mới đây, Kiểm toán Nhà nước cũng đã công bố việc thực hiện các kiến nghị sau kiểm toán tại Petro Vietnam. Theo đó, cơ quan này kiến nghị Petro Vietnam cần chấn chỉnh công tác quản lý tài chính, trong đó một số đơn vị còn tồn tại trong xử lý nợ cần rà soát, xác định nợ khó đòi và thành lập hội đồng xử lý; kiến nghị tăng thu cho ngân sách một số khoản thu chênh lệch.
Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước cũng đã đề xuất tập đoàn này sớm phải thu hồi nợ từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với con số lên tới gần 12.000 tỷ đồng.
Theo VnEconomy