Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TW luôn không ngừng học hỏi, rèn luyện nâng cao y thuật, y đức, tận tâm với nghề. Suốt thời gian công tác tại Bệnh viện Phụ sản TW, bác sĩ Cường là tấm gương về một người thầy thuốc đã cống hiến sức lực và trí tuệ của mình trong việc mang lại hạnh phúc cho không ít bệnh nhân và gia đình của họ.
Hơn 30 năm làm nghề với rất nhiều hy sinh thầm lặng, cho dù đứng trên cương vị mới là Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương nhưng PGS.TS Trần Danh Cường vẫn vô cùng giản dị. Sự nghiệp Y khoa của ông nổi tiếng với những thành tích trong ngành chuẩn đoán và sàng lọc trước sinh, siêu âm dị tật thai nhi, là người trực tiếp phát hiện và điều trị thành công nhiều ca sản lý khó sinh, trong đó có nhiều ca phức tạp trên thế giới chưa từng xuất hiện.
Nhân kỷ niệm 67 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2022), phóng viên có buổi trò chuyện với PGS.TS Trần Danh Cường, ông không kể nhiều về những thành tích đã đạt được của mình, mà là những câu chuyện rất thực tế hơn 30 năm làm nghề Sản của một vị bác sĩ hy sinh cho nền y học nước nhà.
Phóng viên: Thưa ông, hiện nay ngày càng nhiều nam giới chọn trở thành bác sĩ Sản phụ khoa. Vừa là người đi trước lại vừa cùng thuộc nam giới, ông muốn nhắn nhủ với họ những điều gì?
PGS.TS Trần Danh Cường: Xu thế hiện nay rất nhiều nam giới chọn theo ngành Sản phụ hay nói một cách khác là có nhiều người muốn chọn ngành Phụ sản. Thì có 2 vấn đề: Thứ nhất, ngành Phụ sản là một ngành rất phức tạp, đầy nguy cơ biến chứng của ngành Sản khoa biến chứng nhanh và liên quan tới hai tính mạng của con người (một là người phụ nữ, hai là em bé trong bụng mẹ) trong suốt quá trình thai nghén 9 tháng 10 ngày. Như vậy, tất cả người phụ nữ luôn luôn phơi nhiễm rất nhiều những nguy cơ như các cụ ta dạy “chửa là cửa mả”, người phụ nữ trong quá trình mang thai có thể mất mạng bất kỳ lúc nào.
Điều đó, nói về các biến chứng của Sản khoa liên quan tới thai nghén, biến chứng xung quanh vấn đề thai nghén trong quá trình có thai nhi, trong quá trình sinh nở sau đẻ đều có nguy cơ đến tính mạng của người phụ nữ vì biến chứng được diễn biến trong một thời gian rất ngắn và rất nhanh… cho nên ngành Sản khoa được coi là một ngành rất vất vả.
Vậy cho thấy người đàn ông là người rất thích hợp vì có sức khỏe, trường diễn được, bền bỉ được và chịu được áp lực cao, những người đó đủ khả năng, sức khỏe để rèn luyện, trau dồi để chở thành người Thầy thuốc giỏi phục vụ chăm sóc sức khỏe tốt cho người phụ nữ. Xu thế trên thế giới hiện nay, ngành Sản khoa ở các nước phát triển thì đa số là nam giới và con gái thì rất ít, vì có thể thấy một đêm trực làm việc và công việc hàng ngày liên quan tới thai nghén là rất vất vả, chính vì vậy ở nước mình cũng giống như trên thế giới nam giới được ưu tiên hơn trong ngành Sản khoa.
Hiện nay trên thế giới được chia ngành Sản khoa ra làm 2 ngành là Sản khoa và Phụ khoa. Bởi tính chất cấp cứu và vất vả đó của ngành Sản cho nên phải chọn những con người trường kỳ, bền bỉ và chịu đựng được áp lực.
Thứ hai, trong đất nước Việt Nam ở điều kiện hiện tại một số ngành y sau khi học xong có thể làm trong môi trường Bệnh viện Nhà nước hoặc làm trong hệ thống Bệnh viện tư nhân và tự mở ra Phòng khám tư và không cần làm một Bệnh viện nào cả, như vậy ngành Sản khoa có khả năng tự độc lập làm ở bên ngoài được và với một trang thiết bị không quá nhiều. Ví dụ như khám Phụ khoa đơn thuần thì không cần phải trang bị nhiều máy móc hiện đại quá, vẫn có thể tự khám những bệnh Phụ khoa thông thường như bệnh viêm nhiễm, bệnh khối u phát hiện và sau đó đưa vào Bệnh viện điều trị hoặc khám thai nhi không cần nhiều trang thiết bị quá trừ phải có máy siêu âm.
Theo tôi, điều tôi muốn nhắn nhủ rằng về hình thức có thể dễ, nhưng về nội dung chuyên sâu không hề dễ vì đầy nguy cơ cao. Vậy khi đã bước chân vào với nghề Sản khoa thì phải nên nhớ câu ngạn ngữ các cụ dạy “chửa là cửa mả” và phải hiểu rằng diễn biến của Sản khoa rất khó lường có thể diễn biến rất bình thường vì sinh nở là tự nhiên, nhưng có thể từ tự nhiên thành nguy cơ rất là lớn và nguy cơ đó có liên quan tới tính mạng của 2 con người. Chính vì vậy khi bước chân vào đầu tiên phải học cho nghề tinh thông, hiểu biết và có một kiến thức toàn diện, hiểu biết sâu sắc về mặt lâm sàn và những bệnh lý mà chúng ta hay gặp… Đặc biệt, hết sức cẩn thận trong việc hành nghề không thể bỏ qua bất kỳ một thứ gì, khi chúng ta bỏ qua rất dễ dàng biến chứng cho bà mẹ và biến chứng cho em bé.
Tôi bắt đầu vào nghề từ năm 1987 nội trú sau đó làm việc cho tới ngày nay cũng đã nếm trải nhiều thứ thăng trầm, những biến cố mà mình đã phải chứng kiến có thể là những biến cố do bản thân mình gây ra do mình không cẩn thận. Nhưng với trình độ y tế thời trước và với trình độ bây giờ rất khác, ngày xưa chỉ cần nhìn, sờ, ngó, nghe là thăm khám được. Nhưng ngày nay thì cộng thêm các trang thiết bị chúng ta đi sâu hơn đi xa hơn vì vậy người Thầy thuốc có bàn tay dài hơn để nắm bắt được và để ngăn cản, dự đoán, đề phòng giảm tối thiểu các biến chứng cho các bà mẹ và thai nhi cũng chính vì vậy Sản khoa được hiện đại dần.
Nên nhớ rằng, những ai hành nghề Sản khoa này phải nắm rõ những tai biến Sản khoa có 5 tai biến đó là: Chảy máu; vỡ tử cung; uốn ván rốn; sản giật; nhiễm trùng sản khoa. Với 5 biến chứng đó cho đến hiện nay giường như chúng ta đều có thể khống chế được hết.
Phóng viên: Đối với kỹ thuật đỉnh cao trong sản khoa về khoa học kỹ thuật đang được áp dụng tại Bệnh viện ra sao, thưa ông?
PGS.TS Trần Danh Cường: Như thế nào gọi là đỉnh cao của khoa học kỹ thuật và ứng dụng hiện nay chúng ta đều hiểu về kỹ thuật số, hệ thống số…Trong ngành y được sử dụng, mỗi một nghề, một ngành trong các chuyên khoa của ngành y đều có những kỹ thuật mới tiên tiến và kỹ thuật chuyên sâu để phục vụ công tác khám, chữa bệnh tốt nhất cho con người.
Trong ngành Sản khoa có kỹ thuật hỗ trợ sinh sản càng ngày càng chuyên sâu để giúp cho những người rất khó khăn trong việc thai nghén để có con và có thêm cả kỹ thuật chuẩn đoán trước sinh sản. Với những kỹ thuật chuyên sâu đó chúng ta ứng dụng như thế nào, ứng dụng ra sao để cho phù hợp với hoàn cảnh không xâm hại quá nhiều, đặc biệt là phải tôn trọng đạo đức của nghề nghiệp.
Đối với Bệnh viện Phụ sản TW, chúng tôi cũng ứng dụng rất nhiều những kỹ thuật mới, nhưng không thể ồ ạt bởi vì kèm theo đó phải có một hệ thống trang thiết bị rất hiện đại và tùy thuộc vào nhu cầu thực tế, trong công tác điều trị, khám chữa bệnh. Hiện nay, tại Bệnh viện được ứng dụng những kỹ thuật chuyên sâu rất tốt cho người bệnh về tế bào di truyền, sinh học phân tử, chuẩn đoán trước sinh để hỗ trợ sinh sản… những kỹ thuật chuyên sâu về phẫu thuật tất cả tại Bệnh viện đều có và được phát triển.
Phóng viên: Trong diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp như hiện nay, việc đảm bảo công tác phòng, chống dịch tại Bệnh viện ra sao, thưa ông?
PGS.TS Trần Danh Cường: Tình hình dịch bệnh Covid - 19 đã bắt đầu bùng phát từ cuối năm 2019 đầu năm 2020 cho đến nay đã được 2 năm, đã có rất nhiều chính sách ứng biến với đại dịch từ năm 2019 cho tới nay.
Hiện nay, số bệnh nhân mắc dịch Covid -19 rất cao trong cộng đồng. Tuy nhiên, tại Bệnh viện Phụ sản TW phải đảm bảo rất an toàn. Thứ nhất, đảm bảo an toàn cho những người đến khám, chữa bệnh ngoại trú và nội trú. Bệnh viện thực hiện các phương pháp sàng lọc, thực hiện nghiêm 5K của Bộ Y tế quy định, đảm bảo an toàn nhất là cho bệnh nhân, cho nên việc khai báo y tế, sàng lọc đầu vào… tại Bệnh viện được thực hiện rất tốt đều theo đúng quy trình của Nhà nước quy định.
Bên cạnh đó, phải đảm bảo an toàn cho cán bộ tại Bệnh viện thực hiện nghiêm việc giãn cách tức là nghỉ luân phiên để đảm bảo có một cơ số cán bộ luôn luôn thường trực có người thay thế. Phải đảm bảo sức khỏe, quân số cho cán bộ để phục vụ trong công tác khám, chữa bệnh. Đồng thời, vẫn phải đảm bảo đời sống cho cán bộ.
Đặc biệt, trong tình hình diễn biến phức tạp dịch bệnh trong năm 2021 tại thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Phụ sản TW cũng hỗ trợ 4 đoàn vào tiếp viện, đồng hành chung tay.
Phóng viên: Nhân dịp tri ân kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, ông có thể chia sẻ quan điểm của mình nhân dịp này?
PGS.TS Trần Danh Cường: Ngày 27/2 là ngày Thầy thuốc Việt Nam, ngày dành cho cán bộ y tế, tôi gửi lời chúc tới mọi người làm trong ngành y “chân cứng đá mềm” bởi vì những năm gần đây là những năm cực kỳ khó khăn của ngành y tế, vô cùng phức tạp và cũng vất vả. Bệnh cạnh đó, bản thân tôi cũng mong muốn dịch bệnh Covid- 19 nhanh đi qua để cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.
Phóng viên: Xin gửi lời chúc mừng nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam tới PGS.TS Trần Danh Cường và tất cả các y bác sĩ. Cảm ơn Ông rất nhiều về cuộc trò chuyện này!
Phi Long/KTĐU