Vụ phân bón Thuận Phong nếu không bị xử lý đúng pháp luật sẽ tạo một tiền lệ nguy hiểm cho sự coi thường luật pháp.
Sản xuất phân bón giả phải coi là tội ác với nông dân. Ấy vậy mà vụ Công ty Cổ phần Sản xuất-Thương mại Thuận Phong dù được sáu bộ, ngành thống nhất, khẳng định là sản xuất phân bón giả nhưng sau hơn hai năm (từ tháng 4-2015) đến nay vẫn chỉ dừng lại ở mức xử lý hành chính.
Một vụ việc mà hai phó thủ tướng (kiêm trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả - BCĐ 389) của hai nhiệm kỳ Chính phủ phải có nhiều văn bản, chủ trì nhiều cuộc họp để xử lý nhưng rốt cuộc tới giờ vẫn vậy.
Trong phiên chất vấn ngày 15-6, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, khi tôi chất vấn Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về vụ án này, ông cho hay vụ việc bắt đầu từ năm 2015 nhưng vì có vướng mắc giữa luật, nghị định, thông tư hướng dẫn, dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau đối với những vấn đề liên quan tới phân bón giả hay không giả. Vì thế Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định không khởi tố vụ án và VKSND tỉnh này đã đồng ý. Nhưng sau đó dư luận xã hội không đồng tình, Hiệp hội Phân bón Việt Nam phản ứng quyết liệt. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi đó là phó thủ tướng, đồng thời là trưởng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, cũng đã chỉ đạo giải quyết vụ việc đúng pháp luật.
Vụ phân bón Thuận Phong cần sớm giải quyết dứt điểm, đảm bảo vụ việc được xử lý nghiêm minh.
“Khi bắt đầu nhiệm kỳ mới, tôi được giao nhiệm vụ và đã chỉ đạo làm nghiêm. Tôi đã chỉ đạo cho kiểm tra lại, tiến hành trưng cầu ý kiến các bộ để đi đến thống nhất đánh giá, giải thích thông tư về chất chính và thành phần chính. Trên cơ sở đánh giá sản phẩm phân bón của Công ty Thuận Phong không đủ chất chính, các cơ quan chức năng đã đi đến kết luận là phân bón giả. Tôi đã giao nhiệm vụ cho Bộ Công an xem xét lại và có ý kiến với VKSND Tối cao chỉ đạo làm lại cho đúng pháp luật” - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho hay.
Cũng theo Phó Thủ tướng, VKSND Tối cao đã chỉ đạo VKSND tỉnh Đồng Nai ra quyết định hủy quyết định không khởi tố (vì cơ quan này đã đồng ý không khởi tố nên phải ra quyết định hủy làm cơ sở phục hồi điều tra). Trong quá trình điều tra vụ án, Bộ Công an sẽ có trách nhiệm xem xét cán bộ thừa hành nếu có sai phạm.
Vấn đề ở đây, theo tôi, nếu phục hồi điều tra mà vẫn giao cho Công an tỉnh Đồng Nai thì có khách quan không bởi cơ quan này đã từng ra quyết định không khởi tố vụ án. Nếu có thể được, đề nghị giao cho CQĐT cấp khác tiến hành.
Vụ Thuận Phong cần sớm giải quyết dứt điểm, đảm bảo vụ việc được xử lý nghiêm minh. Bởi đây là vụ việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng triệu nông dân Việt Nam đang trực tiếp sản xuất.
Phân bón giả không bị xử lý đúng pháp luật sẽ tạo một tiền lệ nguy hiểm cho sự coi thường luật pháp.
Vụ việc đã được nhiều bộ, ngành kết luận đã rõ, tuy nhiên đến nay vẫn tranh cãi chất chính hay chất phụ (cái này Phó Thủ tướng đã họp các bộ, ngành lại và đã thống nhất là phân bón giả), rồi lấy luận điểm không có người bị thiệt hại để không xử hình sự là vô lý.
Trong một nhà nước pháp quyền, nếu Thuận Phong sai phạm pháp luật hình sự mà cơ quan tố tụng chỉ xử lý hành chính là bất thường!
Nguyễn Đức ghi - ĐBQH Nguyễn Sỹ Cường
Theo Pháp luật TP HCM