Với sự cố gắng, vào cuộc quyết liệt của các sở, ban, ngành địa phương, gắn công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa với quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng huyện với quyết tâm cao nhất để hoàn thành mục tiêu đưa Nghệ An cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2030.
UBND tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch số 785/KH-UBND ngày 20/10 về triển khai Chương trình hành động số 56-CTr/TU ngày 3/7/2023 của tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Chương trình hành động số 56-CTr/TU) và những chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo đó, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã nêu cao tình thần trách nhiệm của người đứng đầu, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách với quyết tâm cao nhất để hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa Nghệ An cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2030; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, kịp thời khắc phục khó khăn, vướng mắc, đảm bảo việc triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ đạt hiệu quả, chất lượng và đúng tiến độ đề ra.
Các cơ quan, ban ngành phải nỗ lực vào cuộc, lựa chọn những ngành nghề, lĩnh vực kinh tế trọng điểm để đến năm 2030, Nghệ An cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, thu nhập trung bình cao, đời sống nhân dân được nâng cao; là trung tâm thương mại, du lịch, y tế, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao của khu vực Bắc Trung bộ.
UBND tỉnh Nghệ An giao các sở, ngành, đơn vị, địa phương theo chức năng quản lý thực hiện tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Nghị quyết số 29-NQ/TW, Chương trình hành động số 56-CTr/TU đến các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xác định đây là nội dung then chốt và xuyên suốt trong lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.
Gắn công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa với quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng huyện; ban hành các chương trình, kế hoạch, cơ chế chính sách để thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Đổi mới tư duy đi tắt đón đầu thông qua việc thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả, bền vững, nâng cao năng lực tự chủ về sản xuất, công nghệ và thị trường...
Để thu hút đầu tư, cũng như phát triển sản xuất kinh doanh, các cơ quan ban ngành cần phải có những chính sách đặc thù phù hợp với tình hình kinh tế địa phương, thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực trọng điểm của tỉnh. Ưu tiên thu hút đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp FDI thuộc các quốc gia phát triển, sử dụng công nghệ cao, tạo giá trị lớn, thân thiện với môi trường.
Đồng thời, xây dựng ngành công nghiệp tiêu biểu, hiện đại; nâng cao năng lực cạnh tranh ngành xây dựng; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa công nghiệp nông thôn; tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Phát triển kết cấu hạ tầng động bộ, hiện đại, thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững.
Để phát triển thành tỉnh công nghiệp những vẫn phải gìn giữ được bản sắc, văn hóa của người dân xứ Nghệ, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên.
Diễm Phước
Theo KT&ĐU