Công ty nghiên cứu xu hướng tiêu dùng WGSN của Mỹ vừa công bố rằng Việt Nam là thị trường bán lẻ tăng trưởng quan trọng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với 76% người tiêu dùng Việt Nam thích sử dụng thương hiệu nội địa.
WGSN cho rằng Việt Nam là một địa điểm hấp dẫn cho các công ty đa quốc gia do sản xuất không bị gián đoạn trong đại dịch COVID-19. Số lượng các startup cũng tăng gấp đôi từ khi đại dịch bùng phát đến giữa năm 2022. Cải tiến về cơ sở hạ tầng logistics đã làm cho ngành thương mại điện tử của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ và dự kiến sẽ đạt mức 49 tỷ USD vào năm 2025.
WGSN dự báo Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế số phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á và là một trong những nền kinh tế nhanh nhất châu Á vào năm 2023, với tốc độ tăng trưởng GDP ước tính khoảng 6,2%. Người trẻ Việt Nam rất lạc quan về triển vọng kinh tế của đất nước, với tới 70% người thuộc thế hệ millennials bày tỏ sự lạc quan, là tỷ lệ cao nhất trong số các quốc gia châu Á được khảo sát.
Theo WGSN, người tiêu dùng Việt Nam đang dần tin tưởng vào các sản phẩm và thương hiệu nội địa, với 76% người được hỏi cho biết ưa thích sản phẩm mang thương hiệu nội địa và "Made in Vietnam" hơn các thương hiệu nước ngoài. Họ cũng thích sử dụng phương thức thanh toán số.
WGSN khuyến nghị các thương hiệu và doanh nghiệp tích hợp các kênh trực tuyến và trực tiếp một cách liền mạch bằng cách đầu tư vào hiện diện trực tuyến, khám phá hình thức dịch vụ "click-and-collect", cho phép thanh toán tại cửa hàng cho các đơn hàng trực tuyến và nâng cấp đa dịch vụ. Các thương hiệu cần tích hợp các hình thức thanh toán số và các phương thức thanh toán đa dạng trên các kênh để giảm thiểu những vấn đề phát sinh và tăng tỉ lệ chuyển đổi. Ngoài ra, tăng giá trị của thương hiệu thông qua các chương trình thành viên và quan hệ đối tác khách hàng thân thiết với các thương hiệu liên quan cũng sẽ là chìa khóa để đáp ứng mô hình chi tiêu bán lẻ của người tiêu dùng Việt Nam.
Bảo Anh
Theo Kinh tế và đồ uống