Sự kiện hot
12 năm trước

Phân tích tiềm năng cổ phiếu ngành dệt may

Hiện mới chỉ có 5 doanh nghiệp dệt may đang niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam là TCM, TET, TNG, GMC và NPS.

Hiện mới chỉ có 5 doanh nghiệp dệt may đang niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam là TCM, TET, TNG, GMC và NPS.

Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may đi 54 thị trường trên toàn thế giới. Trong đó, các khách hàng lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và Đài Loan. 9 tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đến các thị trường này chiếm gần 89,5% tổng kim ngạch.

Tính chung cả ngành dệt may, Việt Nam là nước xuất khẩu ròng. Tuy nhiên, do ngành dệt may chủ yếu hiện nay đang sản xuất theo hình thức gia công theo đơn hàng, hình thức sản xuất cấp thấp nhất và đang hướng đến nâng cấp sản xuất theo hình thức OEM và OBM và năng lực sản xuất các loại nguyên liệu và phụ liệu của ngành còn hạn chế, nên giá trị kim ngạch nhập khẩu đầu vào cho ngành rất lớn, chiếm bình quân khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu từ năm 2007 đến hết tháng 10/2011.

Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế Đài Loan, Việt Nam là nước nhập siêu tương đối lớn đối với các mặt hàng vải trong những năm qua, do chất lượng và chủng loại các sản phẩm dệt của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp dệt may trong nước.

Ngoài ra, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chủ yếu là gia công xuất khẩu, nên phải sử dụng các nguyên liệu do khách hàng chỉ định từ các nguồn cung cấp bên ngoài.

Ngược lại, kim ngạch xuất nhập khẩu của ngành may luôn có giá trị dương đáng kể trong nhiều năm trở lại đây. Điều này cũng phản ánh một phần chính sách hạn chế nhập khẩu các sản phẩm may vào Việt Nam và các biện pháp ưu đãi xuất khẩu cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc. Tuy nhiên, các số liệu trên không bao gồm khối lượng lớn các mặt hàng may mặc của Trung Quốc được đưa vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch

Trong những tháng đầu năm 2011, giá bình quân xuất khẩu có xu hướng tăng nhưng giá đầu vào nhập khẩu tăng mạnh hơn. Theo Bộ Công thương, trong tháng 9/2011, giá các mặt hàng dệt may xuất khẩu tiếp tục tăng (0,4%) so với tháng trước và tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2010; giá nguyên liệu nhập khẩu cho ngành dệt may cũng tăng mạnh trong 8 tháng đầu năm. Cụ thể, giá bông nhập khẩu đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, trong khi giá sợi nhập khẩu tăng khoảng 38%.

Những con số này cho thấy, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam lớn và tăng trưởng cao chưa hẳn là tín hiệu tích cực về lợi ích cho doanh nghiệp trong ngành khi còn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu trong điều kiện giá đầu vào tăng cao và khả năng đàm phán tăng giá đầu ra hạn chế.

Hiện mới chỉ có 5 doanh nghiệp dệt may đang niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam là TCM, TET, TNG, GMC và NPS, với tỷ trọng đóng góp vào tổng vốn hóa thị trường còn rất nhỏ (khoảng 0,2%). Trong những quý đầu năm 2011, các doanh nghiệp này đều có doanh thu tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước, nhưng tỷ lệ lợi nhuận gộp và lợi nhuận ròng không tăng trưởng tương ứng, phần nào phản ánh những điểm yếu, cũng như khó khăn của ngành.

Đến ngày đầu tháng 11/2011, TCM vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý III/2011. Doanh thu quý II và quý III của TET chỉ tương đương cùng kỳ năm 2010, song tỷ lệ lợi nhuận gộp tăng từ 38,5% lên trên 43,6%, là nguyên nhân chính giúp lợi nhuận ròng tăng 21% so với cùng kỳ năm 2010.

Doanh thu 3 quý đầu năm 2011 của các công ty khác trong ngành (TNG, GMC và NPS) đều có sự tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước (gần 100% đối với TNG và trên 55% với 2 công ty còn lại).

Tuy nhiên, tỷ lệ lợi nhuận gộp của TNG và NPS giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước, do đó, tỷ lệ lợi nhuận ròng giảm từ 4,3% xuống còn 2,8% với TNG và gần như không đổi với NPS dù có sự tiết kiệm chi phí.

Trong khi đó, tỷ lệ lợi nhuận gộp cải thiện tại GMC từ 19,65% lên gần 21,8% và cắt giảm nhẹ chi phí bán hàng vừa đủ bù đắp sự gia tăng chi phí quản lý doanh nghiệp. Do đó, tỷ lệ lợi nhuận ròng/doanh thu của GMC không có sự cải thiện so với cùng kỳ năm 2010.

 PV
Theo Đầu tư 

Từ khóa: